Đô thị cho mai sau

Các đô thị ở Quảng Nam dù là đô thị “cổ” hay “trẻ” đều ít nhiều vẫn còn lưu giữ được giá trị cốt lõi của làng. Những yếu tố này là mảnh ghép quan trọng cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đồng thời thiết lập bản sắc đặc trưng cho hệ thống đô thị tại địa phương.

do-thi-cho-mai-sau
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: Q.T

Cần duy trì nông nghiệp đô thị

Các đô thị trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn ở quy mô vừa và nhỏ. Dù vậy, đô thị vừa và nhỏ vẫn có lợi thế riêng nếu định hướng tốt trong việc cạnh tranh ở góc độ một đô thị trung bình. Theo TS.Nguyễn Ngọc Hiếu (Học viện Hành chính quốc gia), cảnh quan sinh thái, chất lượng cuộc sống, nét văn hóa ứng xử bản địa là những “tài sản” mà đô thị nhỏ có lợi thế lớn để xác lập tính cạnh tranh cho mình. Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và hầu hết các thị trấn, thị tứ khác vẫn còn duy trì được “quỹ” cảnh quan sinh thái, diện tích đất nông nghiệp đang khai thác tương đối hiệu quả nên cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng dư địa này.

Nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua là một giải pháp mới mẻ với một số mô hình phát triển thử nghiệm, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng độ hiệu quả bởi theo phản hồi từ một số chủ thể khởi nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu cao cộng với rủi ro từ thời tiết khắc nghiệt khiến hiệu quả thu được không như mong đợi. Nông nghiệp công nghệ cao có thể là một hướng mở với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào Quảng Nam, còn với quy mô kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc duy trì, phát triển nông nghiệp đô thị trên nền tảng các sản phẩm bản địa đã xác lập được thương hiệu là một lối đi hợp lý. Quật, hoa cây cảnh, rau củ quả… ở các đô thị trên địa bàn tỉnh là những sản phẩm nông nghiệp đã tạo được uy tín với thu nhập bình quân ở nhiều khu vực lên đến vài trăm triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu nhập lớn vượt trội so với phần lớn mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống tại nông thôn và bền vững hơn thay vì chuyển đổi mục đích phục vụ cho các loại hình sản xuất phi nông nghiệp tại đô thị.

do-thi-cho-mai-sau
Nông nghiệp đô thị sẽ nâng cao giá trị nhiều lần nếu kết hợp cùng phát triển du lịch.

Hiện nay, tại 3 đô thị chính của Quảng Nam là Tam Kỳ, Hội An và vùng nội thị Điện Bàn còn hơn 10.000 ha đất nông nghiệp. Đây là những “tài sản” quý cần được chắt chiu để khai thác một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trước cơn lốc đô thị hóa và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động vẫn có nhiều diện tích đất nông nghiệp đô thị chưa mang lại giá trị kinh tế như mong muốn. Tùy theo lợi thế của mỗi đô thị, có thể nghiên cứu chuyển đổi các mô hình sản xuất hợp lý khác để duy trì được “tài sản” quý giá này. Theo ông Nguyễn Sơn Thủy – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện nay tại TP.Hội An có một số diện tích đất nông nghiệp manh mún bị người dân bỏ hoang do sản xuất không hiệu quả, các đơn vị làm du lịch tại địa phương đang muốn kết nối để kết hợp với nông dân tạo ra thu nhập kép từ việc tạo ra các sản phẩm du lịch trên diện tích đất nông nghiệp đô thị này.

Phục hồi làng nghề, tiểu thủ công nghiệp “xanh”

Không phủ nhận thực tế hầu hết làng nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp khó về đầu ra sản phẩm và nguồn nhân lực, khó lòng cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp cùng loại. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đặc sắc cũng qua thời hoàng kim và lay lắt tồn tại. Phục hồi một cách có chọn lọc các loại hình sản xuất mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa này tại khu vực đô thị là giải pháp khả thi và cơ sở để “nương” vào chính là du lịch và OCOP. Thị trường tiêu thụ tại chỗ mạnh ở đô thị cùng với lượng du khách đông đảo, nhất là ở Hội An là những lợi thế khác biệt của làng nghề cùng hoạt động TTCN ở đô thị so với khu vực nông thôn nên cần được quan tâm đúng mức hơn.

do-thi-cho-mai-sau
Các làng nghề tại khu vực đô thị có tiềm năng phát triển hơn do có lợi thế thị trường và dễ dàng tiếp cận được khách du lịch. Ảnh: Q.T

Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, các hoạt động TTCN từng một thời phát triển rất mạnh tại Hội An và nên chăng cần một chiến lược hợp lý cho sự tái phát triển một số ngành bởi không những giúp được trước mắt cho lao động địa phương mà lâu dài còn là nguyên liệu tạo nên sản phẩm du lịch cao cấp. “Khi chúng ta sống được với nghề, du lịch là giá trị tăng thêm vô cùng lớn chứ không phải bỏ nghề để làm du lịch và rơi vào tình huống hơn 70% lao động du lịch thất nghiệp do rủi ro dịch bệnh như hiện nay” – ông Phan Xuân Thanh nói.

Hiện nay, cộng đồng dân cư ở 3 đô thị Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn còn duy trì được 12 nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống khác nằm rải rác ở các thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm thuộc các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngoài ra, một đầu mối thuận lợi để các đơn vị có nhu cầu phát triển tập trung các loại hình sản xuất này là cụm làng nghề TTCN – thủ công mỹ nghệ Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn). Đây là “cụm công nghiệp” làng nghề duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay với diện tích theo quy hoạch khoảng 7,3ha. Tuy nhiên, số dự án hiện đã đầu tư vào đây vẫn còn rất ít và cần thêm cơ chế khuyến khích, thu hút để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lấp đầy “cụm công nghiệp” đặc thù này.

Ứng xử với khu vực bán đô thị

Là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa dưới mức trung bình so với cả nước (mới đạt khoảng 34,3% so với 40% của cả nước) nên thời gian qua một số khu vực nông thôn, bán đô thị trên địa bàn tỉnh đang được quy hoạch, đặt mục tiêu nâng cấp, phát triển thành các khu đô thị mới trong tương lai gần. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình tịnh tiến xã hội, tuy nhiên cũng cần có sự cân nhắc, phát triển có chọn lọc để tránh lặp lại những hạn chế từ các đô thị đi trước. PGS-TS.Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: “Để đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái của xứ Quảng từ núi Chúa trên thượng nguồn qua Cửa Đại của Hội An tới Cù Lao Chàm với lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, đã đến lúc phải suy nghĩ tới vấn đề quy hoạch xây dựng thêm đô thị mới mang tính trung gian nhằm giảm thiểu áp lực phát triển cho các đô thị hiện hữu ở cả ba mặt đất đai, dân số và sinh thái”.

Việc phát triển các đô thị mới trong tương lai như Núi Thành, Duy Hải – Duy Nghĩa (Duy Xuyên)… cùng nhiều khu vực bán đô thị tại Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn cần đảm bảo sự hài hòa giữa tạo dựng diện mạo đô thị và chất lượng cuộc sống của cư dân và cả việc định hình cho mình bản sắc đặc trưng riêng biệt. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Bá Tú, đơn cử ở trường hợp của đô thị trẻ là Điện Bàn, so với các đô thị khác trên địa bàn tỉnh cần phải xác định được Điện Bàn sẽ là đô thị trung tâm về lĩnh vực gì trong tương lai. Ví như Tam Kỳ là trung tâm chính trị – hành chính, Hội An là trung tâm văn hóa – du lịch…  Với dự tính phát triển cơ học 5 xã dọc quốc lộ thành phường trong thời gian tới thì tỷ lệ đô thị hóa của Điện Bàn sẽ đạt đến 63% – một con số ấn tượng, tuy nhiên điều quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng, nền tảng đô thị.

Hiện nay, các khu vực bán đô thị trên địa bàn tỉnh là nơi còn duy trì được nhiều tư liệu sản xuất, tài nguyên văn hóa, cảnh quan tự nhiên vô cùng phong phú, đặc sắc nên trong quá trình đô thị hóa cần có sự thận trọng trong việc ứng xử với nguồn “tài nguyên” này; bởi một khi chúng bị tác động, chuyển đổi thì công tác phục hồi, bảo tồn sẽ vô cùng gian nan. Đó có thể là con lạch nhỏ hiền hòa, cánh đồng lúa bao la hoặc thậm chí là làng chài tồn tại qua nhiều thế kỷ. Càng giữ lại được nhiều nhất có thể nguồn “tài nguyên” này trong quá trình chuyển đổi thì về sau này tự thân các đô thị sẽ tạo ra sức hút riêng và góp một phần vào việc định vị giá trị đặc trưng cho hệ thống đô thị xứ Quảng.

Quốc Tuấn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/giao-thong-xay-dung/do-thi-cho-mai-sau-92803.html

Cùng chuyên mục