Tiên Yên – Vùng đất biên cương nhiều dấu ấn văn hóa dân gian
Từng được biết đến là nơi “rừng thiêng nước độc” nhưng giờ đây, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang là điểm du lịch hấp dẫn bởi nét văn hóa độc đáo.
Huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang là điểm đến của nhiều du khách bởi nơi đây có rất nhiều nét đẹp văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc anh em. Đặc biệt, những lễ hội truyền thống được phục dựng nguyên gốc đã tạo nên những bản sắc riêng về đất và người Tiên Yên.
Đến với Tiên Yên, du khách có thể bắt gặp những câu ca Sóong cọ ngọt ngào, trữ tình của người Sán Chỉ chơi vơi giữa đại ngàn Đông Bắc.
Lên nương, đi chợ phiên hay trẩy hội, trai gái Sán Chỉ đều có thể cất lên làn điệu dân ca như thế.
Tuy không phải cái nôi của làn điệu Sóong cọ vùng Đông Bắc, nhưng ở Tiên Yên lại lưu giữ được không ít câu ca cổ với nhiều nghệ nhân còn hát được thể loại này.
Đây thực sự là nguồn vốn quý cho việc gìn giữ phong tục, những di sản văn hóa phi vật thể mà huyện Tiên Yên đang nỗ lực triển khai từ hơn thập kỷ qua.
Không chỉ quyến rũ bởi những làn điệu dân ca, dấu ấn văn hóa của vùng đất này còn thể hiện rất rõ qua hoa văn trang phục truyền thống của người Dao, Sán Chay, Sán Chỉ…
Những trang phục thổ cẩm, thêu tay, mỗi họa tiết, hoa văn trên trang phục đều thể hiện phong tục và quan niệm sống của đồng bào.
Chị Tằng Thị Nga và anh Sằn Chi Nàm, dân tộc Dao đỏ huyện Tiên Yên cho biết: “Truyền thống bản sắc dân tộc từ các cụ đời xưa truyền cho con cháu thì không thể bỏ được. Quyết tâm truyền đạt cho con cháu mình trước nhất là cái khăn, rồi đến cái áo, xong mới đến thắt lưng”.
“Chúng tôi hay vận động bà con những ngày lễ hoặc là ngày đám cưới mặc quần áo dân tộc, chủ yếu là nữ. Còn nam thì rất hiếm vì gần như không để lại được trang phục của người nam, còn các chị em nữ thì giữ lại đúng nguyên vẹn của các cụ ngày xưa để lại. Bây giờ chúng tôi vẫn cố gắng tuyên truyền những lớp trẻ để vận động họ tiếp tục học thêu và học may những quần áo dài và trang trí đầu tóc”.
Nép bên trục Quốc lộ 18, trấn lỵ Tiên Yên xưa là nơi hội tụ nhiều luồng văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Chỉ. Theo thời gian, sự giao thoa, đan xen văn hóa đã hình thành nên những sắc thái riêng cho đất và người Tiên Yên – vùng đất nơi ngã ba sông, ngã ba đường vùng Đông Bắc.
Nhờ sự độc đáo này, Tiên Yên đã đi vào thơ ca với rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật. “Dừng chân nơi phố nhỏ Tiên Yên/Con sông xanh chia hai bờ nhớ thương”. Phố nhỏ Tiên Yên được nhắc đến là con phố trải qua không ít những thăng trầm của lịch sử với hơn 80 nóc nhà mái ngói âm dương cổ còn được bảo tồn. Hình thành khoảng đầu thế kỷ XX, Tiên Yên phố là sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Phố không có vỉa hè, theo ô bàn cờ gọn ghẽ. Gần 2 năm nay, phố cũ Tiên Yên được xây dựng thành phố đi bộ dịp cuối tuần với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố độc đáo trở thành điểm hẹn của du khách gần xa.
Những người làm công tác bảo tồn văn hóa dân gian kỳ vọng, qua những hoạt động này, nét đẹp văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc sẽ được phô diễn và thực sự trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, có chỗ đứng trong lòng du khách. Tuy nhiên đây không phải là chuyện một sớm, một chiều như trăn trở của ông Đinh Viễn nhà giáo, người nghiên cứu lịch sử, văn hóa Tiên Yên: “Người nước ngoài thích bản sắc của người dân tộc, quần áo, trang phục bà con tất cả các dân tộc. Chúng ta cần dục dưỡng để tạo ra sắc màu văn hóa. Tôi kiến nghị với huyện tổ chức chợ đêm của các đồng bào dân tộc thiểu số”.
Theo VOV