Tại sao du khách Hàn Quốc đổ xô đến Việt Nam?

Hiện tượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng đột biến thời gian gần đây thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Báo SCMP của Hong Kong tìm hiểu lý do.

Một thiếu nữ Hàn Quốc giữa lòng Sài Gòn - Ảnh: Instagram/Ji Wony
Một thiếu nữ Hàn Quốc giữa lòng Sài Gòn – Ảnh: Instagram/Ji Wony

Ngày xưa, Việt Nam được biết đến như một thiên đường “du lịch balô”, thu hút du khách yêu khám phá bằng văn hóa ẩm thực đa dạng, di sản phong phú và cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Bức tranh du lịch đó đang thay đổi. Những thành phố, thị trấn ven biển từng một thời ngủ yên giờ đây lột xác thành các khu nghỉ dưỡng sang trọng, các con đường trước kia chủ yếu là khách sạn bình dân giờ nhường chỗ cho hệ thống cửa hàng tiện lợi và khách sạn lớn…

Hiện tượng Hàn Quốc

Ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây. Năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc bình chọn là một trong 10 điểm đến tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh các nước như Iceland và Mông Cổ.

Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam chào đón 8 triệu khách quốc tế – tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, mang lại doanh thu khoảng 13,4 tỉ USD. Kết quả này được thúc đẩy một phần nhờ sự tăng trưởng đột biến của nhóm du khách đến từ Hàn Quốc.

Năm ngoái, số lượt khách Hàn đến Việt Nam chỉ đứng sau người Trung Quốc (lần lượt là 3,16 triệu và 3,4 triệu), tăng 46,5% so với năm 2017.

Theo trang phân tích dữ liệu hàng không OAG Schedules Analyser, số chuyến bay từ Việt Nam đi Hàn Quốc chiếm đến 44,5% lưu lượng bay quốc tế của Việt Nam.

Do nhu cầu tăng vọt, các hãng bay của Hàn Quốc như Asiana và Jeju Air bắt đầu mở đường bay mỗi ngày giữa thành phố Busan và Đà Nẵng, tăng công suất tuyến này thêm 86%.

Nhờ vậy, Đà Nẵng trở thành điểm đến nước ngoài hàng đầu của dân Hàn trong hè năm ngoái, theo thống kê của trang thương mại điện tử Hàn Quốc Ticket Monster.

Người Hàn đặc biệt thích thành phố Hội An. Hơn 240.000 lượt khách Hàn thăm Hội An trong năm 2018, tăng 70% so với năm 2016, và lần đầu tiên vượt qua khách Trung Quốc (trung bình 200.000 lượt/năm).

Du khách tại một khu du lịch ở Đà Nẵng. Khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm số lượng đông đảo tại đây - Ảnh: PHÚC LONG
Du khách tại một khu du lịch ở Đà Nẵng. Khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm số lượng đông đảo tại đây – Ảnh: PHÚC LONG

Ngôi nhà thứ hai

Tháng 3-2018, anh Yoo Hyong Rok có chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong đời. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Seoul, anh Yoo và gia đình chỉ đi chơi loanh quanh khu vực ngoại thành hoặc đảo Jeju trong dịp lễ, họ chưa bao giờ đi ra nước ngoài.

Sau vài năm theo dõi các chương trình khám phá Việt Nam trên tivi, đọc về văn hóa và ẩm thực Việt Nam trên mạng xã hội, anh Yoo tò mò muốn nhìn thấy tận mắt.

“Nhiều bạn bè của tôi đến Việt Nam trong các kỳ nghỉ. Tôi nghe nhiều thứ thú vị nên quyết định đi thử cho biết” – anh nhân viên văn phòng 29 tuổi tâm sự.

Đặt chân đến Hà Nội, anh Yoo không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một rừng bảng hiệu ghi bằng tiếng Hàn, nào là nhà hàng thịt nướng, cửa hiệu làm đẹp… cho đến chuỗi quán café.

Thật ra, nhiều du khách Hàn Quốc khác chia sẻ cùng ấn tượng.

“Mỗi lần thăm Việt Nam tôi lại nhìn thấy nhiều bảng hiệu và quán café Hàn Quốc hơn. Tôi để ý có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn liên quan đến Hàn Quốc. Người Việt cũng thích văn hóa Hàn nữa” – anh Hong Kyeong Su, nhà doanh nghiệp người Hàn đã đến Việt Nam 6 lần, chia sẻ.

Khách du lịch ken kín ở phố cổ Hội An - Ảnh: Instagram/Ride Photo
Khách du lịch ken kín ở phố cổ Hội An – Ảnh: Instagram/Ride Photo

Ông Mark Gwyther, chủ công ty tư vấn du lịch MGT Management Consulting ở TP.HCM, lưu ý rằng ngoài phim ảnh và âm nhạc, công dân Hàn được yêu mến nhất Việt Nam hiện tại có lẽ là HLV Park Hang Seo của đội tuyển bóng đá quốc gia.

“Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với hơn 65 tỉ USD vốn đăng ký. Tập đoàn Samsung đã mở vài nhà máy sản xuất lớn ở đây. Hà Nội và TPHCM đều có các khu phố nơi người Hàn sống tập trung đông đảo” – ông Gwyther tỏ ra am hiểu.

Ông Chobin Hwang, biên tập viên tiếng Hàn trang The Saigoneer, cho biết các du khách trẻ thường không quan tâm đến “trải nghiệm Hàn Quốc” ở Việt Nam, nhưng nhóm khách lớn tuổi có túi tiền dư dả lại muốn tiếp cận các dịch vụ như ở quê nhà.

“Những người từ độ tuổi 40 trở lên tìm kiếm món ăn và dịch vụ kiểu Hàn Quốc trong chuyến đi. Cỡ tuổi cha tôi người ta không di chuyển nhiều và cần phải có hướng dẫn viên” – ông Hwang chia sẻ.

Trở lại với anh Yoo Hyong Rok, Việt Nam trong mắt anh không chỉ là một chân trời mới, anh còn tìm thấy ở đây cảm giác như được ở “ngôi nhà thứ hai”.

“Thức ăn giống y như ở Hàn Quốc, nguyên liệu thậm chí còn tươi hơn” – anh Yoo tỏ ra hài lòng.

Phúc Long

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục