Triêm Tây, từ hôm cựa mình…

Đã từng ngấp nghé bên bờ vực bị xóa sổ khỏi bản đồ hành chính, thế mà “đùng một phát”, làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) có tên trang trọng trong bản đồ du lịch.

Tham quan vườn rau cộng đồng ở Triêm Tây. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG.

1. Vừa xếp lại khung cửi, bà Nguyễn Thị Biên quay sang mở đầu câu chuyện: “Đi Tiêm Tây bây giờ khỏe ru”. Rồi chạy tọt về phía sau nhà, chắc là bận bịu chi đó. Trước năm 2016, từ Hội An muốn sang Triêm Tây, không có cách nào khác là đi đò. Đi đò khi ấy cũng có… hai lựa chọn, đó là từ bến đò chỗ chợ Hội An sang Cẩm Kim, rồi thêm vài phút chạy xe nữa, là đến Triêm Tây; còn không, thì từ làng gốm Thanh Hà qua, đò cập đúng Triêm Tây.

Bây giờ thì khỏe, ít ra thì chẳng phải lụy đò, cứ theo cây cầu Cẩm Kim mà đi đi về về với Triêm Tây, bất cứ khi nào thích. “Nên du khách bây giờ qua đây nhiều hơn” – bà Biên từ phía sau nhà chạy lên, thêm vào, rồi tất tả ngược về sau nhà lần nữa. Tôi bỗng nhiên… ngẩn người, chẳng hiểu tự khi nào, hễ mỗi lần về Triêm Tây, là cũng tạt qua nhà bà Biên ít nhiều. Có khi chào rồi nói với nhau vài câu. Hoặc những khi bà bận quá, tức là đang hướng dẫn du khách dệt chiếu, là tôi hiểu mình không nên làm phiền.

Cho đến bây giờ, trong tâm trí của ông Nguyễn Yên, Triêm Tây của khoảng một thập kỷ trước, vẫn còn hằn lên nỗi lo lắng thường trực của cư dân ở đây. Và, trong những cơn cuồng nộ của dòng Thu Bồn đỏ ngầu, người Triêm Tây nhận được khuyến cáo của chính quyền địa phương, là rời khỏi nơi này. “Chẳng ai nỡ bỏ đất tổ tiên mà đi. Nhưng không thể không đi. Đến năm 2009, hơn một nửa Triêm Tây đã sạt lở và đất trôi theo sông. Người ta cũng tính đến chuyện xóa luôn cái tên Triêm Tây khỏi bản đồ hành chính, chứ đâu phải đùa” – ông Yên nhớ lại.

Tôi chen vào: “Thế mà giờ ở mình “ngon” quá, chú hè”. Ông Yên cười: “Ngon chớ răng không ngon mi”. Rồi ông vỗ đùi cái “bốp”, “à” tiếng rõ to: “Suy cho cùng, phần lớn là nhờ kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc cả. Ổng từ Pháp về, áp dụng phương pháp kè sinh thái, nhờ vậy mới giữ được Triêm Tây, và nhờ vậy mà người Triêm Tây mới ngược sông, trở lại với mảnh đất mà ông bà, tổ tiên gầy dựng”.

Du khách tham quan làng quê Triêm Tây. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG.

2. Người Triêm Tây trở lại làng cũ, không chỉ đơn thuần là sự trở về, mà đó như cái cựa mình để rồi có một Triêm Tây được biết đến là nơi du lịch sinh thái đang dần hiện hữu ngày hôm nay. Đó là cái cựa mình của nội tại, cởi mở, đón lấy luồng sinh khí từ những trái tim nhiệt huyết khắp nơi trên trái đất.

Hôm bữa về Triêm Tây, tôi gặp lại Vũ Thị Hạnh – thủ lĩnh nhóm Green Youth Collective (gọi tắt là GYC), khi cô đang cùng các cộng sự trẻ của mình say mê bàn một vài kế hoạch sắp tới cho Triêm Tây. Họ đến đây, ở lại, sống cùng người dân Triêm Tây. Chỉ hướng đến những mục tiêu thật bền vững – ít nhất là với người dân Triêm Tây, là dạy dân ở đây làm vườn “sạch”, tiếng Anh, và nhất là những kỹ năng để đối xử với môi trường sống một cách thân thiện nhất.

Ngoái nhìn về phía khu vườn cộng đồng, Pianggruthai Kiatchonnavi, từng là giáo viên người Thái Lan dạy tiếng Anh, vẫn đang cần mẫn chăm sóc cây cối. Từ khu vườn ấy, sẽ là bước đệm cho người dân Triêm Tây sống được với phương thức làm vườn hữu cơ, đồng nghĩa với việc vứt bỏ những lọ thuốc trừ sâu hay bao phân bón hóa học.

Theo chân ông Yên, mới giật mình nhận ra Triêm Tây bây giờ khác xưa nhiều quá. Từ 1.500m2, vườn rau sạch của Hợp tác xã Triêm Tây đã được mở rộng lên 5.000m2 chỉ sau gần hai năm. “Điều đó để thấy rằng, những bước đi đầu tiên của Triêm Tây về du lịch sinh thái bền vững, đang dần có thành quả” – ông Yên lí giải.

Ngay cả người đàn ông già này, vẫn không nghĩ rằng, đùng một phát, mình là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Triêm Tây. “Vì nghĩ mình già, và cũng toan nghĩ đến việc nghỉ ngơi” – ông tiếp tục. Nhưng Triêm Tây từ hôm cựa mình, những người như ông Yên, không thể thờ ơ với làng quê của mình mà nghỉ ngơi tuổi già. “Vì nếu mình nghỉ, thì ai làm? Nếu vậy, thì ở trên sẽ có lỗi với tiền nhân, ở dưới thì hổ thẹn với bọn trẻ”

Té ra, trong những năm tháng sông Thu ngoạm đất Triêm Tây, người trẻ không còn chỗ nào bấu víu cho tương lai nên đã rời làng ra đi tìm cuộc sống mới. Đến khi làng trở lại yên ả, người trẻ vẫn chưa mặn mà nghĩ đến việc trở về. “Thế là bọn già tôi phải “chơi” thôi. Chỉ mong rằng, sức cống hiến của mình sẽ làm nên diện mạo du lịch cho Triêm Tây. Để từ đó, bọn trẻ thấy được cơ hội tại quê nhà mà trở về, rồi chắp cánh cho làng quê này thêm bay cao. Nói gì thì nói, tuổi già rồi, không thể nào bứt phá được. Chỉ có tư duy của lớp trẻ, mới may ra…” – ông Yên lấp lửng câu nói.

Thoáng trong mắt ông, hình như là những điều xa xăm. Ông im lặng, trầm ngâm. Một lát sau tôi hỏi: “Thế tình hình sao rồi chú?. Cơ chừng hiểu điều vừa được hỏi, ông không vội đáp: “Vẫn chưa khả quan lắm”. Rồi tiếp tục: “Trẻ ở đây thì chưa thấy về lại. Mới chỉ có một vài thanh niên ở nơi khác đến thôi. Nhìn họ tâm huyết mà an ủi phần nào”.

Ông dứt lời. Tôi ngó ra ngoài sân. Rướn cổ theo mấy hàng rào xanh, liếc quanh mấy sân nhà, yên ắng quá! “Làng mình sao thấy ít trẻ con quá” – tôi buột miệng. Ông Yên thở dài: “Cái trường học phía sau nhà chú, đóng cửa từ lâu rồi, giờ thành trụ sở của hợp tác xã”. Đâu chừng từ những năm 2009, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người dân ít sinh đẻ; lại thêm người trẻ độ trưởng thành rời làng đi nơi khác mưu sinh, khiến cho làng càng thêm vắng bóng trẻ em hơn. Và trong cái nhìn xa xăm của ông giám đốc già, hẳn ai cũng thấy điều ông lo lắng.

Tung chài, một sản phẩm du lịch cũng được du khách thích thú khi đến với Triêm Tây. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG.

3. Cái điều lo lắng của ông Yên, không hẳn ngẫu nhiên. Chỉ cần ngược về vài cây số, là đô thị cổ Hội An, sẽ thấy những điều hiện hữu. Đành rằng tiến trình của sự phát triển là phải cởi mở và đón nhận, nhưng Hội An giờ đang đứng trước một thực tế đầy lo ngại, là người nơi khác về đầu tư nhiều quá. Tiếc rằng không ít họ chỉ chú trọng đến lợi nhuận, mà dường như chẳng màng gì đến giữ gìn.

Ai cũng biết, trong môi trường du lịch, nhất là đô thị cổ, sự tổn thương rất dễ xảy ra nếu như chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Về câu chuyện của Triêm Tây, ít ai nghĩ rằng nơi này lại trở nên nhộn nhịp như hôm nay. “Trước đây thì ít, chứ vài ba năm trở lại đây, thì du khách, nhất là khách nước ngoài, đến tham quan Triêm Tây rất nhiều” – ông Lê Ngọc Việt – Phó chủ tịch UBND xã Điện Phương cho hay.

Và trong mạch ngầm nhộn nhịp của Triêm Tây hôm nay, lo lắng của ông Yên nhìn từ phía Hội An, dù có hơi xa một chút, nhưng chẳng thừa thãi chút nào. Triêm Tây đang xây dựng du lịch sinh thái bền vững, nghĩa là phải dựa vào màu xanh của làng, để làm điểm tựa phát triển. Chứ không phải mai này, trong màu xanh của làng, lại lộ lên những khối bê tông vô cảm của những khách sạn, resort… Triêm Tây từ hôm cựa mình, đã thấy những nụ cười. Tiếc rằng, quá ít nụ cười của người trẻ – người trẻ sinh ra và lớn lên ở Triêm Tây, để người già được tiếp tục… toan tính nghỉ ngơi tuổi già!

An Vĩnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục