Từ trong cát cháy

Họ đã không thôi chờ đợi và hy vọng. Nhưng, từ cái ngày vừa hồi hộp với muôn vàn mới mẻ, vừa khấp khởi những lo toan khi tái lập huyện Núi Thành, là biết bao cố gắng khó có thể kể một cách đủ đầy. Như cách mà vùng đất này đã hồi sinh đầy diệu kỳ từ bỏng rẫy của nắng, gió và cát, những miệt mài đang được tiếp nối từ lớp lớp người đã đến và ở lại, với Núi Thành.

Ông Lê Tư Đặng (trái) - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Núi Thành ngày đầu thành lập tại buổi gặp mặt thế hệ cán bộ lão thành năm 2018.
Ông Lê Tư Đặng (trái) – Nguyên Chủ tịch UBND huyện Núi Thành ngày đầu thành lập tại buổi gặp mặt thế hệ cán bộ lão thành năm 2018.

Chuyến xe về ký ức

Không còn cái vẻ u buồn của gió từ hiu hắt lòng sông thổi lên, phía đông dòng An Tân bây giờ đã là một bờ kè đang xây dựng, và cả những lao xao của phố. Khu tái định cư đô thị, điện đường sáng choang và thanh âm hàng quán hiện hữu nơi này, để ký ức lùi lại chỉ còn trong trí nhớ của những người đã cũ, như ông Lê Tư Đặng. Ông Tư Đặng – Nguyên Chủ tịch UBND huyện Núi Thành ngày đầu thành lập, là nhân chứng của bao vui buồn xứ sở, dự phần vào những bước đi đầu tiên trên vùng cát nóng. Khoai lang trắng, nước trời, đồng chua và dăm ba trăm con tàu nhỏ mỏng manh với tổng công suất chỉ chừng 7.000 mã lực, Núi Thành ngày ấy là những nét chấm phá nhọc nhằn trên bức tranh gần như trắng màu của cát. “Là huyện nghèo ở đồng bằng thuộc dạng khó khăn nhất tỉnh thời điểm bấy giờ, từ vùng đông ven biển đến vùng núi phía tây, đời sống nhân dân im ắng theo vài trục đường nắng bụi mưa bùn. Bước chân bị cát nuốt chửng, đòn gánh trĩu nặng đè đôi vai người dân biển, đổi từng chút lương thực, thực phẩm để dùng. Tôi nhớ, có đến ba xã không ở đất liền, vì cách trở đò giang, “xe đạp cưỡi người” do phải vác xe mà băng qua sông trở về…” – ông Tư Đặng kể về những ngày đầu ấy, như thể lần giở một phần đời của chính mình. Nhẩm đếm, đã là ba mươi lăm năm…

Chúng tôi như đi cùng ông Tư Đặng trên một chuyến xe ngược về ký ức. Lần theo bao câu chuyện, cứ thấy đầy những gian nan. Ông kể, nói một cách hình tượng nhất, Núi Thành ngày đó là huyện “bốn không”: không trụ sở làm việc, không đủ người và phương tiện hoạt động, không điện và không kinh phí. Chỉ có cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, bộ phận văn phòng thì tận dụng cơ sở bệnh xá điều dưỡng thương binh Mỹ ở căn cứ Chu Lai để ở và làm việc. Các phòng ban cơ quan sự nghiệp và Mặt trận, đoàn thể đều ở nhờ nhà dân. Họ đã gõ cửa từng hộ dân để mượn nhà, gửi cán bộ, nhờ bà con nấu cơm, mượn bàn ghế làm việc. Công việc của huyện mới được bắt đầu chỉ sau chưa đầy một tháng kể từ ngày có quyết định thành lập, bằng một thời khắc lịch sử mà ông Đặng và rất nhiều người thời đó không thể nào quên được: ngày 1 tháng 1 năm 1984.

