Trò chuyện trong đại dịch với Trish Summerfield – Giám đốc Trung tâm Inner Space – Thiền tâm trí: “Suy nghĩ tích cực giúp khả năng miễn dịch mạnh lên”

Trong hơn 20 năm ở Việt Nam – cô Trish, người New Zealand là gương mặt quá quen thuộc trên VTV2 – chuỗi 160 chương trình Quà tặng cuộc sống với hàng ngàn người kết nối, trao đổi.

Cô thực hiện xuất bản 40 cuốn sách được bạn đọc đón nhận như công cụ giúp con người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.

Mở nhiều khóa đào tạo Thiền tâm trí và đặc biệt hợp tác với Bộ LĐTB-XH nhiều khóa thực hành giúp thanh niên trẻ trong các trung tâm cai nghiện ma túy đối mặt với thử thách lớn nhất của cuộc sống, xây dựng lại lòng tự trọng và tạo ra một tầm nhìn hy vọng của họ.

Cô đã đào tạo được một đội ngũ lãnh đạo trẻ ở Việt Nam có thể hướng dẫn thực hành giỏi, mà Trung tâm Inner Space là nơi đã có uy tín với các doanh nhân và rất nhiều bạn trẻ.

24h Sống Xanh có cuộc trò chuyện mới nhất cùng Trish.

trish-summerfield-inner-space

Dưới cái nhìn một chuyên gia thực hành thiền tâm trí, cô có cảm nghĩ gì về lo lắng tất nhiên của con người trong đại dịch Covid 19 đang hoành hành khốc liệt toàn cầu?

Có một quy luật tâm lý thế này: Khi đối mặt với thay đổi nào đó, tâm trí thường dẫn đến những gì mình sợ, mình không muốn.Thí dụ: “Tôi không muốn bị bệnh” “Tôi không muốn con tôi bị bệnh”… Như vậy đầu ta sẽ tràn ngập ý nghĩ “bị bệnh”. Trong khi đó, lẽ ra ta có thể sử dụng sức mạnh của tâm trí tạo những lời khẳng định tích cực như “tôi mạnh mẽ, an toàn và lan tỏa sự an toàn ra xung quanh, tôi thắp lên một ánh sáng vàng ấm áp”. Điều này giúp ta tập trung vào những gì mình muốn.

Những câu mạnh mẽ tập trung tâm trí vào nó sẽ khuyến khích sức mạnh bên trong và khả năng miễn dịch của chúng ta. Suy nghĩ tích cực giúp khả năng miễn dịch mạnh lên, sợ hãi tiêu cực làm nó yếu đi.

Vậy ta phải nghĩ gì hiện nay?

Việc đầu tiên cần tự hỏi: Ta có trách nhiệm phải làm gì trong nạn dịch này không? Về thể chất, ta phải an toàn, khỏe mạnh và làm theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.

Tiếp theo là tự hỏi mình, có cách nào hỗ trợ người khác điều gì không? Nếu có thể, hãy làm ngay. Khi giúp như thế ta không bị vướng vào cái bẫy “suy nghĩ quá mức” để giữ quan điểm rộng mở hơn, khôn ngoan hơn, ít xúc cảm hơn.

Ta sẽ nghĩ về lòng trắc ẩn với người đang bị bệnh hoặc mất đi người thân, những người bị ảnh hưởng công việc mất đi thu nhập, rồi nghĩ về những người đang có trách nhiệm chống dịch, ra những quyết định cam go, nghĩ đến trẻ em không được đến trường…

Sự rõ ràng của tâm trí ta sẽ không để cho lo lắng sợ hãi rối trí lật đổ, làm ô nhiễm thêm bầu không khí vốn đã nặng nề lo âu. Lo sợ rối trí sẽ không thể phân biệt nhận biết để ra được quyết định sáng suốt.

Ta hãy đừng kích thích hoặc làm tăng lo lắng cho người khác. Hãy kiểm tra xem những suy nghĩ, lời nói của mình có hữu ích, tích cực và giàu thương yêu không, vì nó có sức lan tỏa.

Trong bóng tối của màn đêm rất khó để tưởng tượng ban ngày, nhưng tất cả chúng ta đều biết bình minh sẽ tất yếu lại xuất hiện. Quan trọng là ta phải nhớ bình minh, gần như là nhìn thấy nó trong tâm trí mình, tạo suy nghĩ chất lượng tốt nhất để đi qua màn đêm.

Nếu chọn lo lắng, sợ hãi giận dữ, chỉ trích… chỉ kéo dài màn đêm. Còn chọn rõ ràng, bình tĩnh, lạc quan và lòng trắc ẩn sẽ giúp trong việc mau đưa ngày trở lại.

trish-summerfield-inner-space
Trish Summerfield trong một hoạt động của Inner Space

Nhiều người cho rằng Thiền – chẳng qua là mình cố lờ đi thế giới khách quan, cố giữ mình trong khi vấn đề vẫn còn nguyên đó. Cô giải thích thế nào?

Great question! Câu hỏi tuyệt vời. Khi bạn đi máy bay thường được hướng dẫn, nếu gặp tình huống khẩn cấp, trước tiên hãy đeo mặt nạ oxy cho mình trước rồi mới đeo cho trẻ em hoặc người khác, bởi vì nếu bạn không thở được thì không giúp người khác thở được. Cũng như vậy, hiện nay lo sợ đang là điều đe dọa, nếu ta không vượt lên những cảm xúc này thì ta chẳng giúp được ai mà còn truyền thêm lo lắng cho người thân xung quanh. Mà ta biết lo lắng thái quá sẽ không giúp ích gì. Dù sự việc có ra sao cũng trở nên tồi tệ hơn vì suy nghĩ đua theo nhiều hướng vô định, nó làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến ta không thể tự giúp đỡ mình và những người khác. Thiền cho phép ta sử dụng năng lượng của những suy nghĩ có tính tích cực cao. Nó làm dịu và ổn định tâm trí chúng ta. Trước hết phải tạo ra một trạng thái tinh thần rõ ràng, mà Thiền là công cụ tốt nhất để làm mà tôi biết.

Chúng ta không thể có được ngay giải pháp ở cùng cấp độ với vấn đề đang gặp phải. Vì vậy phải đưa ý thức mình lên cấp độ khác và bước ra ngay lập tức khỏi vấn đề để có được viễn cảnh tốt hơn.

Cô có thể “hướng dẫn thực hành” từng bước cụ thể không ạ?

Bước 1: Hướng ý thức và suy nghĩ vào bên trong và tập trung chúng.

Bước 2: Đóng gói không nghĩ những tiêu cực không cần thiết.

Bước 3: Tạo ra suy nghĩ tốt, chất lượng cao và trải nghiệm (tận hưởng) những suy nghĩ này.

Đây là cách phục hồi trạng thái tinh thần và có được thái độ sống làm lành mạnh tâm hồn.

trish-summerfield-inner-space
Kỷ niệm 20 năm Inner Space tại Việt Nam

Vậy Thiền tâm trí của cô khác thế nào với kiểu Thiền bà con hay thực hiện trong các chùa Việt Nam?

Cái khác biệt của Thiền Inner Space của chúng tôi là Thiền mở mắt. Điều này hấp dẫn là ta có thể Thiền ở bất cứ đâu, có khi là 5 phút giải lao như khi tôi còn dạy Trung học, nó giúp tôi kiên nhẫn hơn ở các tiết học tiếp sau đó. Nếu bị chờ trong ngân hàng, bị kẹt khi giao thông, bạn cứ mở mắt Thiền không phí thời gian, không bực bội. Nó dạy ta cách biết tập trung trong cuộc sống hàng ngày.

Điểm khác biệt hơn nữa, đó là chúng tôi không làm “trống rỗng tâm trí” mà chủ động tạo ra những suy nghĩ tích cực và bằng trí tuệ, đưa ra trải nghiệm ghi dấu lại trong tiềm thức.

Điều này quan trọng vì nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy phần lớn chúng ta không tạo ra suy nghĩ mà bị động, bị kích hoạt bởi những kích thích của môi trường xung quanh. Bị những “suy nghĩ tự động” chảy vào tâm trí. Ta bị động phản ứng lại các kích thích đó. Một thí dụ là trường hợp ở gia đình, vợ chồng hay bực bội những phản ứng nhiều lần mà “nói mãi rồi vẫn thế”. Đó là phản ứng tự động từ tiềm thức.

Vì vậy kiểu Thiền tâm trí của chúng tôi chủ động tạo suy nghĩ tích cực như “tập thể dục” cho tâm trí và trí tuệ, giúp con người thay đổi phản hồi của mình mà không bị ảnh hưởng bởi tác động xung quanh bên ngoài.

Để có xử sự khác biệt với sự lo lắng bệnh dịch của xung quanh, chúng ta cũng cần tạo ra cái khác biệt tích cực.

Cô đã đào tạo ra một đội ngũ mạnh cho Inner Space, được nhiều giới tin tưởng tìm đến thực hành Thiền. Và giờ đây có thêm điều gì mới mẻ?

Các bạn đã biết chúng tôi có đội ngũ tuyệt vời do Phạm Thị Sen lãnh đạo. Cô ấy đã dành công sức làm cho Thiền Inner Space thực tế hơn cho mọi người không cần phải tách rời đi hành đạo, mà có thể tự làm gia tăng chất lượng cuộc sống của họ nhờ những gì đã được học. Có những bài thực hành ngắn ngay tại nhà, nơi làm việc, nơi công cộng nếu muốn, không đòi hỏi điều kiện gì ngoài sự chủ động của bản thân.

Trang truyền thông của chúng tôi – và sắp phát triển ứng dụng app, để mọi người có thể thực hành những bài tập nâng cao nhận thức bản thân, Thiền, và các kỹ năng xã hội khác.

Rất yêu nơi này, cô định sống ở Việt Nam lâu nữa không và kế hoạch gì cho tương lai?

Hiện nay là thời điểm chuyển tiếp với rất nhiều thay đổi và tôi chưa có kế hoạch rời đi. Tuy vậy tôi luôn cảm thấy có một mối kết nối giữa tôi và Việt Nam theo những cách nào đó – dẫu cho tôi có đi khỏi nơi đây.

Cũng đã từng là học trò của Inner space, tôi xin chân thành cảm ơn cô và Trung tâm.

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục