Tìm hướng phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm
Hôm qua 19/5, tại Điện Bàn, Sở Khoa học & công nghệ phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội thảo chuyên đề “Thực trạng về thế mạnh, hạn chế và xác định vùng thích hợp cho phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tập trung trên địa bàn Quảng Nam”. Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm góp phần phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm bền vững trên địa bàn tỉnh.
Vì sao người dân bỏ nghề?
ThS.Lê Xuân Ánh – Phó Trưởng bộ môn sử dụng đất của Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) và Ủy ban Kinh tế – xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP), hằng năm các nước sản xuất tơ tằm trên thế giới cung ứng ra thị trường khoảng 80.000 tấn tơ các loại. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tơ không dưới 100.000 tấn. Điều này chứng tỏ sản xuất tơ tằm chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Hiện nay, nước ta có 32 tỉnh, thành có nghề trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích khoảng 10.500ha, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm đến 73%. Theo khảo sát, năng suất dâu bình quân đạt khoảng 35 – 40 tấn lá/ha. Tổng sản lượng kén của cả nước vào năm 2018 đạt gần 8.300 tấn và năm 2019 xấp xỉ 9.200 tấn.
“Thực tế cho thấy, ngành tơ tằm Việt Nam có lợi thế phát triển khá lớn và đã được liệt kê vào nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao. Hàng năm, lượng tơ tằm xuất khẩu của Việt Nam thu về hơn 60 triệu USD” – ông Ánh nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Quảng Nam là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải với những mặt hàng phổ biến như lanh, sa nhiễu, đũi, the… Trong đó, nhờ chất lượng rất tốt, tơ lụa của làng nghề truyền thống Đông Yên và Mã Châu (Duy Xuyên) đã từng được xuất đi nhiều nước.
Trong thời kỳ nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh (nhất là vào năm 1982), diện tích đất trồng dâu của tỉnh đạt 5.469ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc… Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam tụt giảm mạnh cả về diện tích đất trồng dâu lẫn sản lượng kén tơ vì hầu hết người dân đã phá bỏ cây dâu để trồng các loại hoa màu khác.
Theo thống kê, tại thời điểm này tổng diện tích đất trồng dâu nuôi tằm của tỉnh chỉ khoảng 18ha. Trong đó, thị xã Điện Bàn có 4ha trồng ở xã Điện Quang; huyện Duy Xuyên có 12ha trồng ở xã Duy Trinh (5ha) và xã Duy Châu (7ha); còn huyện Nông Sơn hiện nay mới trồng 2ha ở xã Quế Trung. Phần lớn diện tích dâu ở 4 xã trên chỉ mới trồng 2 – 3 năm theo chủ trương hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của chính quyền các địa phương.
Thời gian qua Viện Thổ nhưỡng nông hóa phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh tiến hành lấy ý kiến của hơn 200 hộ dân đã từng tham gia trồng dâu nuôi tằm ở 4 địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn để tìm hiểu kỹ về nguyên nhân khiến họ bỏ nghề. Theo đó, nhiều hộ dân cho rằng, họ chặt phá ruộng dâu và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng khác không phải là do chi phí trồng dâu nuôi tằm lớn và cũng không phải lý do thiếu kỹ thuật về nghề trồng dâu nuôi tằm. Về nguồn giống tằm trong thời kỳ đó cũng khá phổ biến, mặc dù là những giống tằm cũ, chất lượng tơ kén không thực sự cao.
“Qua tổng hợp ý kiến của người dân cho thấy, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến nghề trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương của Quảng Nam bị mai một dần và đứng trước nguy cơ “xóa sổ” là không có thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, phần lớn ý kiến cũng cho rằng, vì thị trường xuất khẩu bị thu hẹp mạnh nên tư thương ép giá sản phẩm. Giá bán tơ lụa thấp, nghề trồng dâu nuôi tằm không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân đồng loạt bỏ nghề” – ThS.Lê Xuân Ánh cho biết thêm.
Khơi dậy tiềm năng, tính toán đầu ra
Theo nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, diện tích đất có thể phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn khoảng hơn 10.000ha, hiện nay người dân chủ yếu sản xuất các loại cây ngắn ngày. Chất lượng đất dọc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn rất tốt nhờ phù sa bồi đắp hàng năm và phù hợp với cây dâu, qua đó giúp giảm chi phí phân bón trong quá trình canh tác.
Hiện chính quyền các địa phương bước đầu khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm với việc hỗ trợ trồng mới 18ha dâu và có hơn 90% hộ dân được khảo sát mong muốn khôi phục nghề truyền thống này. Tuy nhiên, do lượng tằm nuôi còn quá ít (các hộ chủ yếu nuôi tằm thực phẩm) với giá bán khoảng 70 nghìn đồng/kg tằm chín. Với giá này, hiệu quả của việc nuôi tằm khá cao nhưng do nhu cầu tằm thực phẩm rất ít nên không thể mở rộng được.
Ông Nguyễn Đình Thông – chuyên gia của Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết đến năm 2025, Quảng Nam cần khoảng 4.664ha quỹ đất ưu tiên phát triển trồng dâu giai đoạn 1. Chất lượng đất ở nhiều khu vực có mức độ thích hợp cao, thỏa mãn đầy đủ yêu cầu sử dụng đất của cây dâu, phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương và đang sử dụng kém hiệu quả cho cây trồng khác.
Đại diện cho các hộ nông dân gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang bộc bạch: “Hiện nay, phần lớn hộ dân theo nghề trồng dâu nuôi tằm kiến nghị, nếu đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại để nuôi tằm trong phòng điều hòa với chi phí cao thì người dân cần được hỗ trợ một phần kinh phí hoặc cho vay vốn ưu đãi để có điều kiện đầu tư ban đầu”.
Cũng theo ông Thành, việc cung cấp con giống tằm chất lượng và cam kết đảm bảo về đầu ra của sản phẩm chính là những khâu quan trọng nhất để người dân gắn bó một cách tâm huyết, bởi trước đây họ phải bỏ nghề cũng chính vì hai yếu tố này.
Chia sẻ về vấn đề ông Nguyễn Đức Thành nêu ra, ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho rằng: “Ở góc độ doanh nghiệp, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm của người trồng dâu nuôi tằm không phải là quá khó nhưng băn khoăn nhất vẫn là chất lượng tơ, kén bởi chỉ khi sản phẩm đạt chuẩn giá trị quốc tế thì mới xuất khẩu đến nhiều phân khúc thị trường. Từ đó, rộng mở nhu cầu bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Trong khi đó, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Khoa học & công nghệ nhìn nhận, bây giờ vấn đề đáng quan tâm nhất của nghề trồng dâu nuôi tằm không phải là giải pháp về mặt kỹ thuật mà là giải pháp quản lý và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Các bên liên quan cần có cam kết trách nhiệm để xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có thể phát triển thành mô hình điểm mà ở đó doanh nghiệp giải quyết đầu ra, hợp tác xã làm cầu nối liên hệ, còn người nông dân sản xuất theo quy trình kèm theo sự hỗ trợ của nhà khoa học. Có như vậy, mới có thể phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm một cách nhanh, mạnh và bền vững” – ông Tích nói.
Nguyễn Sự – Quốc Tuấn
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/tim-huong-phat-trien-ben-vung-nghe-trong-dau-nuoi-tam-88161.html