Tư liệu thủy binh triều Nguyễn ở Núi Thành

Vùng đất phía nam sông Tam Kỳ, nay thuộc huyện Núi Thành, hiện còn lưu nhiều tư liệu về người và việc có liên quan đến hoạt động của thủy binh triều Nguyễn xưa. Bài viết này giới thiệu một số võ quan được ghi danh trong các tư liệu ấy.

Thầy giáo Võ Viết Dũng với bộ tư liệu về Võ quan thủy binh Võ Viết Kiểm. Ảnh: PHÚ BÌNH
Thầy giáo Võ Viết Dũng với bộ tư liệu về Võ quan thủy binh Võ Viết Kiểm. Ảnh: PHÚ BÌNH

Thượng thư Trần Văn Thái

Trong cuốn Quảng Nam: Đất nước và Nhân vật (NXB Văn hóa thông tin, năm 2001) nhà nghiên cứu Nguyễn Q Thắng, do thiếu thông tin, đã không đề cập về một võ quan thủy binh ở vùng nam Quảng Nam từng tham gia việc binh lần lượt ở cả hai triều Tây Sơn và triều Nguyễn. Nhân vật đó là ông Trần Văn Thái, quê ở thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.

Năm 2012, được sự đồng ý của tộc Trần ở Tam Tiến, giảng viên Nguyễn Văn Bảy của Trường Đại học Quảng Nam đã tiếp cận và dịch các văn bản gốc còn lưu gồm đoạn gia phả nói về tiểu sử và hai đạo sắc phong thời Gia Long có liên quan đến ông Trần Văn Thái. Đoạn chép tiểu sử bằng chữ Nho, gia tộc dựa theo sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn; còn hai bản sắc phong được bảo quản gần như nguyên vẹn: Một trên giấy long hoàng điệp ghi niên hiệu Gia Long thứ năm (1806) và một trên lụa vàng ghi niên hiệu Gia Long thứ chín (1810). Dựa vào các tư liệu nói trên, giảng viên Nguyễn Văn Bảy đã biên soạn bài viết “Tiểu sử Trần Văn Thái – Thượng thư Công bộ, Thống quản Thủy quân thời Nguyễn – Gia Long ” vào tháng 4 năm 2014.

Tiếp cận bản gốc tiểu sử và nội dung hai sắc phong từ gia tộc Trần ở Tam Tiến, chúng tôi xin tóm tắt như sau: Đô đốc triều Tây Sơn Trần Văn Thái đã theo về phe Nguyễn Ánh vào năm 1793 – lúc quân Nguyễn đánh hạ thành Quy Nhơn. Từ đó đến khi Gia Long lên ngôi, ông Trần Văn Thái là một trụ cột về phương diện quản lý và xây dựng đội ngũ tàu thuyền cho thủy quân triều Nguyễn. Ông Thái đã được giao chức Thượng thư bộ Công tước hiệu Công Bộ Quý Đức Hầu với nhiệm vụ “quản lĩnh Bộ nội bách công chư sự vụ” (theo Sắc phong ký ngày 13 tháng Giêng năm 1806). Giữ chức thượng thư chưa trọn năm thì ông Thái qua đời (đầu năm 1809). Triều đình Gia Long đã cho tổ chức tang lễ long trọng tại quê nhà và truy tặng tước Sùng Tiến Tuyên Lộc đại phu Trụ quốc Tham chính Quý Đức Hầu (theo Sắc truy phong ký ngày 13 tháng 3 năm 1810). Cùng với ông Nguyễn Văn Trương (1740 – 1810), ông Thái là một trong hai người Quảng Nam giữ chức vụ cao nhất thời Gia Long.

Suất đội  Võ Viết Kiểm

Tại nhà thầy giáo Võ Viết Dũng ở gần đối diện chợ Cây Trâm (cũ) thuộc xã Tam Anh Nam, chúng tôi đã chụp ảnh và khảo sát bản gốc của 7 văn bản kê theo ngày tháng âm lịch như sau: 1. Minh Mạng thứ 5 (1824) ngày 20 tháng chín; 2. Minh Mạng thứ 8 (1827) ngày 20 tháng năm; 3. Minh Mạng thứ 15 (1834) ngày 12 tháng tư; 4. Minh Mạng thứ 18 (1837) ngày 22 tháng hai; 5. Minh Mạng thứ 18 (1837) ngày 22 tháng hai; 6. Minh Mạng thứ 19 (1838) ngày 11 tháng chín; và 7. Thiệu Trị thứ 3 (1842) ngày 16 tháng năm.

Qua các văn bản này, có thể biết ông Võ Viết Kiểm, quê ở xã Thanh Hà tổng Phú Triêm Hạ phủ Điện Bàn, trong vòng 14 năm (từ 1824 đến 1837) đã từ vị trí Ngũ trưởng thăng lên Thập đội trưởng, rồi Quyền sai Đội trưởng, rồi thăng Đội trưởng đội số Bốn thuộc vệ Trung Thủy của Thủy quân ở kinh đô. Sau đó, ông Kiểm kinh qua các vị trí Thí Sai Đội trưởng (1837) rồi Đội trưởng (1838). Vị trí cai quản thủy binh cuối cùng của ông Võ Viết Kiểm được ghi là Chánh Đội Trưởng Suất Đội trông coi Đội thứ Mười của Vệ số Năm thuộc Doanh Trung (1842). Doanh này trực thuộc Thủy Sư Kinh Kỳ tức là đơn vị thủy quân lớn nhất có nhiệm vụ bảo vệ sông biển vùng kinh thành Huế và cả tỉnh Thừa Thiên xưa.

Chánh Đội trưởng Suất đội Lê Văn Ứng

Năm 2016, người viết tìm đến nhà ông Lê Văn Trực, 90 tuổi ở thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2 để xin được xem tư liệu của ông cố của ông Trực là Lê Văn Ứng. Ông Ứng từng phục vụ ở ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tại nhà ông Trực hiện còn lưu (trong hòm phổ ý) 7 văn bản do các cấp của của triều Nguyễn thăng chức và cấp bằng cho ông Lê Văn Ứng. Trong đó gồm: 1/ Chiếu của triều đình ký ngày mùng 10 tháng tư niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (1838) cấp bằng Đội trưởng cho “Lê Văn Ứng quán Quảng Nam tỉnh, Thăng Hoa phủ, Hà Đông huyện, Phú Quý hạ tổng, Phú Hưng xã”; 2/ Đạo Sắc năm Thiệu Trị nguyên niên (1840) ký ngày 12 tháng năm cấp bằng Thí sai Chánh Đội trưởng Suất đội cho ông Lê Văn Ứng.

Kèm theo hai văn bản quan trọng nói trên (có đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo” của triều đình) là 5 văn bản ký vào các năm 1835, 1837, 1838 của các cấp cao nhất thuộc Thủy quân triều Nguyễn. Đặc biệt có “Bản tấu” ký ngày 10 tháng tám (năm nhuận) niên hiệu Tự Đức thứ tư (1851) ghi rõ tên hai người đứng đầu thủy quân Nguyễn đương thời là các ông Lâm Duy Nghĩa (chức Hiệp lý Kinh kỳ Thủy sư Sự vụ) và ông Đoàn Kim (chức Kinh kỳ Thủy sư Đề đốc). Nội dung “Bản tấu” này đề nghị cấp trên cho ông Lê Văn Ứng, 70 tuổi, do “lữ lực suy nhược, phất kham công vụ” (sức khỏe suy nhược, không thể gánh vác công việc được giao) được “đới nguyên hàm hồi quán hưu trí lại dưỡng tàn niên” (được giữ nguyên “hàm” – tức là phẩm trật đã được ban, về quê nhà hưu trí để nhờ người thân chăm sóc trong những ngày già còn lại).

Mấy lời kết

Ngoài các tư liệu nêu trên, hiện ở thôn Tịch Đông (tên khi chưa nhập thôn đầu năm 2019), xã Tam Xuân 1 còn lưu nhiều tư liệu về các lính thợ đóng thuyền (Chu tượng binh) từng tham gia đóng mới và sửa chữa tàu thuyền trong các đơn vị Thủy quân ở Kinh đô Huế, tỉnh Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam vào thời Nguyễn. Một số tư liệu ở Tịch Đông còn cho thấy cách quản lý của Thủy quân triều Nguyễn đối với lính thợ – đóng tàu thuyền dùng vào việc binh rất kỹ lưỡng và chặt chẽ (xin xem thêm bài “Làng đóng thuyền ven ngã ba sông” đăng trên Báo Quảng Nam Online ngày 25.1.2017 http://nguoiquangxaque.com/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201701/lang-dong-thuyen-ven-nga-ba-song-720525/index.htm )

Không chỉ ở vùng Núi Thành, trên phạm vi cả tỉnh Quảng Nam, bên cạnh các tư liệu đã được gia tộc công bố, có thể còn nhiều tư liệu về thủy binh thời phong kiến cần được tìm và phát hiện nhiều thêm!

Phú Bình

Theo báo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục