Triển khai chương trình OCOP ở Hội An: Nâng cao giá trị sản phẩm

Tận dụng thế mạnh từ dịch vụ du lịch để thúc đẩy các sản phẩm mang giá trị địa phương đi xa hơn là câu chuyện mà Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) tại Hội An đang triển khai.

Sản phẩm tương ớt của Công ty TNHH Đại Chí Foods được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm tương ớt của Công ty TNHH Đại Chí Foods được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh.

Hỗ trợ phát triển sản phẩm

Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, TP.Hội An có kế hoạch phát triển 6 nhóm sản phẩm với 21 sản phẩm. Trong năm 2018 vừa qua, Phòng Kinh tế thành phố đã hỗ trợ thực hiện 3 sản phẩm thuộc 2 nhóm gồm: bánh đậu xanh của cơ sở sản xuất bánh đậu xanh bà Nguyễn Thị Bông ở xã Cẩm Hà, tương ớt của Công ty TNHH Đại Chí Foods (nhóm thực phẩm) và lồng đèn của Công ty TNHH DV Hoa Nam (thuộc nhóm lưu niệm – nội thất – trang trí). Phòng Kinh tế thành phố đã hỗ trợ tích cực về máy móc thiết bị, thiết kế bao bì, câu chuyện sản phẩm, công bố chất lượng, mã vạch, mã code… cho các cơ sở. Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế kiêm Phó Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố cho biết, địa phương muốn hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm nhỏ lẻ trước đây, tạo ra giá trị sản phẩm thặng dư cao, phát triển mạnh sản xuất để góp phần xây dựng nông thôn mới.

Kết quả, 2 sản phẩm lồng đèn của Công ty TNHH DV Hoa Nam và tương ớt của Công ty TNHH Đại Chí Foods đã được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Riêng sản phẩm bánh đậu xanh của cơ sở sản xuất bánh đậu xanh bà Nguyễn Thị Bông do hạn chế về tiêu chí bao bì nên chỉ đạt 2 sao. Tỉnh chỉ đánh giá công nhận sản phẩm đạt 3 sao sau khi đã công nhận ở địa phương, còn 2 sao thì tỉnh không đánh giá. Đây là kết quả đáng phấn khởi đối với việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố, góp phần giới thiệu và nâng cấp những sản phẩm mang tính đặc trưng của Hội An, gắn với nghề truyền thống và ẩm thực của vùng đất di sản văn hóa giàu bản sắc.

Cùng với việc hỗ trợ 3 cơ sở sản xuất tham gia phương án thí điểm sản xuất sản phẩm OCOP, năm 2018 TP.Hội An đã hỗ trợ 3 điểm bán sản phẩm của 3 cơ sở ở đường Cửa Đại, đường Nguyễn Trường Tộ và đường Cao Hồng Lãnh về giá kệ, trang trí gian hàng, máy móc trang thiết bị phục vụ kinh doanh, lắp đặt bảng hiệu, máy tính tiền tự động… Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tổ chức các phiên chợ quê, chợ tết để lồng ghép tiêu thụ sản phẩm, đồng thời kêu gọi các sản phẩm đạt 3 sao của tỉnh tham gia các phiên chợ, tạo sự phong phú các mặt hàng phục vụ nhân dân.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp với du lịch

Trong nhóm thực phẩm, tương ớt Hội An là sản phẩm đã “định vị” được chất lượng của mình với giới ẩm thực. Sau khi được công nhận, sản phẩm chắc chắn không chỉ dừng lại ở phạm vi khách hàng tự giới thiệu với nhau mà còn được quảng bá, giới thiệu để có điều kiện mở rộng thị trường.

Ở nhóm sản phẩm lưu niệm – nội thất – trang trí, lồng đèn của Công ty Hoa Nam nói riêng, của Hội An nói chung một lần nữa có cơ hội tạo dựng vững vàng thương hiệu với bạn bè muôn phương. Dựa trên cách thức sản xuất lồng đèn truyền thống nhưng nhờ có nhiều mẫu mã cách tân đẹp mắt, phù hợp nên hiện tại mỗi năm Công ty Hoa Nam xuất xưởng khoảng 7.000 chiếc lồng đèn các loại, chủ yếu làm từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Bà Lê Thị Diệp (quản lý cơ sở lồng đèn của Công ty Hoa Nam) nói: “Thường thì theo những yêu cầu đơn đặt hàng của khách để tiến hành làm hàng. Ví dụ như đèn tre theo một kích thước, mẫu mã có sẵn, có hình dáng không thể nào thay đổi được nữa. Còn đèn sắt mình có thể thu nhỏ hoặc làm lớn, bất cứ một kiểu cách nào theo yêu cầu của khách hàng.

Những villa, biệt thự thì họ theo xu hướng hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống thì người ta sẽ dùng đèn sắt nghệ thuật và những loại đèn gỗ nên chuộng sự bền bỉ, mẫu mã đẹp hơn. Theo sở thích, họ còn yêu cầu mình thiết kế thêm những mẫu đèn hợp với không gian của họ”. Sản phẩm bánh đậu xanh của bà Bông với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, hiện tại được phân phối mạnh nhất ở thị trường TP.Đà Nẵng và TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng như hệ thống cửa hàng “vệ tinh” tại TP.Hội An. Khắc phục được nhược điểm về bao bì sản phẩm, trong thời gian tới đặc sản bánh đậu xanh sẽ được nâng hạng.

Thế mạnh từ một thành phố di sản văn hóa, từ làng nghề, nghề truyền thống đến ẩm thực đã và đang giúp Hội An triển khai chương trình OCOP theo hướng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân… Từ đầu năm 2019 đến nay tại Hội An có 10 cơ sở, công ty, doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình OCOP với 10 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm mới và 7 sản phẩm tự có. Lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố cho biết, sẽ hỗ trợ để có được 6 sản phẩm đạt hạng 3 sao (cấp tỉnh) trở lên; đồng thời tiếp tục nâng cấp các điểm bán hàng OCOP với quy mô lớn hơn, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh và cùng với tỉnh có kế hoạch vận động đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu, phù hợp của Trung ương, của tỉnh vào các khách sạn lớn ở Hội An. Thành phố cũng tiến hành lập điểm bán hàng cấp thành phố ở số 2 đường Ngô Gia Tự…

Đỗ Huấn
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục