Tiền giấy Việt Nam hơn 100 năm trước

Gần 1.200 tờ tiền giấy từ thời Pháp thuộc, khuôn in tiền, phiếu tiếp tế, công phiếu… được trưng bày cho khách tham quan triển lãm.

tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Từ ngày 23/12, Bảo tàng Lịch sử TP HCM tổ chức triển lãm chuyên đề “Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ”. Với gần 1.200 tư liệu, hiện vật được giới thiệu đến công chúng, cuộc trưng bày tái hiện một phần bức tranh lịch sử tiền giấy từ thời Pháp thuộc đến nay. Các hiện vật đều xuất xứ từ bộ sưu tập cá nhân của nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành, một trong những người sở hữu nhiều giấy bạc xưa tại Việt Nam.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Khu tiền giấy Việt Nam thời Pháp thuộc trưng bày nhiều loại giấy bạc có tuổi đời cả trăm năm. Lịch sử tiền giấy Việt Nam bước vào giai đoạn mới khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta. Để ổn định tiền tệ ở xứ thuộc địa, người Pháp cho phát hành đồng Đông Dương (từ năm 1885 – 1954). Tiền Đông Dương lúc này được chia thành các đơn vị piastre, cent/centime và sapèque.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Mặt trước của các tờ tiền giấy hoặc tiền kim loại Đông Dương ghi bằng tiếng Pháp, mặt sau ghi bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Lào và chữ Khmer; song cũng có lúc chỉ ghi chữ Pháp.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Tờ tiền Đông Dương 5 piastre lưu hành năm 1900 là một trong những giấy bạc lâu đời nhất được trưng bày tại triển lãm.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Đồng bạc Đông Dương mệnh giá 20 piastres lưu hành năm 1942-1945 có in hình Kỳ Đài và cửa chính phía Nam Kinh Thành Huế.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Sau năm 1945, người Pháp tái chiếm Đông Dương, do tình hình xáo trộn nên mãi những năm 1947 mới phát hành những đồng tiền mới. Đến năm 1952, Viện phát hành quốc gia Việt – Miên – Lào đảm nhận phát hành mẫu tiền giấy riêng cho mỗi nước nhưng có giá trị khắp ba nước. Chân dung Quốc trưởng Bảo Đại xuất hiện trên một số tờ tiền thời kỳ này.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phát hành giấy bạc Việt Nam trên toàn quốc nhằm khẳng định chủ quyền độc lập, bảo đảm nguồn lực tài chính, phục vụ sản xuất, chiến đấu (còn gọi là “giấy bạc tài chính”), phát hành từ năm 1945 – 1951 ở vùng tự do Bắc và Trung bộ, gồm cả tiền giấy và tiền kim loại. Tiền giấy bạc tài chính của cách mạng do các họa sĩ nổi tiếng vẽ: Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Huyến, Mai Văn Hiến, Bùi Trang Chước, Lê Phả, Huỳnh Văn Gấm… nên mỗi tờ tiền là một bức tranh nghệ thuật mô tả nội dung cần truyền tải về con người, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Việt Nam.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Trong số các hiện vật của nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành, giá trị hơn cả là ba tấm khuôn đúc tờ giấy bạc tài chính giai đoạn 1947-1948. Trong ảnh là khuôn đúc của tờ hai mươi đồng và hình ảnh thực tế tờ tiền khi in bằng khuôn này.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Ở Nam Bộ, do tình hình chiến sự với Pháp lan nhanh nên một số vùng căn cứ kháng chiến từ năm 1947 được lưu hành giấy bạc riêng, chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, Nam Bộ còn lưu hành phiếu tiếp tế các loại 1, 5, 10 đồng.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Đầu 1948, tại Nam Bộ, Pháp ra lệnh cấm lưu hành giấy bạc Đông Dương 100 đồng cũ và tung giấy bạc mới để thu đổi và thu hồi các loại giấy bạc nhỏ từ vùng tự do để gây khó khăn cho nơi này. Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã chủ trương đóng thêm dấu của Ủy ban lên tờ bạc để tiện quản lý, đồng thời còn đóng những khẩu hiệu của cách mạng vào chính giữa hoặc các góc tờ giấy bạc. Do đó, Pháp không thể thu hồi các tờ bạc này để sử dụng ở vùng họ chiếm đóng.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Sau hiệp định Genève năm 1954, Ngân hàng quốc gia Việt Nam đã thu hồi tiền tệ đang lưu hành tại vùng giải phóng, các loại giấy bạc tín phiếu, giấy bạc Nam Bộ… Trong ảnh là mặt trước và sau của tờ năm hào và một đồng lưu hành năm 1958. Sau ngày thống nhất đất nước, 1975 nhà nước phát hành tiền mới, thu đổi tiền cũ ở cả hai miền, thống nhất tiền tệ toàn quốc, đánh dấu thời kỳ phát triển mới trong tiền tệ nước ta.
tien-giay-viet-nam-hon-100-nam
Anh Nguyễn Thanh Lâm, ngụ quận Tân Phú, TP HCM chăm chú ngắm và đọc kỹ chú thích của từng tờ bạc Đông Dương. “Tôi cũng mê sưu tập tiền cổ nên tới triển lãm tham quan, mở rộng thêm kiến thức. Tôi thích thú nhất là những tờ tiền Đông Dương thời Pháp thuộc, không chỉ phong phú mệnh giá mà còn có giá trị về lịch sử”, người đàn ông 30 tuổi cho biết. Triển lãm còn giới thiệu những văn bản phát hành, thu hồi tiền một số thời kỳ; mẫu tiền giả ngày xưa, tiền của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giấy bạc của chính quyền Sài Gòn và kể cả tiền polymer hiện nay… để người xem có cơ hội khám phá tiền giấy Việt Nam. Hoạt động diễn ra đến ngày 31/3/2021.

Quỳnh Trần

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/tien-giay-viet-nam-hon-100-nam-truoc-4197148.html

Cùng chuyên mục