Tìm hướng đi bền vững cho dệt may

Ngành dệt may Quảng Nam đang thiếu tính liên kết để tạo nên chuỗi giá trị, trong đó mắt xích yếu là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chậm phát triển. Vậy, phải giải quyết bài toán này thế nào để đưa dệt may trở thành ngành kinh tế quan trọng, hình thành chuỗi giá trị, sản xuất an toàn, nâng cao giá trị sản xuất, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)?

Công nghiệp hỗ trợ dệt may đang gặp khó trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Công nghiệp hỗ trợ dệt may đang gặp khó trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

PHÁT TRIỂN TRONG PHỤ THUỘC

Ngành dệt may cần phát triển toàn diện để cạnh tranh với hàng hóa quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Nhập khẩu  nguyên liệu

Toàn tỉnh hiện có 128 doanh nghiệp (DN) may và 44 DN dệt, sợi với hơn 43 nghìn lao động (chiếm khoảng 44% tổng số lao động của toàn ngành công nghiệp). Giá trị sản xuất ngành dệt may có sự tăng trưởng nhanh, từ 4.323 tỷ đồng năm 2015 lên 9.026 tỷ đồng vào năm 2018. Các ngành CNHT của dệt may bao gồm sản xuất sợi, dệt vải, sản xuất nguyên phụ liệu như chỉ, hóa chất, in, thêu, bao bì… Ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Tuy CNHT dệt may đã phát triển nhưng giá trị còn thấp, năng lực và công nghệ của DN còn hạn chế, chủng loại sản xuất còn nghèo nàn. Đối với dệt may, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, phụ thuộc rất lớn vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu (90%). Năng lực DN của CNHT dệt may nội địa còn yếu về chất và thiếu về lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm kém, giá thành cao. Trước thực trạng phát triển cộng với xu hướng hội nhập, đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết để phát triển bền vững ngành dệt may”.

Theo ông Lê Châu Khương – Giám đốc Công ty CP CNHT miền Trung, ngành dệt may Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung có sức cạnh tranh thấp vì phụ thuộc quá nhiều vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Muốn có sản phẩm chất lượng để tăng sức cạnh tranh, bắt buộc DN phải nhập khẩu nguyên liệu đảm bảo theo yêu cầu từ đối tác. Tuy nhiên khi nguyên, phụ liệu nhập khẩu có giá cao thì giá thành sản phẩm dệt may sẽ rất cao. Chính vì thế mà mỗi DN đều phải bằng nhiều cách gia tăng năng suất lao động để đảm bảo giá thành sản phẩm có thể cạnh tranh được trong khu vực.

Rất đáng quan ngại khi tại Quảng Nam, ngành dệt, dệt nhuộm có công đoạn hoàn tất sản phẩm vải rất kém. Ngành dệt có vai trò quan trọng không chỉ đối với riêng ngành may mà còn cả tổng thể ngành dệt may vì vải là yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí và chất lượng cuối cùng của sản phẩm may mặc. Vậy nhưng, khoảng 90% sản lượng vải trên địa bàn tỉnh không thể sử dụng trực tiếp cho ngành may do các khâu hoàn tất vải, tẩy, nhuộm, in hoa, thêu… chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Sở Công Thương, vải chính để may hàng xuất khẩu của ngành may hầu như DN phải nhập khẩu 100%, chỉ có số ít vải lót là mua thêm ở trong tỉnh và trong nước.

Còn nhỏ lẻ

Ngành may mặc Quảng Nam đã phát triển bước đầu với các thương hiệu xuất khẩu nổi tiếng như Panko Tam Thăng hay dệt may Hòa Thọ nhưng CNHT lại là rào cản lớn. Trước hết là ngành bông. Trước đây Công ty CP Bông vải miền Trung trồng bông trên địa bàn tỉnh và chế biến thành phẩm nhưng đến nay đã giải thể, nhập vào Công ty Giống cây trồng Quảng Nam. Hiện chỉ còn rất ít hộ dân huyện Đại Lộc còn trồng cây bông, song sản phẩm thu hoạch được bán đi các tỉnh khác.

Ông Nguyễn Quang Thử cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của ngành dệt trong mối liên kết với ngành may là chính sách đầu tư và chiến lược phát triển ngành dệt, nhuộm chưa có sự thống nhất nên không khuyến khích được DN đầu tư. Mấu chốt nằm ở chỗ quy mô DN nhỏ, số lượng DN trong ngành ít. Bởi, dệt và nhuộm là ngành thâm dụng vốn và công nghệ nên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ gặp khó trong đổi mới công nghệ để có thể tham gia chuỗi sản phẩm.

Đối với sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ dệt may, năng lực của DN kém. Các loại kim, chỉ khâu, nút, dây kéo, móc áo, bao bì, nhãn mác, chủ yếu được DN nhập khẩu hoặc mua ngoài tỉnh. Hiện ở tỉnh mới chỉ có một vài DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ ngành dệt may nhưng hầu như không tiêu thụ trong nước mà phục vụ nội bộ DN như Công ty TNHH MTV Panko, Công ty TNHH MTV Dooji Vina, Công ty TNHH Sin Jeong Vina hay Công ty TNHH Công nghiệp Yong Jin (đều ở Khu công nghiệp Tam Thăng).

Bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp – Sở Công Thương cho rằng, phương thức sản xuất của ngành may vẫn chủ yếu là gia công. Mặc dù có gần 130 DN may mặc nhưng đa số là nhỏ và vừa, làm gia công theo đơn hàng, không chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như mẫu mã, thương hiệu của riêng mình. Các DN may không có điều kiện tiếp cận thị trường cung ứng nguyên phụ liệu, thị trường tiêu dùng cuối cùng và khách hàng mua trực tiếp, mà chủ yếu giao dịch thông qua các công ty thương mại. Đó là một trong những nguyên nhân khiến ngành dệt may phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đã xây dựng được thương hiệu may mặc.
Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đã xây dựng được thương hiệu may mặc.

KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN

Thành công bước đầu của các DN dù chưa quá lớn nhưng là cơ sở để thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất ngành dệt may tại Quảng Nam.

Cho đến nay, lũy kế đầu tư của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đạt 100 triệu USD với nhà xưởng có dây chuyền sản xuất khép kín dệt – nhuộm – may và nhà máy xử lý nước thải có công suất 28 nghìn m3/ngày. Công ty đã nhập nhiều loại máy móc thiết bị dệt may hiện đại để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn. Xưởng dệt của Panko Tam Thăng sản xuất 60 nghìn kg/ngày và xưởng may thì đạt 3,6 triệu chiếc áo/tháng với 120 chuyền may. Ông Han Chul Joon – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết, mục tiêu trong thời gian tới của DN là thu hút 12 nghìn lao động sản xuất tốt với 200 chuyền may. Theo ông Han Chul Joon, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mọi mặt, ngành dệt may sẽ chịu nhiều biến động, đòi hỏi nguyên, phụ liệu mới và thân thiện với môi trường. Sự cạnh tranh về giá cả, các đơn đặt hàng thông minh nhiều, tiêu chuẩn chất lượng cao từ đối tác đã buộc DN phải “trở mình” để tìm “đáp án” thích ứng, phát triển.

Công ty Dệt may Hòa Thọ cũng đã tham gia chuỗi liên kết khi vừa sản xuất sợi vừa dệt may. DN này đã đầu tư sản xuất sợi tại nhà máy có diện tích 20ha thuộc huyện Thăng Bình, đầu tư dệt – nhuộm – may ở Quế Sơn trên diện tích 10ha. DN cũng đầu tư may mặc phục vụ xuất khẩu ở nhiều địa phương thuộc tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt may Hòa Thọ cho rằng, tỉnh cần đồng hành, tiếp sức nhiều hơn đến phát triển của DN. Cùng với mở rộng cơ chế ưu đãi, Quảng Nam cần quy hoạch phát triển các khu CNHT, các trung tâm chuyên sâu phục vụ ngành dệt may, trong đó, chú trọng kết nối giao thông, hệ thống nước sạch, xử lý nước thải… giúp DN sản xuất thuận lợi hơn. Quảng Nam cần hỗ trợ DN phát triển CNHT bằng cách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, kết nối thị trường, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Đặc biệt, hỗ trợ tín dụng, giúp DN mạnh dạn đầu tư chuỗi sản phẩm gồm bông, đay, gai, tơ tằm, xơ tổng hợp polyester, viscose, sợi dệt kim, sợi polyester có độ bền cao, vải không dệt và các phụ liệu như cúc áo, khóa kéo, chần gòn…

TS.Dương Đình Giám – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, rất tiếc khi Quảng Nam có nhiều ưu đãi về tự nhiên, thổ nhưỡng nhưng các ngành trồng bông, dệt vải, làm sợi lại suy giảm. Quảng Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn ở Thái Lan để phát triển CNHT dệt may. Theo đó, cùng với các chính sách trực tiếp phát triển CNHT, Quảng Nam nên quan tâm đến chính sách phát triển các cụm CNHT dệt may ở vùng nông thôn gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bước đầu, các làng, xã tập trung vào phát triển trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, thực hiện các phụ liệu may mặc. Sau đó, liên kết các cụm CNHT dệt may, có chiến lược và công cụ marketing hiện đại để gia nhập các mạng cung ứng sản xuất nội địa và toàn cầu, vừa phục vụ ngành may mặc tại chỗ vừa xuất khẩu.

SẢN XUẤT GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Một vấn đề cần giải quyết tốt để ngành dệt may phát triển là bảo vệ môi trường. Điều này cần được tỉnh và các DN quan tâm đúng mức.

Ngành dệt may có sử dụng hóa chất ở nhiều công đoạn sản xuất, nhất là nhuộm vải, nếu không được xử lý rốt ráo sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, đồ may mặc bị đào thải hằng ngày cộng với việc thiếu ý thức tái sử dụng, tái chế các sản phẩm dệt may đã đầu độc môi trường. Thực tế sản xuất ngành dệt may Quảng Nam cho thấy, nhiều DN không dự phần vào giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do hạn chế về tài chính, trong khi việc mua trang thiết bị và công nghệ mới để xử lý chất thải rất tốn kém. Chính vì thế, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và ý thức của DN, nhất là các chính sách thân thiện môi trường, giúp sản xuất bền vững, không bức hại môi trường.

Nhiều DN dệt may cho biết luôn mong đợi UBND tỉnh có những chính sách, quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may để bảo vệ môi trường. Tỉnh cần xây dựng các chương trình hỗ trợ DN lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời các cơ quan quản lý cần tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn DN cách xác định hóa chất nguy hiểm cũng như đánh giá đúng mức độ độc hại từ quá trình sản xuất của ngành dệt may, hướng đến sản xuất an toàn. Theo TS.Dương Đình Giám – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Quảng Nam cần hỗ trợ DN xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tập trung cho ngành dệt may như cách làm của Công ty THHH MTV Panko Tam Thăng. Ở các khu, cụm công nghiệp có hoạt động của ngành dệt may, nhất thiết phải có hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy định. Tỉnh cần khuyến khích các cơ sở đầu tư ngành dệt may đổi mới trang thiết bị, áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tiết kiệm điện năng và thực hiện sản xuất sạch hơn.

Bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp – Sở Công Thương cho biết, quan điểm phát triển ngành dệt may của tỉnh là tiếp tục hoàn thiện công nghệ xử lý ô nhiễm. Những nhà máy dệt may mới được đầu tư cần đưa tiêu chí về trình độ công nghệ và bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Ngành công thương sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các DN dệt may thông qua bản đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan quản lý phê duyệt. “Quan điểm của Chính phủ cũng như Quảng Nam trong phát triển ngành dệt may là phải tuân thủ định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hướng ngành dệt may phát triển theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, bền vững. Bên cạnh việc tăng cường thể chế, cơ chế bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, các DN cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường song hành với quá trình sản xuất” – bà Đỗ Thị Hiền nói.

Doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đang vận động để thích ứng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đang vận động để thích ứng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

VẬN ĐỘNG VÀ THÍCH ỨNG

Quảng Nam đang chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, trong đó ngành dệt may cần có những vận động phù hợp.

Hiến kế

TS.Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết, CNHT dệt may đã trở thành vấn đề trọng tâm, được Chính phủ ban hành các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển. Quảng Nam cần các giải pháp thiết thực để thúc đẩy CNHT làm đòn bẩy phát triển công nghiệp dệt may. TS.Trương Thị Chí Bình khuyến nghị tỉnh nên kêu gọi, thu hút DN đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu như dệt, nhuộm, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, hiệu chỉnh máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành dệt may. Quảng Nam có thể kêu gọi đầu tư từ các DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Chính quyền tỉnh cần tận dụng các cơ chế từ chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT. Đồng thời tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT đặc thù ngành dệt may.

Quảng Nam đã có nhiều cơ chế kêu gọi đầu tư công nghiệp dệt may nhưng cần làm thêm nhiều việc để thúc đẩy CNHT dệt may phát triển, như kết nối thị trường trong nước, xúc tiến thị trường xuất khẩu, phát triển hệ thống DN CNHT dệt may nội địa, cung cấp thông tin, chính sách, cơ chế công khai, minh bạch. “Tỉnh cần quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT dệt may. Quan trọng là hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ CNHT dệt may, các dự án nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT dệt may và kêu gọi các DN FDI có năng lực, công nghệ tốt, đảm bảo môi trường để hợp tác với DN trong nước về CNHT dệt may” – TS.Trương Thị Chí Bình nói.

Ông Han Chul Joon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho rằng, dệt may trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự phát triển kỹ thuật cũng như công nghệ đã thay đổi hình thức tiêu thụ và quá trình lưu thông hàng hóa. Vì thế, sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt, người tiêu dùng kiểm tra, đánh giá và đưa ra yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa dệt may. Sự phát triển của các nguyên, phụ liệu mới sẽ gây nên áp lực lớn trong cạnh tranh giá cả, chất lượng, quyết định giá thành sản xuất dệt may. Ông Han Chul Joon cho rằng: “Nguyên, phụ liệu nội địa của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng cung cấp nhỏ lẻ, không có đơn vị có số lượng lớn và ổn định. Vì vậy chúng tôi chỉ có thể đặt được đơn hàng gia công và thu mua bao bì từ các doanh nghiệp FDI trong cùng khu công nghiệp. Bên cạnh việc thu hút đầu tư, Quảng Nam cần hình thành cụm hay khu công nghiệp dành cho các DN CHNT dệt may cùng tham gia phát triển sản xuất”.

Công nghệ là sống còn

Theo ông Phan Đức Tú – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng (cụm công nghiệp Kế Xuyên – Quán Gò, Thăng Bình), thách thức lớn là chi phí sản xuất ngày càng tăng. Quan trọng hơn, khi tham gia chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu thì thách thức là xu hướng fast fashion (thời trang nhanh), sản xuất trong thời gian cực ngắn. Nếu như trước đây các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, xu hướng thời trang để đưa ra mẫu mới thì hiện nay sự thay đổi diễn ra hàng tuần. Đặc biệt, gần đây các hãng thời trang ngoại như Zara, H&M, Topshop đã đổ bộ vào Việt Nam cung cấp sản phẩm với giá bình dân, gây áp lực cho các DN nội về tiến độ sản xuất và giá cả.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, sự góp mặt của các thương hiệu thời trang ngoại đã đẩy sự cạnh tranh lên cao, tạo ra sức ép để các DN nội địa vận động, thay đổi, thích ứng, có phương thức sản xuất, kinh doanh mới, tạo sản phẩm cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đó là con đường phát triển mà DN không thể không trải nghiệm. “DN dệt may trong nước nói chung, Quảng Nam nói riêng cần thay đổi mục tiêu sản xuất, kinh doanh, muốn vậy bắt buộc phải thay đổi công nghệ nếu không muốn DN ngoại lấn át, loại trừ. Phương thức sản xuất truyền thống với đặc trưng là gia công hàng hóa cần chuyển sang tạo sản phẩm mới, hấp dẫn cả mẫu mã lẫn chất lượng” – bà Đỗ Thị Hiền nói.

Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, ngành may mặc trong nước nói chung, Quảng Nam nói riêng cần đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhạy bén với thị trường. Thực tế là trên thế giới đã có nhiều DN ứng dụng các thông số đo, cắt tự động, thậm chí máy móc, rô bốt may hàng loạt mà không cần sức lực của con người. Hướng đầu tư công nghệ đó đã giúp DN có được độ chính xác gần như tuyệt đối của sản phẩm, số lượng đơn hàng nhanh, giảm các chi phí đầu vào. Hiện nay ngành may mặc cả nước đã có DN đầu tư phần mềm cắt tự động như phần mềm Gerber, Lectra, giúp tiết kiệm được rất nhiều vải và chi phí nhân công. Cái khó là các DN dệt may Quảng Nam có quy mô vừa và nhỏ nên khó để tiếp cận ứng dụng vì giới hạn về nguồn lực. Ông Nguyễn Quang Thử cho rằng, sống còn của DN dệt may Quảng Nam là đổi mới, tiếp cận công nghệ mới. Do đó, trước những sức ép bên trong lẫn bên ngoài, khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế, bắt buộc DN dệt may Quảng Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng khoa học công nghệ để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa nâng cao năng suất lao động của dây chuyền.

Việt Nguyễn – Diễm Lệ

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/tim-huong-di-ben-vung-cho-det-may-83088.html

Cùng chuyên mục