Tiền đề cho tương lai
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới 26/5/2009 – 26/5/2019, đã có những cuộc nhìn nhận, trao đổi, hội thảo nhằm định hướng cho sự phát triển bền vững tiếp theo của hòn đảo này.
Mười năm miệt mài
Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của Unesco đã công nhận Cù Lao Chàm, Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới với những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Danh hiệu trên, là sự ghi nhận của thế giới về những nỗ lực hướng đến sự phát triển bền vững của người dân và chính quyền địa phương. Tại vùng lõi, trong vòng 10 năm qua, Cù Lao Chàm đã trở thành điểm sáng trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên của cả nước và hơn 600 khu sinh quyển trên thế giới thực hiện thành công mô hình “Nói không với túi ni long” vào năm 2018. Và cũng tại năm ngoái, Cù Lao Chàm đã phát động phong trào “Nói không với ống hút nhựa”. Bên cạnh đó là các mô hình phục hồi san hô, chuyển vị rùa biển…
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, nên quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Cù Lao Chàm trở nên suôn sẻ. “Sau 10 năm trở thành vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cơ cấu kinh tế xã đảo đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng du lịch – dịch vụ. Năm 2009 Cù Lao Chàm chỉ đón hơn 15 nghìn lượt khách, thì trong năm 2018 tổng lượt khách quan đảo đạt hơn 415 nghìn người” – bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết.
Đồng thời, vị chủ tịch xã đảo này cũng chia sẻ rằng, nhờ gắn bảo tồn với phát triển, nên đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Từ năm 2015 xã đảo đã không còn người nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42 triệu đồng.
Còn đó nỗi lo
Rõ ràng, sau 10 năm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, hòn đảo này vẫn đang còn đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức mà nếu người dân, chính quyền và những người làm công tác bảo tồn không đủ tỉnh táo để đối diện và giải quyết thách thức, rất có thể thành quả đạt được 10 năm qua sẽ không còn.
Tại buổi tọa đạm “Bảo tồn để phát triển, phát triển cho bảo tồn” vào chiều qua 25/5, ông Lê Ngọc Thảo – Trưởng ban Thư ký Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đã xác định ngay những vấn đề mà Cù Lao Chàm đang phải đối mặt: nguồn nước bị ô nhiễm từ hoạt động dân sinh, các công trình xây dựng, ảnh hưởng từ lưu vực sông và các dòng hải lưu ven bờ; áp lực từ du lịch; sự bất cập, chưa hòa hợp giữa các mục tiêu chiến lược của thành phố trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng khiến vùng sinh cư của các loài bị thu hẹp; tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên và các giá trị của khu sinh quyển.
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khu dự trữ sinh quyển phải được tiếp cận ở một hướng mới, đó chính là cách tiếp cận không gian. “Nghĩa là chúng ta quản lý theo không gian, phân chia những chức năng khác nhau trong chuỗi các mối liên kết. Tức là độc lập nhưng không cô lập mà phải tương tác nhau” – PGS.TS Chu Hồi lý giải.
Còn ông Nguyễn Sự – nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, dù bảo tồn hay phát triển thì mục tiêu cuối cùng người dân phải được hưởng lợi. Do đó, việc bảo tồn phải gắn với phát triển, khu nào có thể khai thác du lịch thì sẽ khai thác, khu nào bảo tồn vẫn cứ bảo tồn. Khi người dân được hưởng lợi sẽ quay lại cùng gìn giữ bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái Cù Lao Chàm cùng với các nhà bảo tồn.
Đồng tình với ý kiến trên, các chuyên gia cho rằng với những gì mà Cù Lao Chàm đã đạt được trong 10 năm qua, mới chỉ là tiền đề cho tương lai. Và để Cù Lao Chàm tịnh tiến trên con đường phát triển bền vững, thì phải cần nỗ lực nhiều hơn nữa!
An Vĩnh