Từ Dinh trấn tới Thành tỉnh Quảng Nam
Dinh trấn Quảng Nam được chúa Nguyễn Hoàng thiết lập năm 1602 tại xã Thanh Chiêm nên còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm, được các con trai 9 đời của vương triều Nguyễn thay nhau cai quản trong suốt thời gian dài trị vì xứ Đàng Trong. Sau một vụ cháy lớn xảy ra tại Dinh trấn Thanh Chiêm và những cuộc giao tranh giữa quân chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, giữa Tây Sơn với chúa Trịnh, dinh trấn bị phá hủy.
Năm 1832, vua Minh Mạng quyết định dời Dinh trấn Thanh Chiêm đến làng La Qua, tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (tức thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn bây giờ), đổi tên là Thành tỉnh Quảng Nam. Lúc ban đầu thành đắp bằng đất, đến năm 1836, vua Minh Mạng cho xây bằng gạch. Thành được thiết bằng kiểu Vauban theo kiến trúc Pháp, do cố vấn Pháp Bá Đa Lộc đưa sang. Xung quanh thành có tường cao, 4 góc nhô ra thành 4 pháo đài, phía bên ngoài đào các hồ rộng trên khu đất có hình móng rùa, có 4 cổng thành theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc, đồng thời có cầu bắc qua hồ để ra bên ngoài.
Mỗi cổng rộng 3,5 mét, làm bằng gỗ lim. Cổng Đông môn (cửa tả) và Tây môn (cửa hữu) được dùng cho lối lưu thông bình thường. Cổng Nam môn (cửa tiền) chỉ được mở khi đón rước vua vi hành nên có câu “Nam vô tiền, Ngãi vô hậu” (Thành tỉnh Quảng Nam không có cổng trước, Thành tỉnh Quảng Ngãi không có cổng sau). Cổng Bắc môn (cửa hậu) chỉ sử dụng khi đưa tù nhân hành án; các quan lại cho đây là “cửa tử” nên kiêng cữ, không dám đi cửa này.
Từ cổng Nam môn đi vào có một ụ đất hình thang, cao 2,5 mét, mỗi cạnh trên 4 mét, dưới 5,5 mét, chia thành 3 cấp bước lên, chính giữa có một kỳ đài được chia nhiều bậc để dễ dàng bước lên treo cờ. Cờ màu vàng, có hình con rồng nên được gọi là cờ Long Tinh triều Nguyễn. Sau đó ít lâu, cờ được thay đổi, nền cũng màu vàng nhưng phía trên góc trái có 3 sọc xanh, trắng và đỏ, được gọi là cờ Bảo Hộ. Tiếp đến là sân Triều yết, có 18 bia ở giữa, mỗi bia cao 0,8 mét, được khắc hàm của từng cấp, từ nhất phẩm trở xuống, mỗi cấp có chánh nhất, tùng nhất, được chia làm hai bên, quan văn đứng bên tả, quan võ đứng bên hữu.
Đi qua sân Triều yết là tòa nhà hành cung, chính giữa là chiếc ngai sơn son thếp vàng để vua ngự mỗi khi vi hành hoặc vào dịp lễ Vạn thọ, Tết cổ truyền, ngày Gia Long phục quốc (mồng 2 tháng 5 âm lịch). Hai bên là những sạp gỗ được chạm trổ hoa văn hình hổ, rồng, biểu tượng cho uy lực. Những ngày đại lễ, các quan lại đều tập trung về đây dự lễ. Các quan phải mặc áo thụng xanh, quan văn thì đội mũ cánh chuồn còn quan võ thì tay cầm một đoạn gỗ màu trắng (tức đoạn hốt), tượng trưng cho sức mạnh. Các quan lại đều xếp hàng theo phẩm trật triều đình, mặt nhìn về hướng Bắc.
Cách hành cung chừng 200 mét về phía đông là Đốc bộ đường, dinh thự quan Tổng đốc (là quan đứng đầu một vùng hành chính gồm một tỉnh hoặc liên tỉnh, phụ trách toàn diện), phía tây là dinh thự quan Bố chánh sứ (quan văn, phụ trách thuế má, dinh điền, truyền đạt các chính sách… của triều đình). Song song với dinh thự quan Tổng đốc chếch về phía bắc là dinh thự quan Lãnh binh (quan võ phụ trách quân sự) và trại lính. Còn bên cạnh dinh thự quan Bố chánh sứ là dinh quan Án sát (quan phụ trách việc luật hình) và các phòng như ty phiên, ty niết, nhà lao, trại lính cai ngục, gia cư các quan chức, đồn trú, trạm lính canh, lính tuần tiễu…
Các phòng ty phiên, ty niết đến năm 1940 được đổi thành văn phòng. Phía bên ngoài tường thành là đường đất bao quanh, có 4 ngôi miếu cổ. Năm 1912, chính quyền bảo hộ thực dân cho phép dân làng lấy địa điểm ngôi miếu cổng hậu để lập đình làng Kim Thành còn ngôi miếu được dời ra phía ngoài chừng 200 mét. Sau khi dựng đình, Trần Cao Vân có xướng câu: “Liên hiệp tứ khuông thành đại xã/ Chỉnh tu cựu miếu hoán tân đình” được khắc trên đá phía trước đình. Đến năm 1942, Pháp cho lấp bớt hồ bao bọc xung quanh để trồng sen nên hồ không được rộng và sâu như lúc ban đầu…
Để chuẩn bị đối phó với âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đồng thời thực hiện mệnh lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính quyền cách mạng, không để cho giặc chiếm lại Thành tỉnh Quảng Nam làm cơ quan cai trị, cuối năm 1946, chính quyền đã huy động hàng ngàn dân công và dụng cụ từ các huyện trong tỉnh tập trung về đây để đập phá cả tháng trời mới san bằng được Thành tỉnh Quảng Nam.
Cũng ngay tại địa điểm khu đất có dinh thự quan Lãnh binh và các trại lính, ngày 12-5-1993, UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) cho khởi công để xây dựng trụ sở Chi cục Thuế huyện. Lúc đào móng, công nhân xây dựng phát hiện, khai quật được 8 khẩu súng thần công, 32 quả đạn có kích cỡ khác nhau của súng. Hiện tại các súng thần công được trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn.
Có người nhầm tưởng Thành tỉnh Quảng Nam và Tỉnh lỵ Quảng Nam là một, điều này không đúng, bởi Thành tỉnh Quảng Nam, còn gọi là Thành La Qua là nơi bộ máy tay sai của quân Nam triều ở xứ Quảng Nam chiếm đóng. Tỉnh lỵ Quảng Nam được Pháp đặt tại Hội An, nơi ấy có Tòa Công sứ Pháp, có cả hệ thống cơ quan hành chính chuyên môn dưới sự điều hành trực tiếp của Pháp như Lục bộ, Đạc điền, Bưu điện, Cảnh sát… các đồn bốt lính khố xanh và cả bộ máy đô hộ của thực dân.
Ngày nay, dấu tích của Thành tỉnh Quảng Nam hầu như không còn gì, chỉ có 3 tấm văn bia với nhiều vết đạn của bao thời cuộc chiến tranh được đặt ở phía trước Bảo tàng Điện Bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định công nhận Thành tỉnh Quảng Nam tọa lạc trên khu đất có diện tích 43.200m2 là di tích lịch sử văn hóa. Cùng với đó, Dinh trấn Thanh Chiêm cũng được UBND tỉnh cấp Bằng di tích cấp tỉnh.
Thái Mỹ
Theo báo Đà Nẵng