Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Hại tự nhiên là hại mình ngay lập tức!
“Hậu khảo cổ” là cái tên quen thuộc và gây chú ý không chỉ vì chị là người phụ nữ đẹp theo cái nghề nhiều người nghĩ là khô khan, kiếm tìm cực nhọc, mà còn vì luôn thấy chị đóng góp ý kiến xác đáng trong việc bảo vệ di sản.
Các công trình khoa học được biết đến của chị: Khảo cổ học Cần Giờ (chủ trì) và công trình nghiên cứu Khảo cổ học đô thị và bảo tồn di sản Thành phố.
24h Sống Xanh cùng chị trò chuyện về các vấn đề đáng quan tâm nhất trong bảo vệ di sản liên quan môi trường sống.
Về tầm quan trọng trong việc con người xây dựng và bảo tồn di sản phải “nương theo tự nhiên” – có vẻ ai cũng dễ đồng ý nhưng rồi vẫn vi phạm? Chị nhận xét thế nào?
Có 2 loại di sản: Di sản thiên nhiên và Di sản nhân văn – loại thứ hai này nhấn mạnh vai trò con người trong xây dựng và tác động bảo tồn phải nương theo tự nhiên, hiểu biết, tôn trọng, bảo vệ được tự nhiên mới là môi trường sống tốt nhất.
Môi trường nhân văn đặc biệt của các di sản lớn trên thế giới thể hiện được lịch sử dấu ấn thời đại nghệ thuật kiến trúc tín ngưỡng… đa phần phù hợp cảnh quan tự nhiên, theo phong thủy, tôn vẻ đẹp cân bằng – điều ngày nay gọi là tỷ lệ vàng trong kiến trúc. Ta có thể thấy trong việc xây dựng kinh đô và ngay cả các phế tích cũng vẫn nằm trong bối cảnh như vậy.
Các công trình của người Mai-a cheo leo dựa vào sườn núi không quá phô trương hoành tráng lấn át cảnh quan, Mỹ Sơn dựa vào thung lũng. Ở Sài Gòn, các chùa cổ ở quận 11 xây trên gò cao vẫn giữ vườn cây cổ thụ… Con người không thể tách rời tự nhiên xung quanh, cách biệt không gian tín ngưỡng thanh tịnh với khu dân cư. Nhà thờ Đức Bà cao ráo không bao giờ bị ngập. Nhà thờ Tân Định sơn hồng tươi vui gần gũi, phù hợp thời tiết nắng. Hà Nội nhà thờ đá, vữa xám giả đá uy nghi của trung tâm quyền lực văn hóa lâu đời dáng vẻ Paris…
Thưa chị, dường như ai cũng biết tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản nhưng rồi di sản vẫn bị thương tổn là do đâu?
Con người không thể sống tách rời tự nhiên. Nhưng rồi phát triển thời đại công nghiệp, “quyết định luận” – con người quyết định tất cả, lòng tham khai thác tất cả, làm ra tất cả, không nghĩ đến tự nhiên và thế hệ sau. Nhiều nước còn phá cả di sản để hiện đại hóa. Những nước đang phát triển có thể biết sai nhưng vẫn giẫm phải vết chân sai lầm của các nước đi trước vì lợi ích trước mắt. Do lòng tham của thế hệ, cũng có khi vì khát vọng đuổi theo mà không đủ bình tâm thấu đáo.
Xâm hại tự nhiên, xâm hại di sản đang là vấn đề toàn cầu. Cô bé được The New York Times chọn làm nhân vật của năm đấu tranh cho ý thức bảo vệ môi trường là một cảnh báo lớn. Con người làm hại tự nhiên, ảnh hưởng nguy ngập mới nhận ra, làm hại tự nhiên là làm hại chính mình ngay lập tức. Có những nước dừng lại cứu vãn nhưng có nhiều nước vẫn bị cuốn theo và bất lực.
Vậy phải nhìn đâu là các vấn đề chính của bảo tồn di sản?
Đầu tiên phải tìm cách hiệu quả để làm cho người dân có ý thức. Như ở nước ta còn phổ biến quan niệm làm du lịch gắn liền với tâm thức “phải có tiền ngay lập tức”, đặt nhẹ lợi ích cộng đồng. Tôi biết Ý và Ba Lan là hai thí dụ rất rõ việc du lịch phát triển trên nền tảng người dân có ý thức quý trọng đất nước mình trước đã. Tìm ra cách làm cho dân trân trọng không phá hoại mà chung tay gìn giữ. Ba Lan họ làm từ dưới lên, nghĩa là bắt đầu từ chính cộng đồng.
Luật di sản của nước ta tương đối tốt, có sửa đổi. Nhưng ta vẫn thường nghe lời kêu ca là luật ở Việt Nam chưa đi vào cuộc sống. Thí dụ luật xử phạt uống rượu khi giao thông bị phạt nặng đang gây xôn xao. Nó phải có ý nghĩa ngăn các vi phạm, đừng vi phạm chứ không chỉ vì sợ người thực thi đi phạt.
Luật di sản cũng vẫn có nhiều việc mạnh ai nấy làm, chỏi nhau, thí dụ vừa qua vụ Mã Pí Lèng xây dựng phá cảnh quan.
Vấn đề bảo tồn di sản ở Việt Nam hiện có 4 yếu tố tác động: chính quyền quản lý, vai trò các nhà chuyên môn, vai trò cộng đồng, và yếu tố thứ tư trong cơn bão đô thị hóa có vai trò chi phối hiệu quả nhất là các nhà đầu tư. Vì lợi ích mà có khi họ có những tác động đối lập với cả chuyên môn và lợi ích của cộng đồng.
Xin hỏi chút riêng tư, nhiều người thường nghĩ, đâu là lý do để một phụ nữ đẹp như chị lại yêu nghề khảo cổ vốn bị cho là “đào bới vất vả khô khan”?
Nếu nói đến khảo cổ học liên quan Việt Nam phải nhắc đến một cái tên nổi tiếng nhất là một phụ nữ đấy: bà Madelaine Colani – nhà địa chất Pháp.
Còn về nghề thì đúng là có đặc điểm hay đi, vất vả nên phụ nữ ít chọn. Điều tôi thích nhất: cứ tưởng các cuộc khai quật đều giống nhau như… bóng đá nhưng diễn biến thì chẳng có trận nào giống trận nào, đầy bất ngờ ngay cho dù là kết quả 0-0. Tính đồng đội cao. Vai trò khi tham gia mỗi lần đều khác nhau: có chủ trì, có cán bộ xử lý hiện vật, có nghiên cứu, có sinh viên tham gia nhân công… Nhờ có tính đồng đội mình học được nhiều hơn.
Chị còn tham gia viết văn, xuất bản nhiều tác phẩm, viết tản văn tinh tế giàu cảm xúc nữa?
Tôi là nhà văn ư? Chắc không. Nghiên cứu nhiều hơn. Viết là nhu cầu của tôi. Những kiến thức khảo cổ dưới góc nhẹ nhàng, câu chuyện bình dân và góc nhìn bất ngờ vào cuộc sống. Tôi nghĩ khoa học không chỉ dành cho giới hàn lâm, mà còn là công việc xã hội. Sao rất nhiều người làm bác sĩ, nhà báo họ lan tỏa cho cộng đồng, mình cũng cần như vậy. Tôi muốn đưa đến cộng đồng những câu chuyện. Ví như trong ẩm thực, ngoài yến tiệc còn có các món ngon mà gần gũi. Ngoài ra, nhờ trên mạng xã hội tương tác nhiều người cho những góp ý, cảm nhận khiến tôi phấn khởi hơn khi tham gia xu hướng Khảo cổ học cộng đồng, mang thêm tri thức đến cho cộng đồng.
Khi đi và viết, tôi thấy không chỉ có nhu cầu về chuyên môn khảo cổ mà đi, nhận biết cái hay cái mới, mình học được và để cho người đọc thấy mình được chia sẻ.
Tôi chẳng nghĩ mình là “nhà văn” nhưng tôi hay ghi lại những gì đặc biệt và cảm xúc mình có được từ các nơi chốn. Không có chủ đề riêng, không mục đích đăng báo mà viết cho chính mình. Nhiều khi chia sẻ trên FB rồi có nhà báo gọi nhắn viết vì nhiều chuyện hay. Có lúc viết liền 2500 chữ trong 2 tiếng, cứ viết vui vẻ theo ý tôi nghĩ, tôi cảm một cách sống động, không gò ép khô cứng.
Viết tương đối khách quan và văn chương như tự nói với mình, cân bằng giải tỏa, viết các vấn đề liên quan xã hội khiến con người có trách nhiệm nhiều hơn với cuộc sống. Mảng đề tài tôi tâm đắc nhất là chủ đề hòa giải. Bảo tồn di sản giữ gìn ký ức, nâng niu như nâng niu ngôi nhà người khác. Con đường dài là tình cảm, cái tình mới lâu dài. Người mình còn thiếu cận nhân tình với nhau.
Xuất thân gia đình trí thức và nghệ sĩ lớn (Cha chị là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch – Trưởng đoàn Cải lương Nam bộ. Bác là GS.BS Nguyễn Văn Hưởng – được đặt tên đường phố ở Sài Gòn – NV), chị biết ơn gì khi được thừa hưởng “di truyền” từ gia đình?
Ngoài truyền lại cho con cháu nhân cách sống đúng đắn, tôi nhớ ơn nhiều thứ, trong đó có lòng yêu nghệ thuật và mê đọc sách.
Xin cảm ơn chị!
Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)
Ảnh: Nguyễn Á
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh