Tìm giải pháp xử lý rác thải ở Hội An
Gần 270 nghìn tấn rác thải đang bị dồn ứ tại bãi rác Cẩm Hà (TP. Hội An) hơn 2 tháng qua khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh bị ảnh hưởng. Câu chuyện xử lý rác thải tại TP. Hội An một lần nữa càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Ô nhiễm môi trường
Theo thiết kế, bãi rác Cẩm Hà có diện tích khoảng 10.000m2, sức chứa 60.000 – 70.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, khi bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành) ngưng nhập, khiến gần 270 nghìn tấn rác bãi Cẩm Hà bị dồn ứ do không thể vận chuyển vào Núi Thành xử lý được. Rác chất thành núi gây ô nhiễm trầm trọng, nhất là các hộ dân 2 thôn Bầu Ốc Thượng và Bến Trễ. Những hôm trời mưa, nước mưa hòa nước thải từ bãi rác rò rỉ chảy ra khu vực nghĩa địa, tràn ra đường, mùi hôi thối nồng nặc.
Bà Trần Thị Thùy Trang (thôn Bầu Ốc Thượng) than thở, khu vực này không chỉ ô nhiễm từ bãi rác, nghĩa địa hay phân thuốc trồng quất mà còn bị ảnh hưởng bởi nhà máy cá ở Điện Dương nên cuộc sống người dân rất khổ sở. “Môi trường ô nhiễm đến mức đất đai cũng mất giá, nhiều người bán nhà ở trong phố lên đây ở nhưng không được phải bỏ đi” – bà Trang kể.
Theo ông Nguyễn Quốc Tiến – Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hội An, giải pháp hiện nay và sắp đến là tiến hành phân loại rác, xử lý làm phân compost, sửa chữa lò đốt để nâng công suất đốt rác lên…
Năm 2018, Hội An đón gần 5 triệu lượt khách du lịch, qua 9 tháng đầu năm có khoảng 3,7 triệu lượt khách đã tham quan lưu trú tại Hội An. Bình quân mỗi ngày có từ 90 – 100 tấn rác thải ra trên địa bàn thành phố, phần lớn từ hoạt động du lịch, thương mại. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An thừa nhận, du lịch phát triển đã đặt ra nhiều thách thức và áp lực cho thành phố, trong đó có việc xử lý nước thải và rác thải. Vì vậy, giải pháp hàng đầu vẫn là tập trung phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác phát sinh.
“Hội An có lợi thế là nhiều nơi vẫn còn làng quê như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Hà… nên không nhất thiết phải thu gom rác hữu cơ. Rác hữu cơ ở những vùng này có thể chôn lấp ủ thành phân, làm biogas… Chúng ta chỉ thu gom xử lý rác vô cơ, nếu như làm tốt việc này sẽ giảm được khoảng 60% rác hữu cơ, đồng nghĩa thành phố chỉ thu gom khoảng 40 tấn rác vô cơ mỗi ngày, nên việc xử lý sẽ dễ dàng hơn” – ông Sơn tính toán.
Thu phí môi trường?
Dù thời gian qua việc xử lý rác thải đã được Hội An triển khai như phân loại, xây dựng lò đốt, chế biến phân compost… nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Cụ thể, trước đây dự án EU cũng đã hỗ trợ Hội An xây dựng nhà máy xử lý phân compost (công suất khoảng 30 tấn/ngày) nhưng chất lượng phân chưa tốt nên không bán được. Ngoài ra, có thể kể đến lò đốt rác, được đầu tư xây dựng năm 2016, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, công suất 90 tấn/ngày đêm, nhưng khi đi vào hoạt động, công suất thực tế chỉ đạt 30 – 35 tấn/ngày đêm nên công trình không được nghiệm thu quyết toán.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, bây giờ phải đầu tư nâng cấp lại nhà máy phân compost để có thể tiêu thụ được sản phẩm hoặc chí ít nông dân địa phương cũng chịu sử dụng. Riêng lò đốt, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho phép thành phố quyết toán để có cơ sở sửa chữa tiếp tục hoạt động. Bởi, dù sao với công suất đốt rác vô cơ 35 tấn/ngày đêm cũng sẽ giải quyết được đáng kể lượng rác hiện tại. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang nghiên cứu kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ mới của Mỹ nhằm phát điện, nhưng cũng mới dừng lại ở mức nghiên cứu thẩm định…
Đặc biệt, Hội An đang có ý tưởng đề xuất UBND tỉnh, Bộ TN&MT, Chính phủ nghiên cứu cho phép thu “phí môi trường” với khách du lịch. Theo đó, khách du lịch đến Hội An sẽ phải đóng một số tiền nhất định gộp vào vé tham quan phố cổ hoặc giá phòng lưu trú. Ông Sơn khẳng định, việc thu phí môi trường là bình thường ở các nước để chính quyền địa phương chăm lo các vấn đề về môi trường, an ninh trật tự… tốt hơn. Tuy nhiên, thẩm quyền thông qua việc thu phí này thuộc HĐND tỉnh và Chính phủ vì ảnh hưởng trực tiếp đến khách du lịch. Trước đó, Hội An cũng đã triển khai thu phí môi trường khách tham quan đảo Cù Lao Chàm với mức phí 20 nghìn đồng/người nhằm giải quyết vấn đề cấp nước sạch và xử lý rác thải.
“Dù mới đề xuất nhưng chắc chắn sẽ phải làm vì các quốc gia khác đều làm, vì khách đến càng đông xả rác ra càng nhiều nên phải thu để tái tạo đầu tư trở lại là hợp lý, tất nhiên phải có chủ trương và triển khai đồng loạt trên toàn quốc chứ Hội An không thể đơn phương làm được” – ông Sơn nói thêm.
Vĩnh Lộc
Theo Quảng Nam Online