Sưởi ấm tâm hồn lúc nửa đêm
Câu nói con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là thông qua dạ dày có lẽ là mô tả hoàn hảo cho bộ phim Midnight Diner (tựa tiếng Nhật Shin’ya Shokudou) – một bộ phim khá cũ nhưng rất hay của điện ảnh Nhật.
Vốn được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Yaro Abe, câu chuyện về ông đầu bếp “Master” này đã có vốn liếng 3 mùa phim truyền hình chiếu ở Nhật (Live Action) từ năm 2009 đến năm 2015, hai bộ phim điện ảnh vào các năm 2015 và 2016, cùng một mùa phim trên Netflix vào năm 2016.
Chuyện một quán ăn mở lúc nửa đêm
Bối cảnh của phim diễn ra xung quanh quán ăn nhỏ của Master – một đầu bếp đã luống tuổi, rất ít nói với vết sẹo dài trên mặt. Quán của ông mở cửa hằng ngày vào lúc… nửa đêm, và đóng cửa khi ngày mới bắt đầu. Thực đơn của quán rất đơn giản, cùng vài món rượu bia (mà mỗi người chỉ được uống không quá ba chai). Ấy vậy mà đêm nào quán cũng có khách – những gương mặt “cú đêm” thân quen, đến quán để ăn những món Master nấu, chia sẻ cho nhau nghe những câu chuyện cuộc đời.
Đó có thể là câu chuyện của những người đồng tính, dân xã hội đen, một anh công chức nghèo làm ở nhà máy đinh vít, anh công an vui tính hay của một cô gái chuyên đi đào mỏ… Những số phận khác nhau đó hằng đêm lại hội tụ về nơi quán ăn khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ ở Tokyo, để sưởi ấm tâm hồn mình và tâm hồn nhau bằng hơi ấm tỏa ra từ những bát mì và cả hơi ấm của đồng loại. Những câu chuyện xảy ra nơi đây cũng oái oăm không kém gì cuộc đời của thực khách. Đó có thể là việc bỗng nhiên có một hũ… tro cốt bị ai đó “vô tình” bỏ lại trước cửa quán, một cô gái vô gia cư ăn quỵt, hay chuyện một nữ tài xế taxi trước đây từng là diễn viên điện ảnh!
Tất cả rối ren đó được Master – người đầu bếp già, tài hoa mà ít nói – giải quyết bằng cách… nấu một món gì đó. Có thể món đó không có trong menu của ông, nhưng miễn có nguyên liệu, ông sẽ nấu. Và khi ăn một món do Master nấu, ngay cả những tâm hồn sắt đá lạnh lùng nhất cũng phải mềm lòng. Đâu đó trong phim, người ta sẽ tìm thấy những viên ngọc quý khiến trải nghiệm xem phim trở nên lý thú và đáng giá hơn gấp bội phần.
Chẳng hạn như khi thấy cô phụ bếp khóc nức vì thương người bà ở quê, một nhân vật khác trong phim chỉ nhẹ nhàng nhắc: Đừng để nước mắt rơi vào nồi canh… Vì nước mắt mặn lắm, sẽ làm hỏng hương vị đi mất! Chỉ vậy thôi, mà bỗng nhiên người xem thấy cuộc sống nhẹ nhàng và đáng sống hơn biết bao.
Những thước phim xúc cảm
Dàn diễn viên trong phim, mà nổi bật nhất là diễn viên gạo cội Kaoru Kobayashi trong vai Master, đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Với khán giả Việt Nam, lối diễn nhẹ nhàng, tiết chế và đôi khi hơi… quái lạ của phim Nhật – vốn rất khác lối diễn và lối kể chuyện dồn dập nhiều kịch tính của phim Mỹ – chắc chắn sẽ làm chúng ta thích thú. Nét biểu cảm hài lòng của người đầu bếp khi nấu được một món ngon, hay sự thay đổi tinh tế trong nét mặt của một cô gái đang đói bụng khi vừa lùa miếng cơm khoai môn nóng hổi vào miệng… tất cả đều được các diễn viên thể hiện chân thực và giàu cảm xúc nhất.
Sự giản dị của câu chuyện còn được thể hiện qua những thước phim có góc quay và màu sắc đẹp nhẹ nhàng, bình dị. Màu vàng ấm áp tỏa ra từ ánh đèn trong quán của Master như tương phản với ánh đèn neon nhiều màu và sự lạnh lùng tăm tối của Tokyo về đêm. Những cảnh đặc tả quá trình nấu nướng của Master cũng được thực hiện rất giản dị, gần gũi, nhưng ánh sáng và màu sắc khi quay được chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nỗi từng khung hình đều có thể được dùng làm ảnh minh họa cho một tạp chí ẩm thực hay phong cách nào đó!
Khán giả quan tâm có thể dễ dàng tìm thấy loạt phim truyền hình mới nhất về quán ăn lúc nửa đêm này trên Netflix. Người xem hẳn sẽ có những giây phút giải trí nhẹ nhàng và rất xúc động, chỉ có điều, đừng xem phim này lúc nửa đêm nhé! Những món ăn Master nấu trong phim đều rất giản dị, như mì xào rau củ, hay cơm khoai môn, nhưng dưới góc quay tuyệt đẹp và diễn xuất tài hoa của những người làm phim, người xem sẽ thấy bụng sôi lên vì đói, nước miếng túa ra vì thèm, bỗng dưng thấy có nhu cầu đi ăn khuya hoặc lục tủ lạnh xem còn gì để nấu chăng?!
Một không khí rất “thiền” Midnight Diner chinh phục người xem trước hết là ở câu chuyện và cách những nhà làm phim chọn để kể nó. Công đầu chắc chắn phải thuộc về tác giả Yaro Abe – tác giả bộ truyện tranh Shin’ya Shokudou. Với những chất liệu và ý tưởng chắt lọc từ cuộc sống đời thường, tác giả đã kể cho chúng ta nghe những câu chuyện nhẹ nhàng mà cực kỳ thấm thía. Đây có lẽ không phải là một phim để ta mong chờ những tình tiết éo le, giật gân hay căng thẳng. Trái lại, nó từ tốn, giản dị và rất “thiền”, cũng giống những món ăn mà Master nấu vậy. |
Minh Trang
Theo Tuổi Trẻ Online