Trong miền ký ức tưởng chừng đã rêu phong, bà Hồ Thị Kim Thanh, nguyên Bí thư Huyện ủy, vẫn nhớ như in những kỷ niệm về ngày đầu công tác ở đất này. Trước đó, bà đang công tác ở cơ quan Dân vận – Mặt trận tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thì nhận lệnh điều động. “Không mấy ngạc nhiên, do dự, vì đó cũng là quê hương nơi cha tôi từng làm Bí thư Huyện ủy thời chiến, tôi có mặt ở Núi Thành trước ngày 25.12.1983. Mường tượng thôi, đã thấy có bao việc phải làm đang ở phía trước, tôi chỉ biết tự dặn mình nỗ lực. Ba mươi hai đồng chí được điều động, trong đó có tôi đã có những ngày sống tạm nhà dân, có khi gạo còn đi mượn, dân nấu cho cán bộ ăn tạm thời trong thời gian mới vào. Khó nhất, vẫn là chuyện cán bộ. Chúng tôi ra tỉnh, lên xin Sở Giáo dục bố trí cán bộ về để đào tạo, rồi lên tỉnh, cứ mấy anh ra trường trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp là xin hết để về đào tạo, bố trí cho các ban phòng vốn đang rất thiếu người. Chỉ trong vòng 3 tháng từ khi đi vào hoạt động, đội ngũ cán bộ huyện có tất thảy 170 người, tiếp tục vận hành mọi việc” – bà Thanh nhớ lại.

Chuyện của đất và người

Người ta vẫn không thôi kể về đất này, về khói lửa chiến tranh lẫn những được mất của bây giờ. Nhưng, rõ ràng là vùng đất này đã và đang “lớn lên” không ngừng. Ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư Huyện ủy nói với chúng tôi, rằng ngay cả những người con của quê hương Núi Thành, vốn đã một thời chực chờ tha hương nam tiến hay ngược lên Tây Nguyên để tìm kế sinh nhai, thì nay lại rất tha thiết quay về miền quê cũ. Họ tự hào. Không còn là hiện hữu của khốn khó và đói nghèo nữa, quê kiểng ươm mầm một giấc mơ khác, một cuộc đời khác.

Hành trình đi lên, không đong đếm bó buộc bằng một “bộ khung” tiêu chí, chỉ tiêu nghị quyết, mà còn ghi dấu quãng dài của bao thế hệ đã nỗ lực không ngơi nghỉ. Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng có mặt trong lớp cán bộ đầu tiên của Núi Thành từ khi tái lập. Khởi đầu là gian nan, “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, quỹ tiền mặt mang theo cả huyện vỏn vẹn hai mươi nghìn đồng, đủ trả lương cho xấp xỉ… 33 cán bộ trình độ đại học trong vòng một năm. Mọi việc dựa cả vào tinh thần, ý chí. Đảng bộ, chính quyền và người dân Núi Thành đã đồng hành vượt khó, với niềm tin vào ngày mai, đoàn kết trong khí thế hừng hực dựng xây từng công trình, từng phần việc. Ông Hải kể, năm 1990, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã có đề xuất thành lập Khu công nghiệp Chu Lai, cùng với Điện Nam – Điện Ngọc và khu chế xuất An Đồn (Đà Nẵng). Đó là một trong những ý tưởng phôi thai khá sớm, nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển huyện. Núi Thành liên tục dẫn đầu về phong trào trồng rừng, đánh bắt hải sản, nhiều hợp tác xã An Phú, Phú Đông, Tam Nghĩa… nổi tiếng cả tỉnh.

Không hiếm những câu chuyện về sự đồng thuận, về  sự ủng hộ đầy nhiệt thành của người dân với các chủ trương của Đảng trên đất Núi Thành. Ông Tư Đặng kể lại, ngày kéo trụ đưa điện về quê, những chiếc xe qua ruộng lầy, cát trắng, qua đường xe lửa nhẹ nhàng nhờ vào sức dân. Gặp lúa đương trổ bông, cán bộ đến xin bồi thường để kéo điện kịp tiến độ, dân khoác tay bảo giữ được thì giữ, không giữ được thì cứ cắt lúa mà đi, không cần phải bồi thường. Bà con lại cùng nhau khiêng cột điện cho công trình. “Chúng tôi đã không xây dựng ngay trụ sở làm việc, mà dành tiền đầu tư về điện, để trong vòng 2 năm sau tái lập, Núi Thành đã có điện phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân sản xuất. Ngay cả chuyện quy hoạch trung tâm hành chính cấp huyện, quyết định mang tính lịch sử thời đó, đến giờ vẫn còn đúng đắn” – ông Lê Tư Đặng nhớ lại.

Đổi thay của vùng cát, trong lòng những người đã từng kinh qua gian khổ như ông Tư Đặng, bà Thanh, ông Hải, là cả một câu chuyện diệu kỳ. Quê xứ rùng rùng chuyển động theo nhịp điệu mới, vận hội mới. Đã có không ít những gian nan, nhưng sau gió bụi của 35 năm ròng, họ có quyền tự hào vì có bóng dáng mình trong hành trình cùng Núi Thành đi lên. Bây giờ, là lúc chạm được vào giấc mơ…

Thành Công

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục