Trường đại học Thái Lan dẫn đầu về nông nghiệp đô thị hữu cơ
Ngay giữa Bangkok có một cảnh tượng hiếm thấy: Các giảng viên và sinh viên Đại học Thammasat thu hoạch lúa trồng hữu cơ tại “cánh đồng” nằm trên tầng mái một tòa nhà trong khuôn viên trường.
Cũng như ở nhiều thủ đô sầm uất khác, Bangkok lâu nay ngập trong khói thải không tốt cho sức khỏe và không gian xanh khan hiếm, ngoài các công viên nhỏ.
Mô phỏng ruộng bậc thang
Đó là lý do tại sao dự án trang trại trên sân thượng Đại học Thammasat, một trong những học viện hàng đầu của đất nước, có thể mở ra hướng phủ xanh thành phố, nơi từng được mệnh danh là Venice của châu Á nhờ có rất nhiều kênh đào.
Khu vườn trên sân thượng rộng 7.000 m2 tại Đại học Thammasat được ghi nhận là không gian xanh ở đô thị lớn nhất châu Á. Thiết kế của khu vược được cho là mô phỏng ruộng bậc thang tuyệt đẹp trên sườn đồi phía Bắc Thái Lan để nước mưa dùng cho việc trồng trọt có thể được hấp thụ và lưu trữ. Điều đó có nghĩa là trang trại có thể hoạt động với hiệu quả sử dụng nước tối đa.
Kotchakorn Voraakhom, giám đốc điều hành và người sáng lập Landprocess, một công ty thiết kế đô thị cho biết: “Chúng tôi có xu hướng phân biệt giữa các tòa nhà và không gian xanh nhưng không gian xanh có thể là một phần trong thiết kế xây dựng cao ốc ở các thành phố như Bangkok, nơi có rất ít không gian xanh”.
Khu vườn trên sân thượng của trường đại học này phục vụ một số mục đích, trong đó có trồng trọt các loại cây sạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm gạo hữu cơ. Dự án nêu trên tìm cách giúp nông dân Thái Lan loại bỏ thuốc trừ sâu và thuốc diệt côn trùng lâu nay vẫn được sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp.
Việc sử dụng nhiều hóa chất tại các trang trại trên khắp Thái Lan đang đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về môi trường. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ 2009 đến 2018, Thái Lan nhập khẩu một lượng lớn hóa chất nông nghiệp, chẳng hạn như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm mỗi năm. Riêng năm 2018, hơn 156.000 tấn hóa chất đã được đưa vào nước này.
Giải pháp chống chịu với sự thay đổi khí hậu
Cùng năm đó, theo ghi nhận của giới chức y tế, hơn 6.000 người dân địa phương đã bị bệnh nặng do tiếp xúc với hóa chất độc hại và gần 3.000 người bị bệnh do tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng.
Mục tiêu của trang trại trên tầng mái tại Đại học Thammasat là phổ biến các sản phẩm không dùng thuốc trừ sâu như rau sạch. Đáng lưu ý, không chỉ sinh viên và nhân viên đại học mới có thể trồng cây hữu cơ tại đây. Bất kỳ ai muốn trồng cây hữu cơ đều được hoan nghênh tham gia. Mọi người được mời tự trồng trọt hoặc bán sản phẩm thu hoạch cho căng tin của trường đại học.
Với mục tiêu thiết lập một hệ thống thực phẩm không dùng thuốc bảo vệ thực vật, trường đại học này đang có kế hoạch thiết lập một căng tin hữu cơ và một chợ hữu cơ trong khu vực.
Về lâu dài, giải pháp tích hợp nông nghiệp với kiến trúc cảnh quan tại Đại học Thammasat mở ra giải pháp chống chịu với khí hậu cho ngành nông nghiệp lâu nay bị tác động bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không được kiểm soát.
Việc sản xuất lúa gạo ở Thái Lan trong những năm qua bị ảnh hưởng bởi biến động thời tiết, lúc cực kỳ ẩm ướt và lúc khô hạn khó lường, khiến sinh kế của hàng triệu nông dân bị đe dọa. Những vùng đất nông nghiệp trước đây màu mỡ và có năng suất cao trên khắp Thái Lan nay đã được chuyển đổi thành các trang trại công nghiệp, không chỉ gây ô nhiễm hệ sinh thái tự nhiên mà còn coi thường sức khỏe cộng đồng và tạo ra nạn bất bình đẳng thu nhập.
Thiệu Kiệt
Theo 24hsongxanh.vn/ Sustainability Times
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/truong-dai-hoc-thai-lan-dan-dau-ve-nong-nghiep-thi-huu-co/