Thành tỉnh Quảng Nam xưa trong ký ức người nay

Trung tâm hành chính huyện Điện Bàn ngày nay được bao bọc bởi hồ sen trên khu đất có hình móng rùa với ba lối vào từ hướng Đông, Tây và Bắc. Đó chính là nơi tọa lạc của Thành tỉnh Quảng Nam xưa, một cơ quan hành chính quan trọng về chiến lược quân sự, thủy bộ của vua quan triều Nguyễn. Một Thành tỉnh đồ sộ chỉ còn ít dấu vết và những lược ghi trong sử sách cùng những ký ức của các vị cao niên làng La Qua…

Thành tỉnh Quảng Nam xưa
Thành tỉnh Quảng Nam xưa

Theo sử sách, dưới thời các chúa Nguyễn, Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm), do các con trai 9 đời chúa Nguyễn thay nhau cai quản trong suốt thời gian trị vì ở xứ Đàng Trong. Sau một vụ cháy lớn xảy ra  tại Dinh trấn Thanh Chiêm và những cuộc giao tranh giữa quân Chúa Nguyễn và quân Tây Sơn, giữa quân Tây Sơn và Chúa Trịnh Dinh trấn bị phá hủy. Sau khi vương triều Nguyễn được thiết lập, năm Minh Mạng 14 (1832) dời trụ sở đến làng La Qua đổi thành Thành tỉnh Quảng Nam, thuộc huyện Diên Phước nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (còn gọi là Thành La Qua).

Thành có chu vi 489 trượng, xung quanh có hào rộng 4 trượng 5 thước, sâu 7 thước linh, thành cao 1 trượng 2 thước linh được đắp bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 16, thành xây dựng lại bằng gạch, theo mẫu thiết kế Vauban, cố vấn Pháp do Bá Đa Lộc đưa sang giúp Gia Long.Tường thành xây cao khoảng 4m, dày 0,9m, bằng gạch có kích cở to so với gạch ngày nay, chiều dài 19cm, rộng 13,5cm, dày 6cm, và gia cố thêm bên trong bờ tường một lớp đất dày khoảng 0,8m theo kiểu taluy, mặt trên bờ thành vừa đất và gạch rộng khoảng 1m7, người, ngựa có thể đi lại trên đó được.

Theo ông Lê Châu Miên (Mười Phú), kể lại: lúc còn nhỏ, khi đi học ông thường cùng bạn bè đi trên dọc trên bờ thành, đi hai người thì vừa, còn đi ba người mà đùa nghịch nhau thì sẽ bị ngã xuống thành. Bốn góc thành nhô ra kiểu chân rùa. Đặc biệt bốn cổng Thành đều giống nhau, rộng trên 3m5, làm bằng gỗ lim rất dày và kiên cố.Bên cạnh mỗi cửa là một đống đất to, dùng để đắp vào cửa khi có lũ lụt không cho nước vào thành. Cửa  cách cửa 500m. Cạnh cách cạnh 700m. Phía trên có vọng lâu cao khoảng 3m5.

            Đông Môn (cửa Tả) lối lưu thông bình thường

            Tây Môn (cửa Hữu, lối lưu thông bình thường

            Nam Môn (của Tiền), chỉ mở khi nhà vua đi tuần du, cho nên trong dân gian có câu: Nam vô Tiền – Ngãi vô Hậu (Quảng Nam không có cửa Tiền, Quảng Ngãi không có cửa Hậu).

            Bắc Môn: (cửa hậu) sử dụng khi đưa tù nhân hành án, quan lại cho đây là cửa tử, nên kiêng cử không đi cửa này.

Từ Nam môn đi vào là Kỳ đài, có một ụ đất  hình thang cao 2m5, mỗi cạnh phía trên là 4m, phía dưới là 5m5, phía bên được xây gạch 1m, làm thành ba cấp đi lên, chính giữa có một trụ cờ, có từng nấc để leo lên treo cờ. Cờ màu vàng, có hình con rồng gọi là cờ Long Tinh của triều Nguyễn, sau này đổi thành cờ cũng màu vàng nhưng phía trên góc trái có ba sọc xanh đậm, trắng, đỏ, gọi là cờ bảo hộ.Tiếp đến là sân Triều yết, có 18 bia ở giữa (kích thước bia bằng nhau, cao khoảng 0m8 tính cả đế), được khắc phẩm hàm của từng cấp, từ nhất phẩm trở xuống, mỗi cấp có Chánh nhất, Tùng nhất, chia ra làm hai bên, quan văn đứng bên tả, quan võ đứng bên hữu.

Ông Phú còn kể, bạn bè cha ông có người làm quan, nên có kể cho ông nghe câu chuyện thú vị. Đó là một ngày yết triều, khi các quan đã đứng vào vị trí của mình, vô tình quan Án sát (Tứ phẩm) làm rơi chiếc mũ, ông cúi xuống nhặt lên thì bị quan Bố chánh (Tam phẩm) quở trách là có thái độ không nghiêm, coi thường buổi lễ. Có tiếng xì xào nên cụ Lớn bước đến, thấy chuyện nhỏ mà quan Bố chánh làm nghiêm trọng, vốn thân với quan Án sát lại không ưa gì quan Bố chánh, nên quan Chánh tổng (hay còn gọi là Chánh Mười), đứng phía sau liền lên tiếng nói: Bẩm cụ lớn, quan Bố chánh đứng trước quan Án sát, tại sao ông ta lại thấy mũ của quan Án sát rơi ạ! Như vậy ai là mới không nghiêm. Lúc này quan Bố chánh mới chịu im tiếng…

Đi qua sân Triều yết là Hành cung. Nơi đây dùng để đón rước khi nhà vua đi tuần du hoặc vào những ngày lễ Vạn Thọ, Tết nguyên đán, ngày Gia Long phục quốc mùng 2 tháng 5…Những ngày đại lễ các quan lại, viên chức trong tỉnh phải tập trung về đây làm lễ. Các quan mặc áo thụng xanh, đội mũ cánh chuồn nếu là quan văn, quan võ tay cầm một đoạn gỗ ngắn màu trắng (còn gọi đoạn hốt), tượng trưng cho quyền hành của mình, các quan đứng xếp hàng theo phẩm trật triều đình, mặt quay về hướng Bắc.

Tuy tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Đình Đằng vẫn nhớ rất rõ cách bố trí các phòng làm việc tại Thành La Qua.

Cách Hành cung khoảng 200m về phía Đông là Đốc Bộ Đường, dinh thự quan Tổng đốc, phía Tây là Dinh thự Bố chánh sứ. Song song với Dinh thự quan Tổng đốc (về phía Bắc) là Dinh thự quan lãnh binh và trại lính. Nơi đây, vào ngày 12/05/1993, khi đào móng xây cơ quan thuế, nhân công đã phát hiện 8 khẩu súng thần công và 32 loại đạn súng thần công với các kích cở, hình dáng khác nhau (hiện vật này đang lưu giữ tại Bảo tàng huyện). Song song với dinh thự quan Bố Chánh (về phía Bắc) là Án sát. Và các phòng như Ty Phiên, Ty niết (hai Ty này đến năm 1940 đổi thành Văn phòng), nhà lao, trại lính coi nhà lao, gia cư các viện chức, trại lính đồn trú,  trạm lính canh.

Bao quanh phía ngoài bờ thành là một khoảnh đất rộng 5m, dân cư canh tác rau màu. Và có bốn ngôi miếu, riêng ngôi miếu ở cửa Hậu, năm 1912, được sự đồng ý của chính quyền bảo hộ thực dân và chính phủ Nam triều, Tỉnh Đường cho phép lấy miếu ở của Hậu để lập đình làng Kim Thành, có lý hương riêng, phía trước đình có câu:

“Liên hiệp tứ khuông thành đại xã

Chỉnh tu cựu miếu hoán tân đình”

do cụ Trần Cao Vân xướng tự. Còn miếu dời ra phía ngoài cách đình khoảng 200m. Ở cửa Hữu có một gò bắn (nay thuộc xã Điện Minh) để binh lính tập bắn súng.

Năm 1942, thực dân Pháp cho lấp bớt hào để trồng sen, nên hào bao bọc không rộng và sâu như lúc ban đầu. Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Thành tỉnh Quảng Nam đã bị phá hủy.

Khu Thành tỉnh Quảng Nam được Ủy ban nhân dân huyện trích 43.200m đất để lập hồ sơ di tích và được Ủy ban nhân tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích cấp tỉnh. Cũng trên khu vực đất này, năm 1978, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà bảo tàng huyện với kinh phí xã hội hóa, được nhân dân toàn huyện nhiệt tình ủng hộ, để lưu giữ, trưng bày những hiện vật lịch sử văn hóa của Điện Bàn. Năm 2007, Huyện ủy có chủ trương trùng tu nâng cấp mới Nhà bảo tàng với tổng kinh phí hơn 20 tỷ, đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang tổ chức trưng bày phòng lịch sử Điện Bàn và các phòng chuyên đề như phòng Sa Huỳnh, Champa, Tuồng, Điện Bàn trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Kết hợp với không gian bên ngoài là khu vườn tượng danh nhân, khu làng nghề, nhà cổ, khu thể thao, khu vui chơi và các dịch vụ khác…

280 năm đã qua, những câu chuyện của thành xưa sẽ dần bị xóa nhòa khi các vị cao niên của làng La Qua lần lượt ra đi. Tài liệu và Thành tỉnh Quảng Nam cũng rất kham hiếm. Một thông tin đáng mừng cho người dân Điện Bàn và tất cả những ai mang nỗi niềm về thành cũ dấu xưa, Huyện ủy Ủy ban nhân dân huyện dự kiến tái hiện lại cửa Tiền và một đoạn thành.

Một góc Thành tỉnh Quảng Nam xưa hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn chào đón bước chân du khách khi đến nghiên cứu, thưởng ngoạn vùng quê Điện Bàn.

UBND Điện Bàn

Theo dienban.gov

 

Cùng chuyên mục