Trằn trọc theo con nước

Nắng quay quắt từ sáng sớm đến sập tối. Nắng từ đầu tuần đến cuối tuần. Từ mùa cạn đến… cả trong mùa mưa. Dần dà thành điệp khúc quen thuộc những năm trở lại đây. Một điệp khúc buồn. Nước vơi, sông kiệt và con người cũng vật vã theo. 

tran-trc-theo-con-nuoc
Tình trạng kiệt nước vào mùa khô ở sông Vu Gia dần trở nên quen thuộc. Ảnh: Q.T

Khi sông nhớ lũ

Mười giờ sáng, cái nắng hầm hập giữa hè dường như làm người ta lười trò chuyện và chẳng màng để ý tới chuyển động xung quanh. Một, hai rồi ba người lặng lẽ dắt xe đạp nối tiếp nhau rảo bước qua chiếc cầu tre chòng chành thi thoảng lại kéo tay áo quẹt vội mớ mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt. Bất chợt cụ bà đi sau cùng dừng xe lại rì rầm mấy câu: “Nắng vàng mắt mà lang thang chi đây?!. Giờ chừ ghe mô mà qua bên kia nữa con”.

Khi nghe tôi thắc mắc về lai lịch chiếc cầu tre có phần tréo ngoe này, bà Năm – tên cụ bà, nói thao thao: “Hồi trước xuống ghe là vô bờ luôn chớ làm chi cực ri. Mấy năm ni xói lở quá mà nước thì kiệt thành ra xuất hiện thêm cái lạch nhỏ. Dân quanh đây muốn ra vô đành phải góp sức làm cái cầu chứ lội qua lội lại bất tiện quá”. Nói đoạn, bà Năm lại lầm lũi đi, bóng người, bóng xe đổ nghiêng theo con nắng…

Men theo triền sông Vu Gia, những làng chài quanh năm trù phú ăm ắp cá tôm ở xã Đại Hồng (Đại Lộc) giờ đây chỉ còn lác đác bóng ghe đò “cầm hơi” với đời sông. Tôi nghe nghèn nghẹn khi một lão nông cất lời chua chát: “Sông giờ chủ yếu là bùn và cát còn phù sa bị lắng lại ở thượng nguồn hết, trồng cây chi cũng khó trăm bề. Hồi trước hai bên bờ sông hoa màu sinh sôi trù phú lắm chứ không phải lồi lõm những bụi tre để chống sạt lở như bây chừ”. Thấp thoáng gần xa, chỉ có bóng tre. Chỗ rậm rạp, chỗ còi cọc, tre vươn lên trong niềm thấp thỏm của bao người dân quê chỉ có mảnh ruộng để mưu sinh.

Xuôi về hạ du, Trạm thủy văn Ái Nghĩa nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ ở thị trấn. Bà Đặng Lan Anh – Trưởng trạm nói từ năm 2018 đến nay sông Vu Gia chỉ có vài cơn lũ nhỏ với lưu lượng không đáng kể, còn lũ tiểu mãn (khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm) không thấy nhiều năm rồi. Bà Đặng Lan Anh chậm rãi kể: “Nước có đủ hay không là nhờ thủy điện chứ mưa rất ít. Lưu lượng dòng chảy của sông kiệt đi rõ trong 5 năm gần đây. Có điều năm nay lưu lượng cũng đỡ, thường xuyên ở ngưỡng trên 2,5m và xuống thấp nhất cũng còn hơn 1,7m chứ như các năm trước là rất căng”.

Căng cũng phải bởi thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết lưu lượng dòng chảy trung bình năm 2019 trên sông Vu Gia tại Thạnh Mỹ (Nam Giang) thiếu hụt tới 76% so với trung bình nhiều năm. Còn mực nước tại trạm Ái Nghĩa đã xuống chỉ còn 1,53m vào thời điểm tháng 9/2018 – tiệm cận kỷ lục về mức nước thấp nhất trong mấy chục năm nay.

tran-trc-theo-con-nuoc
Ở một số khu vực, người dân buộc phải dùng nước giếng để sinh hoạt vì thiếu nước sạch. Ảnh: Q.T

“Hồi trước bất kể ngày nắng hay mưa, anh em trong trạm cũng lọ mọ quan trắc đều đặn 3 tiếng 1 lần. Nhưng giờ thì điều đó không cần thiết nữa bởi chúng tôi đã nắm được quy luật của con nước, trừ một vài thời điểm xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan. Công việc từ đó có phần nhàn hơn nhưng ai cũng xót xa vì biến đổi khí hậu hiển hiện rõ rệt” – bà Đặng Lan Anh bộc bạch. Mưa ít, lũ vẫn vắng bóng. Dưới bóng nắng hầm hập chỉ còn đọng lại tiếng thở dài của nông dân…

Thị dân phập phồng

Dòng Vu Gia kiệt nước, không chỉ dân quê dọc theo triền sông lao đao mà phần lớn thị dân dọc lưu vực sông, kể cả xa tận Đà Nẵng cũng đứng ngồi không yên. Để ứng phó với tình trạng nước sinh hoạt “rỉ giọt” lâu nay, ông Phạm Trung Dũng – một người dân ở quận Sơn Trà cực chẳng đã phải lắp thêm bồn trữ nước ở trên lầu, dưới đất để cho gia đình đủ dùng.

“Có những hôm nước yếu muốn tắm phải vặn trước cả buổi rồi hứng thau chứ vòi sen nước không chảy.  Tần suất nước yếu và thiếu diễn ra ngày càng dày hơn. Có đợt cao điểm muốn giặt đồ, rửa chén thì phải chờ tới nửa đêm không thì mờ sáng chứ ban ngày bói không ra nước” – ông Dũng than vãn.

Riết hồi, dân Đà thành cứ nghe thông báo nhiễm mặn là hoảng. Không hoảng sao được khi cách đây chừng hai chục năm số ngày nhiễm mặn (>1.000mg/l) trong năm ở nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay còn năm 2019 đã tăng vọt lên 90 ngày. Chẵn 3 tháng trong năm loanh quanh đi về chỉ phập phồng xem hôm nay nhà mình có đủ nước dùng không là một câu chuyện khiến nhiều người mệt mỏi.

TS.Lê Hùng – Khoa Xây dựng thủy lợi – thủy điện (Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng) nói: “Hệ thống nhà hàng – khách sạn phục vụ du lịch tại Đà Nẵng phát triển quá nhanh chóng thời gian qua cũng khiến nhu cầu cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố gia tăng rõ rệt. Ảnh hưởng dịch Covid-19 vô hình trung làm giảm một phần áp lực cấp nước. Tuy nhiên tình thế hòa hoãn tạm thời đó sẽ kết thúc trong nay mai, khi mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường thì tình trạng thiếu nước sẽ trở lại”.

Ông Hùng phân tích: “Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn quy định, khi độ mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ vượt quá 1.000mg/l trong hơn 24 tiếng liên tục thì phía Đà Nẵng được nắm quyền điều hành xả/tích nước. Nhưng điều đó rất hiếm khi xảy ra. Quyền điều hành thực tế vẫn thuộc về Quảng Nam. Cần nghiên cứu thời điểm mùa kiệt khi nước Cầu Đỏ nhiễm mặn quá mức cho phép hơn 12 tiếng liên tục thì nên giao quyền điều hành cho Đà Nẵng. Ngoài ra, tại Đà Nẵng hiện có đến 4 đơn vị liên quan đến quản lý nguồn nước có quyền hạn như nhau. Việc này giống như nấu cháo có 4 anh đầu bếp chính. Quy trình vận hành đã có rồi thì nên lập tổ, chủ trì là một anh nào đấy và các đơn vị khác góp thành viên vào thôi thì mới trơn tru được”.

Tài nguyên hữu hạn

Từ cái thời múc nước ở sông suối vào dùng rồi đến khoan giếng, đặt máy bơm dẫn ngầm lên bồn chứa nước, dân mình chỉ lo thiếu cái ăn, thiếu cái mặc chứ hơi đâu đi lo việc thiếu nước. Ấy vậy mà giờ từ trên nguồn Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức… xuống cuối sông, đầu biển như Hội An, Cù Lao Chàm… chưa tới mùa khô đều đã loay hoay xoay sở vì thiếu nước, nhiễm mặn.

Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PT-NT Đà Nẵng trầm ngâm: “Nước sinh hoạt là đối tượng ưu tiên nhất trong bất kỳ trường hợp nào khi phân phối tài nguyên nước. Đến năm 2030, khi quá trình đô thị hóa tại Điện Bàn và Đại Lộc rõ rệt hơn thì Đà Nẵng có thể phải nghiên cứu giải pháp lấy nước từ sông Thu Bồn chứ chất và lượng từ nguồn nước như hiện nay không còn đảm bảo nữa”.

Tâm tư của ông Huỳnh Vạn Thắng về nguồn nước đang bấp bênh của hơn 1 triệu dân Đà Nẵng là dễ hiểu. Tuy nhiên, ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rầm rộ từ Hội An, Điện Bàn bên ni bờ đến tương lai gần là Kiểm Lâm, Duy Hải, Duy Nghĩa ở phía bờ đối diện. Những nhà máy thủy điện, những con phố khi thành hình đều nương mình bên bờ kéo theo đó nguy cơ làm oằn mình những dòng sông mẹ.

Tại một số hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia từ Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đều đưa ra nhận định duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực “nghèo nàn” tài nguyên nước bậc nhất nước ta và cần sớm có các động thái quản lý khai thác, sử dụng hợp lý để đảm bảo nhu cầu cộng đồng, yêu cầu phát triển trong tương lai.

Ai cũng biết sông Thu Bồn là lưu vực sông lớn nhất Quảng Nam – Đà Nẵng vốn dồi dào nhưng rồi dòng chảy của nó cũng không phải là vô hạn. Trong mùa cạn năm 2019, mực nước trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy đã xuống mức 0,30 tức là “xô đổ” kỷ lục cũ 0,04m và trở thành mực nước thấp nhất lịch sử chuỗi quan trắc từ năm 1976 đến nay. Rõ là một kỷ lục buồn không ai muốn nó bị phá thêm lần nào nữa. Bỗng đâu đó trong đầu tôi lại lạo xạo câu nói da diết của cụ Năm bỏ lại bên cầu tre: “Hạn chi hạn miết khô rang/ Nắng chi nắng miết nắng chang chang trời”…

Quốc Tuấn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/tran-troc-theo-con-nuoc-89905.html

Cùng chuyên mục