Trở lại Trà Sư

Từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, khi mùa nước nổi đang về, cũng là lúc rừng tràm Trà Sư đẹp nhất trong năm.

Rừng tràm Trà Sư nằm trong khu vực vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang, cách sông Mê Kông 15km về phía Đông Bắc và cách Campuchia 10km về phía Tây Bắc. Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Rừng tràm Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư.

 Độc đáo một rừng đặc dụng hiếm có

Rừng tràm Trà Sư có diện tích rộng 845 ha, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm và vẫn còn mang tính hoang dã, có một đặc tính rất riêng của hệ sinh thái đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thường thì người ta thuê xe máy chạy dọc theo các con đê phòng hộ bao quanh rừng luôn giữ cho mực nước của khu rừng luôn ổn định. Hoặc đi bộ dạo quanh. Nhưng nếu chỉ đi bộ không thôi thì bạn chưa thể ngắm hết vẻ đẹp nơi này. Chọn đi thuyền trên các con rạch là thể loại di chuyển được ưa chuộng hơn cả. Từ bến thuyền, bao giờ cũng vậy, chiếc tắc ráng sẽ đưa khách băng qua những vùng rừng tràm rộng lớn để vào những con kênh dẫn nước dọc ngang trong rừng. Chiếc tắc ráng chỉ làm nhiệm vụ chừng 10 phút đầu tiên, sau đó, đều chuyển qua đi đò với một lực lượng các cô, các dì chèo đò đợi sẵn. Lúc này mới là lúc thích thú nhất cho du khách. Những mái chèo lướt nhẹ trên dòng nước lặng lờ, khuấy tan đám bèo hoa dâu, bèo tấm được dăm phút, quay lại đã thấy chúng đang kéo nhau che kín mặt nước, tạo thành những mảng xanh dài tít tắp khắp rừng tràm. Mùa nước nổi, nơi đây các loại bèo, có chen cả sen, phủ kín hết các mặt nước của rừng, tạo thành một mảng xanh độc đáo. Đây cũng chính là điểm độc đáo của Trà Sư để níu chân du khách đến thăm. Không gian trong veo, thoang thoảng chút hương tràm và mùi cỏ khô oải mục dưới nước. Thi thoảng, lại thấy những con chim rừng màu sắc thật đẹp đậu hững hờ trên mấy nhánh tràm, như chẳng để ý đến các du khách bên dưới. Và thường gặp nhất là những con chim nước không biết tên, đi lại trên mặt bèo như thể đi trên cạn vậy. Khi gặp người, chúng thoáng e ngại nên chạy càng nhanh vào sâu trong rừng, lướt trên mặt nước mà nếu bạn khéo tưởng tượng, thì trông như cao thủ khinh công các truyện kiếm hiệp vậy.

Chút nỗi niềm với người chèo đò

Chuyến trở lại nơi này của tôi đáng nhớ hơn khi có cơn mưa chiều ập đến giữa lúc những con đò còn đang thong dong chở khách dưới tán cây tràm. Ôm co ro chiếc túi đựng máy ảnh để hạn chế nước làm ướt túi ở mức có thể, trước mặt tôi là dáng người đàn bà chèo chiếc đò phía trước, chèo mải miết, lầm lũi trong mưa. Biết là dù có muốn cũng không thể kịp về bến, những người đàn bà chèo đò này vẫn nỗ lực chèo nhanh cho khách về bến.

Những người phụ nữ chèo đò mỗi người được trả tầm 20 – 30.000 đồng/ đò.
Những người phụ nữ chèo đò mỗi người được trả tầm 20 – 30.000 đồng/ đò.

Đây là những người phụ nữ chèo đò có thu nhập rất khiêm tốn. Những buổi chèo đò đưa khách tham quan trong rừng tràm hết chừng hai mươi phút ấy, mỗi người được trả tầm 20 – 30.000 đồng/đò. Mỗi ngày có khi chỉ có một chuyến nếu nhằm những ngày đầu tuần vắng khách. Cuối tuần, lễ tết có khá hơn thì có thể xoay tua được thêm một hai lần đưa đò nữa. Nghĩa là mỗi ngày họ sẽ được 30.000 đồng, cuối tuần giàu hơn, có thể đến 100.000 đồng. (Nếu được khách du lịch “tiếp” cho, nhất là khách đoàn, thì may ra thu nhập khá hơn. Chỉ trần xì vậy thôi, là công ty du lịch thuê và trả sòng phẳng như thế, ngoài ra không có khoản lương nào cả. (Trong khi vé tham quan nơi này giờ là 190.000 đồng/vé/người, bao gồm chi phí tham quan bằng xuồng và tắc ráng, tăng rất nhiều so với thời điểm những năm trước, như năm 2012 là 45.000 đồng/người). Tôi hỏi sao mấy chị không đi làm ruộng có tiền hơn, chị cười mà rằng đâu có ruộng mà mần đâu cậu. Lại một “điệp khúc hoàn cảnh chèo đò” tôi được nghe như đã từng nghe nhiều lần của những người chèo đò ở khu vực cồn Thới Sơn – Bến Tre, Tiền Giang, với mức thù lao y chang nhau, có khác chăng là ở cồn Thới Sơn, những hộ nghèo mới được “đặc cách” vào thành phần chèo đò cho khách du lịch.

Tôi nghe trong những mái chèo khua vội trên mặt nước đầy bèo, có thoảng hương tràm thơm thơm, the the mà nghe ra có chút ngùi ngùi.

Giữ lấy màu xanh

Trở lại rừng tràm Trà Sư nhiều lần, điều tiếc nuối lớn nhất còn ở chỗ dù được một công ty du lịch đầu tư khai thác, nhưng dịch vụ hầu như không có gì mới mẻ so với trước đó. Giá vé vào cổng bao gồm chi phí tham quan một vòng bằng xuồng và tắc ráng. Và chỉ có vậy. Tiếng là khu du lịch sinh thái nhưng du khách sau khi đi thuyền cũng chỉ có thể ăn hoặc leo chòi ngắm chim, và đi thêm một hai địa điểm mới mang nặng tính nhân tạo như cầu tình yêu. Và sau đó là ra nhà hàng ăn hoặc… nhậu!

Một góc rừng tràm Trà Sư.
Một góc rừng tràm Trà Sư.

Những thắc mắc về các loại chim chóc, hệ thực vật khá phong phú ở đây vẫn khó tìm được lời giải đáp cho những du khách ưa tìm hiểu, nhất là du khách nước ngoài. Nếu quan tâm đúng mức, đây sẽ là những điểm cộng làm tăng thêm mức độ hấp dẫn du khách của vùng sinh thái đặc thù này. Rừng tràm Trà Sư hiện sở hữu khoảng 11 loài thú, 70 loài chim, 25 loài bò sát, 10 loại cá. Bên cạnh đó, hệ thực vật có 22 loài cây gỗ khác nhau. Một hệ động thực vật sinh thái đa dạng chưa được quan tâm khai thác đúng mức phục vụ du lịch.

Những lợi thế có sẵn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển rừng tràm này thành một hệ thống du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một nghiên cứu mang tính chuyên sâu cũng như có sự đồng bộ về quản lý nhằm khai thác hiệu quả khu rừng tràm sau khi đã trở thành khu du lịch sinh thái, mà nơi đây thì đã được khoác áo “du lịch sinh thái” khá lâu rồi!

Công trình nhân tạo trong rừng tràm Trà Sư.
Công trình nhân tạo trong rừng tràm Trà Sư.

Có nhiều cách để đến tham quan rừng tràm Trà Sư, bạn có thể đi ô tô hoặc xe máy. Từ Sài Gòn bạn đi theo đường QL 1A sau đó đi qua tỉnh Long An, Tiền Giang, đi qua cầu Mỹ Thuận để tới Đồng Tháp, đến TP. Long Xuyên, tiếp tục đi thêm 50km để tới Châu Đốc. Sau khi đến Châu Đốc, bạn đi theo hướng đi Tri Tôn, khi nào đến gần cầu Bưng Tiên thì rẽ trái và đi thêm khoảng 3,5km nữa là tới khu du lịch rừng tràm Trà Sư.

Từ thành phố Long Xuyên, có hai con đường để đến Trà Sư. Con đường thứ nhất, là đi từ Long Xuyên, đến Tri Tôn, qua Nhà Bàng rồi ngược đường về Châu Đốc trên tỉnh lộ 948 qua cầu Trà Sư đến km 06, rẽ phải chạy thêm 3,5km là tới rừng tràm Trà Sư. Con đường thứ hai bạn có thể đi là từ Long Xuyên, đến Châu Đốc, trên tỉnh lộ 948 về Nhà Bàng, qua cầu Tha La, đến km 06 chúng ta rẽ trái chạy thêm 3,5km là đến nơi.

Nếu đi xe khách, bạn nên đến bến xe miền Tây để mua vé đi Châu Đốc. Có khá nhiều nhà xe tiện cho tuyến đường này. Sau đó bạn có thể thuê xe máy hoặc bắt taxi đi rừng tràm. Các khách sạn và dịch vụ lưu trú ở thành phố Long Xuyên, Châu Đốc khá rẻ, dao động từ 250.000 – 450.000 đồng/phòng/đêm. Các tuyến tham quan Trà Sư hầu hết đều kết hợp tham quan núi Cấm, các di tích, đền chùa ở khu vực này. Hành trình lý tưởng là 3 ngày 2 đêm cho chuyến đi Trà Sư – Núi Cấm ở An Giang.

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục