Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Thay đổi tư duy sản xuất cũng như tìm cách gia tăng đầu tư vào nông nghiệp được xem là phương cách để thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Thiếu đầu tàu

Ông Lê Muộn – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, ngành nông nghiệp Quảng Nam lâu nay mới chỉ sản xuất theo thời vụ. Đây chính là tồn tại được Sở NN&PTNT đánh giá về nhiệm vụ và mục tiêu của ngành trong 5 năm (từ 2016 – 2020). Dù có nhiều chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 3,5%/năm, nhưng cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch còn chậm, liên kết chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ còn rất yếu dẫn đến khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản thấp. Quảng Nam có rất nhiều sản vật quý, nhưng ngoại trừ sâm Ngọc Linh được đánh giá thành công khi thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, thì hầu hết đặc sản khác dẫu có tiếng vẫn chưa được đầu tư tương xứng. Chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm đang có được hiệu ứng khá tốt, tuy nhiên để trở thành những sản phẩm cho chiến lược kinh tế phát triển vẫn còn một quãng đường khá dài.

Ông Dương Văn Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng (Bạc Liêu), người nổi tiếng với thương hiệu tôm giống Dương Hùng được Quảng Nam tin tưởng và mời về làm cố vấn để phát triển ngành thủy sản, cho biết: “Ngành thủy sản của Quảng Nam sẽ thành công khi tổ chức phân khu sản xuất, không lẻ tẻ, mạnh ai nấy làm. Nghĩa là cần phải có tổ chức. Cần sự đồng tình giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tôi nghĩ Quảng Nam có tiềm năng về thủy sản vô cùng lớn, nhưng vẫn chưa giàu vì chưa có doanh nghiệp đứng ra làm giàu”.

phat-trien-nong-nghiep-ben-vung
Ngoài việc tăng năng suất, ngành nông nghiệp Quảng Nam cần tính toán việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Nông dân Phú Ninh thu hoạch lúa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Không chỉ thủy sản đang gặp phải tình trạng mạnh ai nấy làm, mà theo nhận xét của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện nay ngành nông nghiệp Quảng Nam sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, chưa có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mang tính động lực làm các cụm liên kết phát triển từng ngành.

Ở khía cạnh khác, khi đã có doanh nghiệp đứng ra kết nối thì ngược lại, người dân không muốn cùng doanh nghiệp phát triển. Ông Đoàn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, tại hội thảo phát triển nông nghiệp bền vững hồi cuối năm 2019 đã chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp mình đang gặp phải lúc đó: “Phát triển rừng và lâm nghiệp phải có doanh nghiệp chế biến. Nan giải là nguyên liệu đầu vào không đảm bảo sản xuất, gỗ không đạt chất lượng, sản xuất khó khăn. Nhìn nhận được điều này, chúng tôi tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn. Qua 2 năm, chúng tôi thấy được khó khăn, bao gồm tập tính trồng rừng gỗ nhỏ của người dân để thu hoạch nhanh, mật độ trồng rừng lại khá dày. Do vậy, công ty đã thành lập công ty gỗ chuyên về nông nghiệp trồng trọt, tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho người dân nhưng lại ít thu hút người dân”.

Đã có lúc, tỉnh vận động giao rừng cho dân trồng nhưng không ai làm. “Để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn cần làm mô hình để người dân thấy được hiệu quả. Hiện công ty xúc tiến ươm giống để cung cấp cho người dân. Và chúng tôi cần sự vào cuộc của sở ngành để thay đổi ý thức của người dân” – ông Hùng nói.

Thay đổi tư duy sản xuất

Sản xuất nông nghiệp của Quảng Nam nhất thiết phải thay đổi về tư duy. Đây là quả quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khi được hỏi về việc xác định phát triển một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.

“Từ tư duy thay đổi về cách làm. Lâu nay chính quyền tỉnh, các cơ quan tổ chức chỉ mới làm những nội dung cơ bản nhất của ngành nông nghiệp, đó là hướng dẫn tổ chức sản xuất thời vụ, phòng chống dịch bệnh… Nhưng muốn đi vào nền sản xuất hàng hóa, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững, thì cách làm như vậy là chưa đủ. Trước hết phải đánh giá thực trạng, tiềm năng lợi thế và những hạn chế, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của Quảng Nam ở từng lĩnh vực như lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi trồng trọt thủy sản… Từ những đánh giá và phân tích, chúng ta mới có cơ hội để tìm cho được những nhà đầu tư lớn, sau đó phối hợp với người ta làm việc với chính quyền và nhân dân tại địa phương – nơi có khả năng phát triển nguồn nguyên liệu tại những cơ sở sản xuất đó và cùng nhau hoạch định phương án, kế hoạch triển khai” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cần phải hoạch định rõ ngay từ đầu và xác định được đầu tư ở khu vực này thì nên sử dụng giống gì, nguồn nguyên liệu phát triển ở đâu, cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp nông dân và các hợp tác xã (HTX) như thế nào, kế hoạch lộ trình về phát triển nguồn nguyên liệu gắn với nhà máy theo chuỗi giá trị gia tăng ra sao, sau đó có chính sách bảo đảm về thu mua, tiêu thụ, thị trường…

“Tất cả vấn đề đó phải được doanh nghiệp đứng ra làm việc với các HTX, với nông dân tham gia chuỗi sản xuất. Nhà nước đứng ra làm vai trò kết nối, hỗ trợ, tạo ra các chính sách để bổ sung vào mối quan hệ gắn kết này bền chặt hơn” – ông Lê Trí Thanh gợi ý.

Ngoài câu chuyện thiếu doanh nghiệp đầu tư, theo các nhà chuyên môn, Quảng Nam bị ảnh hưởng thường xuyên bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, do đó nền nông nghiệp trong tương lai phải tính đến những phương thức canh tác, hình thức tổ chức sản xuất thích ứng được với mọi điều kiện về tự nhiên. Đồng thời định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt, các vệ tinh là HTX, tổ hợp tác… Bên cạnh đó cần chú trọng đến chất lượng và thị trường.

“Quan trọng nhất của kinh tế hàng hóa bây giờ là giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Ở những vùng nào không phù hợp trồng lúa thì phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, có giá trị cao hơn, phát triển bền vững hơn. Nhưng cũng không được để cho người dân tự phát, mà phải được tổ chức sản xuất trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp, gắn với thị trường. Phải tính theo giá trị của các loại hình canh tác khác mà thích nghi giá trị, gắn với thị trường theo nhu cầu của doanh nghiệp” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói thêm.

Tận dụng lợi thế, tiềm năng địa phương đang sở hữu nhằm thu hút và tạo điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp đầu tư mới mong đạt hiệu quả khi xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tương lai.

Phát huy lợi thế du lịch nông nghiệp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, du lịch nông nghiệp là một lợi thế của Quảng Nam. Hiện nay đã có nhiều mô hình được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, từ đô thị cổ Hội An cho đến đồng bằng, miền núi. Để loại hình này phát triển sâu hơn, thứ nhất trong xây dựng nông thôn mới cần phải tính toán đảm bảo cảnh quan môi trường và các thiết chế văn hóa, điều kiện tự nhiên khác phục vụ khách du lịch. Thứ hai, phải khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp du lịch gắn kết với các tổ chức sản xuất nông nghiệp để phát triển các tour du lịch về các vùng nông thôn. Lãnh đạo tỉnh đã đề nghị tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh làm việc với các địa phương để nghiên cứu về các mô hình du lịch nông thôn, phát triển du lịch cộng đồng. Mục đích là nông dân trực tiếp liên kết sản xuất, tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp, nhưng đồng thời cũng hưởng lợi từ việc doanh nghiệp đưa khách tới đây để tham quan các mô hình hoạt động sản xuất do chính họ tạo ra. Để thực hiện tốt việc này cần phải có sự chia sẻ lợi ích một cách hài hòa nhất giữa doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp, người dân.

Lê Quân – Văn Sự

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-93135.html

Cùng chuyên mục