Sức khoẻ tâm thần: sát thủ thầm lặng

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% – 29% trẻ em độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Câu chuyện một người bị rối loạn cảm xúc chữa trị hơn 15 năm

Tại phòng khám tâm thần của một bác sĩ có tiếng ở quận Tân Bình một ngày cuối tháng 8/2019, có khoảng gần 20 người thuộc đủ mọi lứa tuổi ở đó, từ trẻ em 3 tuổi đến thanh thiếu niên và người trung niên, cả nam và nữ. Tôi làm quen với hai vợ chồng mà người chồng độ tuổi 50 bị rối loạn cảm xúc đã chữa trị hơn 15 năm. Trông bề ngoài chỉn chu lịch sự của ông không ai ngờ ông bị bệnh tâm thần. Vợ ông kể từ hồi lớp năm chồng mình đã xuất hiện ảo thanh, có tiếng nói trong đầu và người hay co giật nhẹ như bị chạm điện do lúc nhỏ mẹ mất sớm, ở với cha thì liên tục bị cha đánh đập và bỏ đói, năm lớp hai bị ấu dâm. Năm lớp tám ông lại bị lạm dụng tình dục một lần nữa. Khi tốt nghiệp đại học và đi làm một thời gian, ông phải nghỉ làm vì 10 ngày 10 đêm không ngủ được, liên tục bị ói, hồi hộp, sợ hãi (mà không biết sợ cái gì), bị đau bụng, nhức đầu và ảo thanh xuất hiện trở lại. Gia đình từng đưa ông đi nhiều bệnh viện  nhưng họ chỉ trị từng triệu chứng mà không chẩn đoán ra căn nguyên của căn bệnh là tâm thần. Do thất vọng, ông từng tự tử hai lần mà không thành. Rồi một người bà con xa mách ông đến phòng mạch ở đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều trị liên tục chừng hai năm, ông khoẻ hơn và đi làm trở lại. Từ đó thỉnh thoảng vài tháng ông mới đến phòng mạch này để lấy thuốc uống vì nếu không uống thì lại khó thở và hồi hộp. Gần một năm trở lại đây, ông phải đến gặp bác sĩ thường xuyên hơn vì áp lực căng thẳng trong công việc khiến ông lại bị rối loạn giấc ngủ đến mức phải nghỉ việc. Ông tự nhận những ám ảnh của quá khứ khiến ông không thoát ra được. Chữa trị vài năm sau ông mới thôi tự trách mình, mới biết rằng khi mình bị xâm hại thì kẻ xâm hại mình có lỗi chứ không phải mình có lỗi. Vợ ông còn kể có những khi chồng mình không biết mình đang đi đâu, đang ở đâu, đang làm gì nên bà rất sợ để ông đi một mình đến những nơi xa lạ. Ngoài ra, chồng của bà còn rất sợ tiếng ồn, ghét tiếp xúc với nhiều người và không có khả năng giải quyết những xung đột, sức chịu đựng rất kém. Hai người gặp nhau muộn và cả hai đều không muốn có con, vì vợ ông bảo tâm trạng chồng thất thường, lại quá nhạy cảm nên những áp lực trong việc nuôi con có thể chồng bà không chịu đựng nổi.

Bà bảo sống với người bị rối loạn cảm xúc phải rất kiên nhẫn và không bao giờ được nổi nóng hay tâm trạng bất an vì nếu chồng biết ông ấy sẽ bất an hơn. Theo lời khuyên của bác sĩ, bà thường xuyên đi cùng ông tập thể dục ngoài công viên, rủ ông đi chơi chỗ này chỗ kia và khuyến khích ông tập thiền, đọc sách, học thêm cái gì mới và có cơ hội nên đi chơi với bạn.

Bệnh tâm thần không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thân nhân của họ. Người đàn ông đó ngẫm ra cũng còn may mắn vì cuối cùng cũng gặp được người phụ nữ tri kỷ của đời mình.

Bệnh tâm thần không có nghĩa là bị điên!

