Trà Nhiêu – cảng thị sầm uất thời chúa Nguyễn

Làng Trà Nhiêu là một làng cổ của huyện Duy Xuyên, nay là thôn Trà Đông, xã Duy Vinh. Chữ Trà Nhiêu có lẽ là âm tiếng Chăm (giống như Trà Kiệu) nhưng không rõ nghĩa thật là gì.

Bên cạnh các sản phẩm du lịch của mô hình du lịch sinh thái, làng nghề nên chăng Trà Nhiêu còn một sản phẩm du lịch độc đáo, đó là nghiên cứu lịch sử văn hóa “tiền cảng thị Hội An”... Ảnh minh họa
Bên cạnh các sản phẩm du lịch của mô hình du lịch sinh thái, làng nghề nên chăng Trà Nhiêu còn một sản phẩm du lịch độc đáo, đó là nghiên cứu lịch sử văn hóa “tiền cảng thị Hội An”… Ảnh minh họa

Trở lại các tài liệu cổ nay có thể tra cứu thì Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1553) khi đề cập 66 làng của huyện Điện Bàn thời còn là một huyện của phủ Triệu Phong chưa thấy nói đến tên làng Trà Nhiêu mặc dù làng Bàn Thạch ở gần đó lại có (lúc đó gọi là làng Bàn Cố).

Sang đến thời Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) ta tìm thấy hai địa danh Trà Nhiêu, đó là Trà Nhiêu châu Đông giáp thôn và Trà Nhiêu châu Nam giáp thôn thuộc Hoa châu (các hộ làm nghề dệt). Đến thời nhà Nguyễn trong Địa bạ Gia Long soạn năm 1812 có ghi 2 địa danh Trà Nhiêu là hai châu Trà Nhiêu Đông và châu Trà Nhiêu Nam (cũng thuộc Hoa châu).

Trong bản đồ tỉnh Quảng Nam vào đầu thế kỷ XX ta cũng tìm thấy hai địa danh Trà Nhiêu một cách cụ thể là như thời Phủ biên tạp lục Trà Nhiêu châu Đông giáp và Trà Nhiêu châu Nam giáp.

Theo Nguyễn Bội Liên trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quảng Nam Đà Nẵng số 1 thì Trà Nhiêu là một địa danh tọa lạc tại hai vị trí khác nhau:

Địa danh thứ nhất là “một xã nhỏ, đất đai hẹp, trước Cách mạng Tháng Tám gọi là xã Trà Đông, liền với xã Trà Nam, giáp với xã Kim Bồng và Bàn Thạch, thuộc tổng Mỹ Khê, phủ Duy Xuyên. Nơi đây trong Phủ biên tạp lục chép là: Trà Nhiêu châu đông giáp thuộc Hoa châu. Cuối đời Khải Định, đầu đời Bảo Đại đổi là Trà Đông. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhập vào xã Duy Vinh. Đến năm 1955 là xã Thọ Trà và năm 1959-1960 đổi làm xã Xuyên Long. Hiện nay nhập làm thôn 3 xã Duy Vinh”.

Vị trí thứ hai là “một nơi đối diện với xã Xuyên Long, kề trên là xóm Hồng Triều, nay thuộc thôn 2 xã Duy Nghĩa. Tên Hồng Triều có từ ngày Cách mạng mùa thu năm 1945. Đó là một ấp thị nằm trên năm ngọn nhánh sông Thu Bồn (từ Câu Lâu tách ra) của hai xã cũ Hội Sơn và Nghĩa Lệ (theo Địa bạ Gia Long). Ở đây phong cảnh đẹp, nằm trên bờ đất có 5 ngọn sông giao hội: phía tây có 3 nhánh: sông Thu Bồn từ Câu Lâu đi về, sông Trại từ Hương An (Quế Sơn) qua Bà Rén đổ về và sông Trường Giang xuyên vào Tam Kỳ, An Hòa. Phía đông có sông thông lên Hội An và xuôi dòng sông Cái ra cửa Đại Chiêm.”.

Về địa danh Trà Nhiêu thứ nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên cho biết: “Địa phận ở trên một đuôi bãi hình tam giác bắc giáp sông Thu Bồn chính (từ Câu Lâu đến Hội An), nam giáp nhánh sông Thu Bồn phụ (từ Câu Lâu đến An Phước, Hà Nhuận, Bàn Thạch, Duy Nghĩa rồi nhập vào sông chính). Mặt bắc xã này có một nơi gọi là Cồn Sạn, ở đây có miếu thờ Quan Công, do người Tàu xây cất từ lâu (đã bị phá vào năm 1948), và có dân xã Minh Hương. Nay vẫn còn con cháu các họ Trang, Xa… sinh tụ”.

Còn địa danh Trà Nhiêu thứ 2 thì: “… Từ ngày xa xưa, đây là một vạn buôn rất thịnh vượng. Trên bờ sông phố xá trù mật, có cầu tàu có hãng buôn của Hoa kiều mà nền nhà móng nhà vẫn còn vết tích đến nay, tương truyền đây là nền móng của tiệm khách trú hiệu Quảng An ngày xưa. Còn dưới sông thì có ghe Tạm Phan và ghe Bản Địa từ Gia Định miền Nam. Ngoài Bắc thì có mốt, mành từ Thanh Nghệ, Tĩnh Bình vào ra theo mùa gió buôn cau khô, đường bát, chè, quế. Là nơi đông đúc ghe thuyền tới lui tấp nập nên sinh hoạt ở đây rất phồn tạp, đĩ điếm bợm bãi tụ tập sinh nhai… Vạn này còn nhiều ghe thuyền tới lui buôn bán hàng năm cho mãi tới lúc kháng chiến chống Pháp (1947) mới tan rã…”.

Và ông kết luận: “Tóm lại Trà Nhiêu là một vạn lớn lâu đời. Do địa thế thuận lợi hai mặt, tàu bè từ biển vào thẳng để cập bến, thủy đạo giao thông rộng rãi đến vùng đồng bằng và trung du chung quanh, mậu dịch từ đó mà phát triển…”.

Trà Nhiêu mà Nguyễn Bội Liên đề cập ở trên, từ năm 1695, được nhà sư Thích Đại Sán (Thạch Liêm) tả lại: “… bên kia sông là Trà Nhiêu, chỗ ghe tàu các nơi đến đậu, người ở đông đúc, tôm cá rau cải buổi sáng đem đến bán nhộn nhịp…” khi ông đi thuyền từ Phú Xuân vào Cù Lao Chàm (có ghé Hội An) để chuẩn bị về nước.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (soạn năm Duy Tân năm thứ 3) viết: “Trà Nhiêu là nơi ghe tàu Nam Bắc tới lui cũng là nơi đô hội lớn”.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiến sĩ Mã Sơn Trần Đình Phong trong Quảng Nam tỉnh phú có viết: “Thương thì buôn bán bắc nam, phố Minh Hương Hội An, thuyền Trà Nhiêu, Bàn Thạch”.

Như vậy Trà Nhiêu từng là một cảng thị phồn thịnh, trên bến dưới thuyền vang bóng một thời. Sự phồn thịnh và suy vong của Trà Nhiêu có liên quan mật thiết với sự di cư của người Hoa trong khoảng thời gian từ 1645-1653. Theo Trần Kinh Hòa (Chen Chin Ho) dẫn lại một nghiên cứu của Nguyễn Thiệu Lâu thì: “Ban đầu có 10 người Minh sinh quán ở Triết Giang và Phúc Kiến, phân thuộc sáu họ Ngụy, Ngô, Hứa, Ngũ, Thiệu và Trang chạy loạn qua Quảng Nam. Người Minh Hương tôn họ là thập lão hoặc tiền hiền, coi như nhân vật sáng lập của xã (Minh Hương)”. Và Chen Ching Ho cũng cho biết: “…Địa điểm mà thập lão mới tới không phải là Hội An, kỳ thực là Thăng Bình, là một phố nhỏ cách Hội An phía Nam chừng 15 cây số. Họ ở đấy buôn thuốc bắc, còn mấy người trong bọn họ thì làm thầy phong thủy. Qua một thời gian, thập lão từ Thăng Bình dọn sang Trà Nhiêu, xây một Quan Công miếu ở đấy. Sau vì bến Trà Nhiêu bị phù sa bồi lấp mất, nên thập lão lại dọn sang Thanh Hà và xây một nhà thờ chung gọi là tổ đình. Chính vì tổ đình có vị trí tại biên giới hai xã Thanh Hà và Cẩm Phô nên gọi là Cẩm Hà cung. Về sau vì đường thủy Thanh Hà bị bồi lấp nên thập lão lại đưa nhau dọn sang các xã Cẩm Phô, Hội An và Cổ Trai…”.

Như vậy Trà Nhiêu là cảng thị trước cả Hội An và sau này khi Hội An đã phát triển trở thành cảng thị lớn nhất ở xứ Đàng Trong thì tại Trà Nhiêu hoạt động buôn bán vẫn còn tấp nập nhưng không còn giữ vai trò quan trọng như trước. Giữa Trà Nhiêu và Hội An luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Nó ra đời trước nhưng về sau chỉ đóng vai trò phụ hỗ trợ cho Hội An mà thôi.

Ngày nay cũng vậy, khi Hội An phát triển trở lại, không phải bằng thương mại với vai trò là cảng thị mà bằng du lịch, thì Trà Nhiêu cũng dần được khôi phục. Từ một làng quê đìu hiu, quạnh quẽ, từ năm 2008, làng Trà Nhiêu được chọn triển khai xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng với 7 nhóm sản phẩm chính từ các nghề truyền thống như dệt chiếu, chằm lá dừa nước, vá lưới, đánh bắt thủy sản trên sông đến khu nhà vườn, rừng dừa nước, ẩm thực, dịch vụ xe đạp cho du khách thuê…

Bên cạnh các sản phẩm du lịch của mô hình du lịch sinh thái, làng nghề nên chăng Trà Nhiêu còn một sản phẩm du lịch độc đáo, đó là nghiên cứu lịch sử văn hóa “tiền cảng thị Hội An”. Lẽ nào ngành du lịch Quảng Nam lại quên vai trò “cảng thị sầm uất” một thời của địa danh này!

Lê Thí
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục