Trở lại Cao Bằng

Tôi vừa bước vào tuổi hai mươi khi lần đầu đến Cao Bằng. Từng ngồi bè tre dưới chân thác Bản Giốc, đã đi dọc suối Lê Nin. Thế mà phải lần này trở lại, mới nhớ ra cái màu xanh ngọc lục bảo tưởng như siêu thực này chính là màu nước non mình.

Anh Ngọc đã lái mòn lốp trên cung đường Hà Nội – Bắc Kạn – Cao Bằng. Nhưng lần này tôi thấy anh hay tủm tỉm, thỉnh thoảng kín đáo liếc nhìn ông khách Bỉ ngồi cạnh. Đó là chồng tôi. Mặt chồng tôi đang căng thẳng, cơ bắp vồng lên bám chặt vào tay vịn mỗi khi xe đổ dốc leo đèo.

Suối Lê Nin
Suối Lê Nin.

Đây là lần thứ hai tôi trở lại Cao Bằng. Đưa một người ngoại quốc yêu núi đến thăm vùng giang sơn trùng điệp nước mình khiến chuyến đi trở nên hồi hộp, thú vị hơn cho cả tôi lẫn anh Ngọc lái xe. Ở Bỉ, có mùa Hè cả nhà tôi chất đầy đồ ăn thức uống lên chiếc xe bảy chỗ. Vợ chồng thay nhau lái hơn 900 cây số từ Bỉ qua Hà Lan, rồi tới Đức, lướt qua biên giới Áo để đến vùng Tyrol, miền Bắc nước Ý. Cũng đường xuyên núi, cũng những vòng cua tay áo thấp thoáng bóng Chúa trên Thập tự giá khắc vào vách đá nguyện cầu cho các chuyến đi thông suốt an toàn. Rồi lặng người đi khi nhận ra mình lọt thỏm giữa hai vách đá sừng sững của dãy Alps hùng vĩ. Niềm tự hào của người yêu thiên nhiên ở châu Âu có khi đơn giản là ước mơ được một lần cầm vô lăng lướt dưới những đỉnh núi tuyết như vậy.

Nhưng núi non ở Cao Bằng lại là câu chuyện khác.

Em về giã gạo ba trăng/ Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm/ Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo/ Anh biết em liệu có được chăng/ Trần trần như Cuội cung trăng/ Biết rằng cha mẹ có bằng lòng không/ Để anh chờ đợi luống công/ Trước sau anh vẫn một lòng yêu em.

Làng quê Bắc bộ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Thím tôi họ Hà. Mỗi lần gửi con cho bà nội trông để trở về Cao Bằng thăm cha thăm mẹ, thím tôi thường đi cả tuần. Xe khách thời đó hiếm chuyến, đường vào bản xa xôi. Tay nải của thím lích kích thuốc men mang từ miền xuôi lên. Bà nội tôi nằm võng ru cháu bằng những lời thơ khuyết danh như vậy. Rồi thím tôi cũng trở về, từ tay nải trào ra cả thiên đường quà miền ngược cho lũ trẻ chúng tôi. Nào mận hậu, nào bánh khảo, nào bánh gai… Những ngày Đông rét mướt, nhà trong bà tôi sai ngâm gạo đổ bánh đúc thì bếp nhà ngoài của thím cũng phập phồng bánh cuốn chín hơi. Chúng tôi lớn lên bằng những miếng bánh hơi bột của miền xuôi lẫn miền ngược như thế.

Đường từ suối Lê Nin lên hang Pác Bó.
Đường từ suối Lê Nin lên hang Pác Bó.

Năm nay, tôi vừa từ Bỉ về chơi đã thấy thím mang vào nhà mấy chiếc bánh tro hình lưỡi liềm trong màu hổ phách và óng ngọt mật mía “Quà Cao Bằng đây. Các em vừa mang về.” Thím giờ đã hơn bảy mươi, không tay nải về miền ngược được nữa. Đến lượt các em họ tôi thay mẹ lên Cao Bằng mỗi khi có việc hiếu hỉ “Bến xe Mỹ Đình ngày ba chuyến đi Cao Bằng chị ạ. Ban ngày em đi làm, tối ra mua 200 nghìn đồng một vé giường nằm, ngủ một giấc hơn sáu tiếng là đến.

Nếu tôi đếm không nhầm thì tổng cộng phải vượt qua khoảng 323 khúc cua tay áo mới đến được Cao Bằng. Ngoạn mục!” Chồng tôi hồ hởi quay ra nói với anh Ngọc lái xe. Anh Ngọc lại tủm tỉm, có vẻ coi đây là lời ngợi khen tay lái của anh. Chuyện đi lại bây giờ đã thuận tiện hơn. Nhưng sự thử thách tinh thần người lái xe trên cung đường này thì xưa hay nay không thay đổi. Biết thế nào là núi đồi ở Việt Nam rồi nhé. Cua với vòng cứ gọi là cháy ga, trong khi mắt căng ra nhìn núi đồi rầm rập hành quân hai bên, ngăn ngắt màu xanh vô cùng vô tận. Nào phải xa xôi gì, chỉ già nửa ngày, đang từ Hà Nội chật chội ồn ào bỗng lọt vào xứ sở của núi của sông và sự tĩnh lặng tinh khiết đến tỉnh người. Tôi cũng tự hào không kém khi chồng tôi chỉ tay về phía làn khói mỏng luồn qua mái một ngôi nhà sàn chênh vênh trên đỉnh núi “Giá được ở trong căn nhà đó.”

Bánh cuốn Phố Cũ.
Bánh cuốn Phố Cũ.

Mẹ ơi, suối Cao Bằng giống hồ Thụy Sĩ quá.” Con trai 9 tuổi của tôi reo lên. Thằng bé bần thần đứng trước thác Bản Giốc, rồi tháo giày lội qua những phiến đá đẫm nước nằm phía đầu suối Lê Nin. Mùa Hè năm trước, cũng thời điểm này chúng tôi đang ngồi trên tàu và phà, tấm tắc trước vẻ đẹp gần như siêu thực của hồ và núi ở Interlaken (Thụy Sĩ). Tôi giật mình. Tôi vừa bước vào tuổi hai mươi khi lần đầu đến Cao Bằng. Từng ngồi bè tre dưới chân thác Bản Giốc, đã đi dọc suối Lê Nin. Thế mà phải lần này trở lại, mới nhớ ra cái màu xanh ngọc lục bảo tưởng như siêu thực này chính là màu nước non mình. Nên chăng ít nhất trong đời một lần sang Thụy Sĩ để rồi trở về, để thấm tháp hơn những giá trị mình đang có, đang sở hữu.

Bá ơi, cháu muốn ăn bánh cuốn”, tôi hỏi bà cụ bán măng tươi trong chợ quê cắm lều trại ngay bên bờ sông Bằng Giang. Bà cụ chỉ tay “Phải ăn bánh cuốn Phố Cũ mới ngon”. Bà chủ hàng bánh cuốn vừa chan nước dùng vào bát vừa dặn dò khách “Có những thứ không phải cứ khéo tay hay lâu năm kinh nghiệm mà được. Bánh cuốn Cao Bằng ngon, dai và thơm là nhờ thứ gạo trồng trên đất này và tưới từ nước mát đầu nguồn”. Hẳn là thứ nước trong màu ngọc lục bảo luồn lách qua khe đá mà con trai tôi cứ đòi vục tay xuống uống trực tiếp. Hẳn là thứ nước mà bà nội tôi vẫn ngâm nga ru cháu Em về giã gạo ba trăng/ Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm… Thứ nước đã tưới tắm cho những món ngon Cao Bằng, con người Cao Bằng và cả khách đến thăm vùng đất này bao hương vị ngọt ngào, cảm xúc tươi mới. Điện thoại của chồng tôi reo. Hóa ra anh vừa chụp màu nước ở suối Lê Nin gửi cho một đồng nghiệp Ba Lan xem. Đồng nghiệp nhắn lại “Anh đang ở thiên đường rồi còn gì. Tận hưởng đi!

Lâm Văn

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục