Thăm rừng lộc vừng hơn trăm năm tuổi
Để có hơn 5.000 gốc mưng tuổi đời hơn 100 năm như hiện tại, dân làng Siêu Quần không ít lần từ chối nhiều món lợi khổng lồ.
Từ trung tâm TP. Huế đi theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, khi đến gần cầu Mỹ Chánh, bạn rẽ trái thêm gần 10km, rồi men theo nhánh sông Ô Lâu (ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị) để đến làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ngôi làng mộng mơ nổi tiếng khắp xứ Huế do được bao bọc bởi rừng lộc vừng cổ thụ với ba hàng cây xanh mướt chạy dọc cánh đồng.
Hiếm có miền quê nào trên đất nước Việt Nam như làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) còn giữ nguyên rừng lộc vừng có lịch sử hơn trăm năm tuổi bao bọc quanh làng. Câu chuyện về “một đời người, một rừng cây” luôn gắn liền với bản ngã sinh tồn của những con người sinh ra, lớn lên từ mảnh đất này.
Còn cây còn làng
Trong tiết trời oi bức, tôi về khu rừng lộc vừng (còn gọi là cây mưng) có một không hai ở làng Siêu Quần, xã Phong Bình. Khác hẳn cái nóng khó chịu của tiết trời đầu hè, vừa bước vào làng tôi đã cảm nhận được cảm giác mát mẻ tỏa ra từ hương lộc vừng. Làng Siêu Quần thuần nông, nằm cách TP. Huế hơn 40km vốn nổi tiếng về rừng mưng cổ thụ.
Cây ở đây to cỡ một, hai người ôm, hình thế rất đẹp, thân xù xì nối tiếp nhau tạo thành quần thể vòng cung ôm trọn ngôi làng. Dưới những tán lộc vừng xanh ngắt, bên đám ruộng xanh non đang vào mùa lúa trổ, đám trẻ chăn trâu ngồi thổi sáo, chơi đùa… bình yên đến lạ.
Ông Nguyễn Ngọc Tình, trưởng làng Siêu Quần, bộc bạch: “Dân ở đây giàu hay không thì tui chưa dám nói, chứ mùa nắng mà chạy ra đầu làng mắc võng nằm đu đưa giữa cơn gió đồng mát rượi thì khó có chỗ nào hơn chỗ ni”. Tưởng rằng ông trưởng làng “nói quá”, nào ngờ dân phố về quê ngắm mưng như tôi cũng ngạc nhiên khi biết cả làng Siêu Quần chỉ vỏn vẹn 220 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu mà bao quanh có đến 20ha cây lộc vừng, chiếm 1/5 diện tích đất tự nhiên của làng. Trong đó, hàng ngàn cây có tuổi đời từ 100 – 200 năm.
Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh làng, ông Nguyễn Ngọc Tình không ngớt tự hào về rừng mưng đặc biệt. Kể về lịch sử của rừng mưng, ông Tình rành rọt: “Làng Siêu Quần xưa kia thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Các bậc tiền bối xưa trồng những cây mưng tổ trên đất chùa của làng. Sau khi đắp đê ngăn mặn, nhận thấy cây này có những đặc tính hợp với thổ nhưỡng, họ quyết định chọn giống trồng đại trà trên những con đê để giữ đất, chắn sóng…”.
Tôi theo chân ông Tình, ông Lê Kỳ Thanh – Hội chủ (người chuyên lo nghi lễ, tế tự) làng Siêu Quần – ra con đê bên đồng ruộng làng. Hầu như bao bọc những ngôi nhà bê tông đều là những hàng mưng cổ thụ chạy dọc bờ ruộng, đường dẫn vào làng.
Để có hơn 5.000 gốc mưng tuổi đời hơn 100 năm như hiện tại, dân làng Siêu Quần không ít lần từ chối nhiều món lợi khổng lồ. “Mấy năm trước cũng vào thời gian này, nhiều đại gia từ trong Nam kéo về làng hỏi mua mưng cổ thụ làm biệt thự vườn. Có người còn trả giá hơn 50 tỷ đồng để mua hết rừng mưng của làng nhưng Hội đồng Tộc trưởng cùng bà con quyết không bán. Dân làng Siêu Quần yêu quý rừng mưng như hơi thở, sự sống của chính mình. Bà con tâm niệm hễ còn cây là còn làng”, ông Thanh tâm đắc.
Ông Thanh cùng ông Tình đưa tôi đến thăm “lão mưng” nằm ở cuối làng, “bật mí” những điều được ghi trong hương ước. Cụ thể hương ước làng quy định: ai chặt hoặc đào bán mưng sẽ bị phạt 500.000 đồng, bị nêu tên trên loa phát thanh xã, đồng thời phải có mâm cau trầu rượu đem ra trước đình làng quỳ lạy tạ lỗi với dân làng. “Điều này nhằm nói rằng nếu không có rừng cây, không có bóng mát, làng quê sẽ mất đi sự yên bình. Giờ Siêu Quần đã có rừng mưng nổi tiếng thì phải giữ gìn, phải vận động bà con trồng thêm cây mưng trên bờ ruộng để thế hệ cháu con sau này nhìn vào đó mà nở mày, nở mặt”, ông Tình nói.
Rừng cây cứu người
Làng Siêu Quần nằm ở vùng thấp trũng, năm nào cũng bị bão lũ tàn phá nặng nề. Khi chưa có rừng mưng, mỗi lần mùa bão lũ đến, nước sông Ô Lâu tràn về, nhiều người dân Siêu Quần bị thiệt mạng; nhà cửa, mồ mả bị cuốn trôi. Thế rồi rừng mưng bao quanh xóm làng như bức tường kiên cố. Nhiều người còn ví rừng mưng như “tấm khiên” vững chãi, quanh năm chở che, đùm bọc dân làng Siêu Quần.
Cụ Nguyễn Thân – một cao niên của làng – kể cơn lũ lịch sử năm 1999 nhấn chìm hầu hết vùng đồng bằng tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong khi tất cả những vùng dân cư khác ven sông Ô Lâu, nhà cửa bị sóng cuốn, đổ sập; người chết vô kể, thôn Siêu Quần vẫn bình an. Khi đó, rừng mưng cổ thụ không chỉ ngăn sóng giữ yên nhà cửa mà còn là nơi trú ngụ an toàn cho hàng trăm con người. Mới đây nhất, trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020, cũng nhờ có rừng mưng ở làng Siêu Quần mà nhiều người dân bên kia sông Ô Lâu thuộc thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được cứu sống trong gang tấc.
Đặc biệt, khi nhắc đến rừng mưng, nhiều người ở làng Siêu Quần đều nhớ ơn danh nhân Trần Văn Kỷ (không rõ năm sinh, mất năm 1801) người làng Vân Trình, xã Phong Bình, là một công thần thời Tây Sơn. Trong đó, tích “tặng áo ấm” cho bà con làng Siêu Quần còn được truyền tụng đến hôm nay.
Tương truyền cách đây hơn 200 năm, ở làng Vân Trình (kế làng Siêu Quần) có một người học cao hiểu rộng tên Trần Văn Kỷ, đỗ đạt được vào cung làm quan. Một hôm, ông Kỷ về thăm quê mang theo nhiều giống cây khác nhau mà trước đây làng chưa có như cây xanh, cây mưng… Ông đi đến từng nhà kêu gọi người dân trồng cây trước nhà, bờ ruộng và hứa sẽ tặng mỗi nhà một chiếc áo thật ấm để tránh rét ngày đông. Người dân ai nấy đều phấn khởi, trồng cây và mong ngày vị quan tốt bụng này trở về từ kinh thành.
Sau đó, ông Kỷ cáo quan, trở về quê hương để sống những ngày cuối đời. Khi ông vừa về đến cổng làng, không thấy ông mang theo quần áo để tặng như đã hứa, các vị bô lão đánh liều hỏi. Ông Trần Văn Kỷ xuống ngựa, không nói gì mà đưa tầm mắt nhìn những hàng cây cao do chính tay ông mang về cho người dân trồng ngày trước.
Khẽ cười, ông chỉ tay về hướng rừng mưng, nói với người dân: “Áo tôi hứa cho bà con là đây này”. Lúc đầu, mọi người có vẻ bất ngờ nhưng sau một hồi ngẫm nghĩ, họ vui vẻ chạy đến ríu rít cảm ơn vị ân nhân có tầm nhìn rất xa này. Bà con ngộ ra tấm áo mà ông nói đến chính là những cây lộc vừng. “Đến hôm nay, trải qua hàng trăm năm, dân làng vẫn nhớ ơn ngài Trần Văn Kỷ đã mang lại tấm áo che chở cho dân làng”- ông Nguyễn Ngọc Tình nói.
Cây mưng (còn gọi là cây lộc vừng hay cây chiếc) có tên khoa học là barringtonia acutangula(L.) Gaertn., thuộc họ lecythidaceae (lộc vừng). Hiện nay, làng Siêu Quần đang lập hồ sơ gửi VACNE (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) đề nghị vinh danh cây lộc vừng và một số cổ thụ khác của làng là cây Di sản Việt Nam. Sắp tới, không chỉ riêng làng Siêu Quần mà toàn xã Phong Bình sẽ là nơi trải nghiệm lý tưởng cho du khách muốn về thăm và khám phá “bức họa đồng quê” nơi này.
Bài & ảnh: Thuận Hóa
Theo phunuonline.com.vn
Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/tham-rung-loc-vung-hon-tram-nam-tuoi-a1435424.html