Ngoài việc không hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của các chứng bệnh tâm thần, tâm lý e ngại những kỳ thị của xã hội cũng khiến nhiều bệnh nhân tâm thần không được chăm sóc y tế. Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, đơn vị tâm lý lâm sàng bệnh viện Đại học Y Dượcc TP.HCM đã có những trao đổi quanh vấn đề này.

UNICEF nhận định: sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đang có vấn đề và ngày càng gia tăng bệnh nhân trẻ em và thanh thiếu niên, bác sĩ thấy có đúng không?  

18 năm trong ngành tâm thần trẻ em, tôi thấy số lượng bệnh nhân gia tăng rõ rệt ở VN, rõ nhất là lượt người đến khám bệnh hàng ngày. Bên cạnh đó, mức độ bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng hơn: như hành vi tự sát, tự huỷ hoại bản thân… ở thanh thiếu niên có mức độ nghiêm trọng hơn trước. Trẻ vị thành niên và thanh niên tự sát ngày càng nhiều. Tuy nhiên, có một điều tốt là mức độ nhận thức về bệnh tâm thần trong xã hội cũng phổ biến hơn. Hơn 10 năm trước người ta ngạc nhiên khi nghe nói có bác sĩ chuyên ngành tâm thần trẻ em, họ cứ nghĩ bệnh tâm thần là người điên nên cho rằng trẻ em thì không bị điên và có rất ít người biết về bệnh tự kỷ. Nay bệnh tự kỷ đã trở nên phổ biến và mọi người cũng đánh giá lại vị trí của bác sĩ tâm thần trong xã hội.

Loại bệnh tâm thần mắc nhiều nhất ở trẻ em và loại bệnh tâm thần mắc nhiều nhất ở thanh thiếu niên?

Ở trẻ em từ  0 – 6 tuổi: loại bệnh tâm thần thường gặp là chậm phát triển tâm thần và rối loạn ngôn ngữ, thứ ba mới là bệnh tự kỷ. Trẻ em từ 6 – 10 tuổi thường gặp rối loạn tăng động giảm chú ý, thứ hai là rối loạn lo âu, thứ ba là rối loạn khí sắc dẫn đến trầm cảm. Trên 12 tuổi gặp nhiều bệnh nhân rối loạn lo âu (triệu chứng hay lo sợ, tim đập nhanh, bị ám ảnh, sợ dơ, sợ bệnh, rối loạn giấc ngủ…) và trầm cảm (triệu chứng buồn, chán nản, suy nghĩ tiêu cực, muốn chết, muốn tự sát).

Nguyên do bị bệnh tâm thần theo ông là gì? Giữa trẻ em và thanh thiếu niên có khác biệt?

Dù là trẻ em hay người lớn thì bệnh tâm thần có 3 căn nguyên quan trọng: căn nguyên sinh học, căn nguyên tâm lý, căn nguyên xã hội. Căn nguyên sinh học như tổn thương thần kinh, bị ngạt thở sau khi sinh, các bệnh tác động đến thần kinh (các loại viêm não) hoặc chậm phát triển tâm thần, còn bệnh tự kỷ do đột biến gen. Căn nguyên tâm lý là bị chia lìa khỏi cha hay mẹ, bị lạm dụng tình dục, bị hành hạ… khiến tâm lý bị sang chấn. Căn nguyên xã hội là gia đình ly tán, bị bắt nạt và bị áp lực trong môi trường học đường và môi trường xã hội… Có những bệnh nhân phát bệnh tâm thần do một nguyên nhân nhưng cũng có bệnh nhân bị cả hai nguyên nhân hoặc thậm chí bị cả ba nguyên nhân tác động. Kinh tế có đi lên nhưng đời sống tinh thần ngày càng « nghèo ». Ngày xưa khổ về thể chất nhưng tinh thần không áp lực, nhưng ngày nay áp lực từ môi trường học đường và xã hội ngày càng tăng. Xã hội thay đổi quá nhanh, dẫn đến cấu trúc gia đình không bền vững, áp lực học hành ngày càng lớn, giới trẻ không tìm thấy nơi chia sẻ và lắng nghe nguyện vọng.

Các thuốc chữa các chứng bệnh về tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, ảo thanh, ảo giác… thường gây tác dụng phụ kéo dài cho người bệnh. Theo ông có cách nào chữa bệnh tâm thần mà không cần dùng thuốc?

Có hai thái cực trong việc sử dụng thuốc tâm thần hiện nay: một là nghĩ thuốc tâm thần xấu xa, gây ra nhiều tác dụng phụ nên thường phủ nhận, từ chối việc sử dụng; hai là thích dùng thuốc, cứ hễ mất ngủ là đi mua thuốc uống. Thực sự thuốc tâm thần chỉ hữu ích khi sử dụng đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định. Trong điều trị, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần luôn ưu tiên yếu tố an toàn, sau đó mới tính đến hiệu quả.

Theo tôi cách chữa trị hiệu quả là một người bị tâm thần phải kết hợp việc đến bác sĩ tâm thần, gặp chuyên viên tâm lý và nhân viên xã hội… để họ giúp đỡ về mặt y khoa cũng như các phương pháp trị liệu khác. Người bệnh dùng thuốc chưa đủ mà phải tác động họ các liệu pháp tâm lý. Nguyên lý điều trị bệnh tâm thần là phải nâng cao khả năng tự chữa lành cho bệnh nhân. Một cháu chậm phát triển, dùng thuốc là một phần nhưng gia đình phải tạo điều kiện cho cháu hoà nhập xã hội, đi học bình thường, ra công viên chơi cùng các bạn. Một người trầm cảm ngoài điều trị bằng thuốc phải biết nhìn nhận vấn đề của mình, có kỹ năng kiểm soát cảm xúc và có thời gian tương tác với người khác.

Trên thế giới hiện có nhiều mô hình trị liệu bệnh tâm thần bằng làm vườn, trồng cây, nghe nhạc hay chăm sóc thú cưng… Những cháu chậm phát triển tâm trí hoặc tự kỷ khi nghe nhạc, trồng cây, sống hoà mình với thiên nhiên hoặc chơi với thú cưng sẽ cải thiện mối tương quan với con người. Một người lớn rối loạn cảm xúc hay trầm cảm cũng cần những cách trị liệu này. Hiện nay có BV Tâm thần ở Nha Trang áp dụng mô hình trị liệu bằng làm vườn, trồng cây cho các bệnh nhân…

Bác sĩ từng nói trong một số trường hợp, thân nhân người bệnh tâm thần cũng trở nên “có vấn đề”… và khi chữa trị, bác sĩ thường mời cả người nhà. Theo bác sĩ, người nhà của bệnh nhân tâm thần cần phải làm gì?

Có ba điều cần phải làm: thứ nhất lắng nghe và trò chuyện, đồng hành với họ; thứ hai hỗ trợ kịp thời đưa họ đến bác sĩ và chuyên viên tâm lý càng sớm càng tốt; thứ ba giúp họ thay đổi là tái hoà nhập với gia đình, với xã hội bằng cách khuyến khích và động viên họ rèn luyện thể chất,  đi học hoặc đi làm lại.

Theo bác sĩ có cách nào phòng tránh được bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm xảy ra ở thanh thiếu niên và người lớn?

Cần phòng ngừa cả ba mặt: sinh học – tâm lý và xã hội. Sinh học là phải có lối sống lành mạnh và cân bằng, phải rèn luyện thể chất đều đặn, chú ý dinh dưỡng và tránh xa những thứ gây hại như rượu, thuốc lá, thuốc gây nghiện… Về tâm lý phải có tư duy tích cực, biết cách kiềm chế cơn giận, quản lý cảm xúc và stress. Về mặt xã hội là xây dựng hệ thống hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, sống hoà hợp trong gia đình và người xung quanh, có việc để làm và có người để quan tâm chăm sóc.

Song May

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục