TS. Nguyễn Thị Hậu: Sài Gòn – “Đô thị di sản”
Với tuổi đời 320 năm, đến nay đô thị Sài Gòn vẫn “bảo tồn” được bốn đặc trưng cơ bản: đô thị sông nước, đô thị trung tâm kinh tế, đô thị theo kiểu phương Tây và đô thị đa dạng về văn hóa. Điểm nổi bật của sự đa dạng văn hóa và đô thị phương Tây ở đây là những loại hình kiến trúc “ngoại nhập” xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX đến nửa sau XX, trong đó có kiến trúc Công giáo, biệt thự và chung cư.
Lịch sử lâu đời, kiến trúc đa dạng của những công trình này cho chúng ta cái nhìn khách quan và sự hiểu biết giá trị nhiều mặt của di sản đô thị Sài Gòn – TP.HCM.
Bảo tồn di sản kiến trúc Công giáo
Các công trình Công giáo ở Sài Gòn xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX, hiện nay những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất tập trung ở quận 1 và quận 3 như một số công trình tiêu biểu sau:
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn, một tuyệt tác kiến trúc Roma – Gothic nằm ngay trung tâm đô thị Sài Gòn. Nhà thờ được khánh thành năm 1880, đã có vài lần chỉnh sửa và hoàn chỉnh kiến trúc, từ năm 2017 đang thực hiện đợt trùng tu lớn.
Nhà thờ Chợ Quán gắn liền với họ đạo Chợ Quán. Trải qua nhiều gian truân, họ đạo Chợ Quán nhiều lần xây dựng và trùng tu nhà thờ từ năm 1720 đến 1926.
Nhà thờ Tân Định xây dựng trên vùng đất của họ đạo Tân Định thành lập từ khoảng 1860. Nhà thờ khánh thành năm 1876 và cũng qua nhiều lần trùng tu.
Nhà thờ Huyện Sỹ – Chợ Đũi. Giáo xứ Chợ Đũi được thành lập năm 1859. Ông bà Lê Phát Ðạt (tức Huyện Sỹ) đã hiến đất và nhiều tài sản để xây cất nhà thờ từ năm 1902 – 1905.
Chủng viện Thánh Giuse (1863) và Dòng tu Saint Paul de Chartres (1860). Quần thể công trình Công giáo này tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng kế bên sông Sài Gòn. Tu viện là cơ sở Công giáo đầu tiên được xây dựng quy mô lớn, càng đặc biệt hơn khi người thiết kế và chỉ huy thi công là Nguyễn Trường Tộ.
Đối với các công trình kiến trúc Công giáo, Giáo hội giao nhiệm vụ kế thừa, bảo quản cho các giáo xứ địa phương. Các chuyên gia về kiến trúc, nghiên cứu nghệ thuật và người hiểu biết lịch sử giáo phận là những người cộng tác và cố vấn về các vấn đề trùng tu hay xây dựng nhà thờ, tu viện. Đồng thời lắng nghe ý kiến của xã hội bao gồm các công ty, tổ chức có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong kiến trúc, văn hóa, tôn trọng “ký ức cộng đồng” và đặc biệt là việc hợp tác với chính quyền địa phương.
Ba tiêu chí được xem xét trong việc bảo tồn một công trình kiến trúc nhà thờ Công giáo là tính lịch sử, tính thẩm mỹ và tính xã hội. Nguyên tắc cơ bản là: những công trình kiến trúc nhà thờ có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa gắn với cộng đồng, dân tộc, công trình kiến trúc đẹp thu hút du khách bốn phương… phải được giữ gìn và bảo tồn, khi trùng tu phải giữ đúng nguyên trạng, tránh làm thay đổi cấu trúc ban đầu, họa tiết trang trí…
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hiện nay đang được trùng tu theo những nguyên tắc trên, bằng một quy trình chặt chẽ do Ban trùng tu cấp giáo phận trực tiếp theo sát. Những tư liệu của công trình trùng tu được phổ biến rộng rãi để mọi người hiểu được tính cấp thiết và giá trị di sản, qua đó còn là phương cách huy động các nguồn lực. Kinh phí trùng tu công trình đa phần kêu gọi từ sự đóng góp của giáo dân và các tổ chức xã hội.
Những công trình kiến trúc Công giáo đã mang đến cho đô thị Sài Gòn những tinh hoa của kiến trúc châu Âu trong sự hòa hợp với văn hóa Á Đông, góp phần kiến tạo nên một loại hình biểu tượng văn hóa của đô thị Sài Gòn.
Biệt thự – bảo tồn công trình sở hữu tư nhân
Từ nửa đầu thế kỷ XX đã hình thành cảnh quan biệt thự ở trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn, xung quanh khu vực công sở hành chính và thương mại “thượng lưu”. Đấy là những đường phố nhỏ nhắn, nhiều cây xanh, có những hẻm nhỏ yên tĩnh, trong đó là những ngôi biệt thự của quan chức, công chức người Pháp và người giàu có, thương gia, điền chủ người Việt, người Hoa… Cũng có những ngôi biệt thự trên khuôn viên hàng ngàn mét vuông ở nơi còn khá hoang vắng.
Biệt thự kiểu Pháp hay kiểu “Đông – Tây kết hợp” là dấu tích kiến trúc điển hình một thuở của Sài Gòn, mỗi công trình đều chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn về lịch sử hình thành và tỏa ra vẻ đẹp sang trọng kín đáo. Biệt thự Phương Nam là một trường hợp như vậy.
Được sang nhượng cách đây ba năm, chủ sở hữu hiện nay của biệt thự Phương Nam đã “âm thầm” nghiên cứu, tìm hiểu và cuối cùng quyết định trùng tu, bảo tồn công trình, vì “công trình là một ví dụ độc đáo của kiến trúc Sài Gòn, nhờ ảnh hưởng của các kỹ thuật hiện đại châu Âu, nhưng với tinh thần, ý nghĩa thiết kế và các chi tiết trang trí đặc trưng Việt Nam”. Cảnh quan tự nhiên, bối cảnh xã hội, hoàn cảnh của chủ nhân, nền văn hóa mà chủ nhân thuộc về, lối sống, nhu cầu của chủ nhân và gia đình… là những yếu tố quan trọng để tìm hiểu “triết lý” của công trình. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu trùng tu sẽ tiến hành từng công việc cụ thể để trả lại vẻ đẹp cũng như trả lại công trình “hồn vía” của nó.
Nhóm nghiên cứu trùng tu biệt thự Phương Nam đã có những đánh giá ban đầu như sau: “Kỹ thuật xây dựng sử dụng các yếu tố đương đại (1920 – 1930); nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài có chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng; nhiều bức tranh trang trí lộng lẫy (trên tường và trần nhà); và các yếu tố bố cục, hình thức trang trí dựa trên phong thủy. Phong cách của ngôi nhà không phải là phong cách điển hình của kiến trúc thuộc địa Pháp. Ngôi nhà là sự kết hợp đầy chọn lọc, rất đặc sắc của kiến trúc Á – Âu”.
Để có thể trùng tu biệt thự theo những nguyên tắc nghiêm ngặt của trùng tu di tích, không thể không có nguồn kinh phí lớn (như tìm mua 92 loại gạch lát sàn cổ để thay thế những viên gạch hư hỏng, phục chế toàn bộ tranh tường bị che phủ trong thời gian rất dài…), nhưng quan trọng hơn, đó là chủ sở hữu đã nhận biết “giá trị di sản” của công trình, từ giá trị di sản thì giá trị bất động sản của công trình sẽ được nhân lên, lợi nhuận từ đó sẽ mang tính bền vững. Đây chính là một quy luật của nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới.
Dù được sử dụng vào mục đích nào thì việc trùng tu và bảo tồn biệt thự Phương Nam cũng là sự đóng góp tích cực cho “nguồn vốn di sản đô thị” đang bị hao hụt thậm chí có nguy cơ cạn kiệt.
Bảo tồn chung cư – không gian sống đặc trưng của đô thị
Nếu nhà thờ là công trình tôn giáo có vị trí như những “điểm nhấn” của cảnh quan đô thị, biệt thự là không gian sống “biệt lập” của đô thị thì chung cư là không gian sống của cộng đồng hiện diện tại Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ XX.
Theo một thống kê thì TP.HCM có hơn 400 chung cư được xây dựng trước 1975, phân bố trong nội thành, có nơi hợp thành từng khu vực lớn, nơi chỉ có một, hai tòa nhà, phần lớn cao bốn – năm tầng. Trong khoảng 50 năm qua, chung cư đã là giải pháp hữu hiệu giải quyết nhà ở cho hàng vạn người trong một thành phố hàng triệu dân và mức độ nhập cư ngày càng tăng. Những khu chung cư bình dân ở quận 3, quận 10 như Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Gia Tự, Nguyễn Kim, chung cư rải rác ở quận 1 như trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Hưng Đạo… quy mô lớn nhỏ khác nhau, xây dựng trong những thời điểm khác nhau. Hầu hết chung cư được xây dựng với chất lượng khá tốt, nhưng do sử dụng lâu và không được bảo quản, chăm sóc nên nhiều chung cư xuống cấp, nhếch nhác, bẩn thỉu vì lối sống “cha chung không ai khóc”. Tuy cũ kỹ nhưng chung cư cũ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của đô thị về kiến trúc và vật liệu xây dựng, về lối sống bình dị, gần gũi “tình làng nghĩa xóm”. Hiện tượng cơi nới về cấu trúc, sang nhượng về quyền sử dụng khá phổ biến song do luôn có nhu cầu cao về nơi ở nên chung cư cũ trong nội thành còn tồn tại lâu dài, trước khi có thể xây dựng những chung cư cao cấp, hiện đại.
Đấy chính là những “lợi thế” của chung cư cũ mà Công ty kiến trúc Nhất Việt đã nhìn thấy, từ đó ra đời Dự án “Hồi sinh phố cũ” để trùng tu cải tạo một số chung cư còn đảm bảo chất lượng, ưu tiên chung cư ở khu vực trung tâm vì thuận lợi về giao thông và nằm trong vùng cảnh quan lịch sử. Với phương thức bảo tồn kết hợp tôn tạo và chuyển đổi chức năng kéo dài tuổi thọ công trình, đến nay Nhất Việt đã tạo ra không gian sống chung “Onetel panorama” (khách sạn mini, phòng ở đáp ứng nhiều nhu cầu…) hiện đại, đảm bảo môi trường sống vệ sinh, an toàn, thân thiện, giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, cộng đồng sống trong những chung cư cũ – phần lớn là người và hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp – qua dự án “Hồi sinh phố cũ” của Nhất Việt đã thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực hơn. Từ suy nghĩ “chung cư chỉ là nơi ở tạm”, họ đã gắn bó và quan tâm hơn đến không gian sống của mình: trồng hoa và cây cảnh, giữ sạch sẽ hành lang, cầu thang, ứng xử văn minh, thân thiện…
Tính tương tác, tính bền vững và yếu tố xanh là ba mục tiêu của dự án “Hồi sinh phố cũ” đáp ứng nhu cầu của con người, kiến trúc và môi trường. Đây chính là điểm độc đáo góp phần bảo tồn một loại hình di sản đô thị và hướng cộng đồng đến lối sống bền vững.
Do hoàn cảnh lịch sử – xã hội mà nhiều công trình kiến trúc Công giáo, biệt thự và chung cư có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia hay thành phố. Ngoại trừ các công trình Công giáo thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, còn lại phần lớn biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và các chung cư do Nhà nước quản lý. Gần đây một số công trình đã được bảo tồn, tu sửa tốt, từ đó phát huy giá trị lịch sử – văn hóa và cả giá trị kinh tế. Nhân tố quan trọng nhất của kết quả này chính là sự tham gia trực tiếp của cộng đồng vào quá trình bảo tồn di sản đô thị, thực hiện “xã hội hóa” như những trường hợp nêu trên. Vấn đề còn lại là Nhà nước cần kịp thời có ngay những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào bảo tồn di sản, khuyến khích tinh thần trách nhiệm của cộng đồng đối với xã hội.
Sài Gòn – TP. HCM cần được nhìn nhận như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống công trình kiến trúc nhiều loại có giá trị nhiều mặt. Tính hệ thống và toàn diện là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chiến lược bảo tồn di sản đô thị chứ không chỉ quan tâm bảo tồn những gì “đã được công nhận di tích” như quan niệm xưa nay.
TS. Nguyễn Thị Hậu
Theo Người đô thị