Sóng vọng Hòa Thanh
Xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) vào đầu thế kỷ 19 là địa bàn ba phường Thượng, Trung và Hạ của xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hiện còn một số dấu tích ở xã này thể hiện đậm nét đời sống cư dân miền ven biển xưa.
Thời các chúa Nguyễn, Hòa Thanh nằm ở khoảng giữa “thuộc Hà Bạc” – một dải đất cát ven biển kéo dài từ Cửa Đại ở phía bắc đến Cửa An Hòa phía nam. Phía đông “thuộc” này giáp biển, phía tây giáp sông Phước Toản (còn gọi là Phước Yên, về sau quen gọi là Trường Giang). Địa bạ thời Gia Long cho biết, các phường Thượng và Trung nói trên thuộc xã Hòa Thanh và phường Hạ còn gọi là xã Hòa Thanh Hạ. Đến thời Đồng Khánh, theo ghi chép trong sách địa chí của triều đình, chỉ còn một tên chung là xã Hòa Thanh gồm ba phường Thượng, Trung, Hạ được ghi nhận là ba đơn vị hành chính độc lập (dân địa phương quen gọi là ấp; vì vậy ba phường này còn được gọi chung là Tam Ấp – dùng phổ biến đến giữa thế kỷ 20).
Bản gia phả đặc biệt
Theo lời kể của đại diện một số họ tộc ở vùng này, ông bà của họ đã từ các vùng ven biển các tỉnh phía Bắc đến lập nghiệp ở vùng biển Quảng Nam từ khá nhiều đời – có tộc đến nay đã 17, 18 đời. Không phải tộc nào từ phía Bắc cũng vào thẳng Hòa Thanh. Thầy giáo Đinh Thế Chất (đời thứ 16, sinh năm 1956, cựu giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây xã Tam Tiến, Núi Thành) cho biết, thủy tổ tộc Đinh của ông (đời thứ 1) từ Ninh Bình vào vùng Điện Dương – Điện Bàn, về sau dời đến vùng Kỳ Trân – Bình Hải – Thăng Bình; đến đầu thời Nguyễn, ông cố của ông là Đinh Văn Ba (đời thứ 11) mới đến cư trú tại phường Hạ xã Hòa Thanh.
Tại nhà thờ tộc Đinh ở thôn Hòa Hạ xã Tam Thanh hiện lưu một bản gia phả được chép trên một tấm vải trắng (gia tộc gọi là vải tám) khá mịn có kích cỡ 1,2m x 3,6m; trên đó các chi tiết về thế thứ các đời, tên người tộc Đinh và người phối ngẫu, tử tôn được sinh hạ, quê quán, nơi an táng, ngày giỗ… được chép rất tỉ mỉ và bố trí rất khéo theo kiểu sơ đồ với nét chữ Nho thanh mảnh rất đẹp. Đến nay, ở phạm vi nam Quảng Nam, chưa gặp bản gia phả thứ hai nào có hình thức đặc biệt như đã kể trên. Người thể hiện bản gia phả độc đáo này là ông Đinh Văn Thông (sinh năm 1871 – đời thứ 13) – người duy nhất ở xã Hòa Thanh từng đỗ Tú tài Nho học và ở quê dạy học cho con em trong xã. Khi khoa cử Nho học bị bãi bỏ, Tây học được thiết lập, ông Thông (thường gọi là Tú Đinh) dạy môn chữ Nho tại trường tiểu học Pháp Việt của phủ Tam Kỳ khoảng từ sau năm 1930.
Tư liệu thủy quân triều Nguyễn
Hậu duệ tộc Lê xã Tam Thanh là ông Lê Đức Dũng đang bảo quản bộ tư liệu chữ Nho gồm nhiều văn bản từ thời Minh Mệnh đến thời Tự Đức có nội dung liên quan đến xã Hòa Thanh và một võ quan thủy quân có tên là Lê Văn Ước. Nội dung các văn bản này đã thể hiện một số nét về tình hình một xã ven biển ở Quảng Nam hồi giữa thế kỷ 19.
Văn bản ký ngày 29/7/1839 (Minh Mệnh thứ 20) cho biết: phường Hạ xã Hòa Thanh vào năm ấy có 30 người được “duyệt tuyển” đưa vào diện phải đóng thuế và chịu sai dịch (làm lao động công ích khi quan trên yêu cầu). Có 8 người được miễn thuế và sai dịch đều là lính thủy quân của Đội 3, Vệ số 2, Doanh Hữu, thuộc bộ phận Kinh kỳ Thủy sư canh giữ kinh thành Huế và vùng phụ cận. Như vậy, có đến một phần năm dân tráng của phường Hạ xã Hòa Thanh là lính thủy và đều ở cùng một đơn vị.
Hai văn bản ký ngày 6/12/1840 và 18/1/1841 thời vua Thiệu Trị có nội dung đề bạt chức vụ Đội trưởng rồi thăng cấp lên Suất đội trưởng đội số Hai, vệ Hữu Thủy Quảng Nam cho ông Lê Văn Ước có quê quán ở phường Hạ xã Hòa Thanh. Qua nội dung này, có thể thấy, trong số người ở địa phương tham gia thủy binh, có người đã được chọn vào vị trí chỉ huy.
Văn bản ký ngày (không rõ) tháng 12 năm Tự Đức thứ 11 (1858) cho biết nhiều nội dung quan trọng về việc phòng vệ miền biển vào lúc thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Trong văn bản đó, Tri huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, ra lệnh thành lập các đội dân binh ở các xã sát biển và giao cụ thể các nhiệm vụ luyện tập và phòng vệ miền ven biển theo chiếu chỉ của vua Tự Đức – trong đó xã Hòa Thanh phân bổ tuyển người như sau: phường Thượng: 11 người, phường Trung: 11 người, phường Hạ: 11 người. Số dân binh đó cộng với dân binh phường Vịnh Giang (ở kế cận): 11 người lập thành một đơn vị có tên “Hà Đông – Tiên Giang đoàn dân dõng” giao cho ông Lê Văn Ước (lúc này đã về hưu – NV) làm Đoàn trưởng.
Lăng thờ cá Ông xã Hòa Thanh
Tại thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh hiện còn ngôi lăng mộ an táng nhiều xác cá Ông. Ngôi lăng này có vòng thành đá ong dày khoảng 0,4m, cao khoảng 0,8m bao quanh. Mặt chính hướng nam của vòng thành là cổng tam quan có kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn gồm ba vòm thấp; vòm chính được nâng lên thành kiểu cổ lầu hai mái; trên đầu hai vòm phụ đắp nổi hình hai con thú (lân?) châu đầu vào tấm biển ngạch hình chữ nhật nằm giữa trán tam quan; trên biển cẩn sứ ba chữ “Phổ Tế Môn” (cổng lăng Phổ Tế). Hai bên cổng chính có câu đối cẩn sứ: “Lăng thượng kỷ trùng sơn tĩnh trấn/ Giang tiền nhất đới thủy lưu liên” (Dịch ý: Trên đầu chập chùng nỗng cát trấn giữ cho lăng yên định/ Trước mặt có dòng sông như chiếc đai ôm, có thủy triều liên tục xuống lên, đầy sóng gợn), thể hiện khá rõ vị trí của lăng Phổ Tế: có dòng sông Phước Toản/Trường Giang ôm vòng trước mặt; có các nỗng cát cao như đồi núi phía sau lưng.
Căn cứ vào dòng “Sắc – Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần Chi Mộ” ở mặt trước bia đá trong lăng có thể biết đây là nơi an táng cá Ông từng được triều đình gia phong là “Tôn Thần”. Mặt sau bia ghi dòng “Đán – Bổn xã đồng phụng chí” cho biết dân toàn xã Hòa Thanh lập lăng thờ cá Ông “lụy” ở vùng biển của địa phương mình vào một ngày không ghi rõ – để chỉ đây là lăng “nhiên thần” (khác với lăng mộ của người; thường ghi thời điểm lập bia cụ thể – NV).
Do các sắc phong liên quan ở Hòa Thanh không còn, đối chiếu cách ghi sắc phong cho các lăng cá Ông hiện còn ở các địa phương khác, có thể đoán, trước khi phong là Tôn Thần (thường gặp ở thời Thành Thái, Khải Định), (mộ) cá Ông – Hòa Thanh từng được phong là Chi Thần (thần hiệu thấp hơn) ở một đời vua Nguyễn nào trước đó. Tên “Phổ Tế” (cứu giúp rộng khắp) có thể lấy từ thần hiệu “Phổ Tế Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần” trong sắc gia phong về sau. Cá voi – loài cá rất lớn và quý (Cự Tộc Ngọc Lân) vốn được người miền biển nước ta tin là thường giúp đỡ ngư dân gặp bão vào bờ an toàn. “Ông Nam Hải” hoặc “Nam Hải cự tộc” là các mỹ tự được đưa vào sắc phong từ đầu thời Nguyễn để củng cố huyền thoại cá Ông giúp Nguyễn Ánh thoát hiểm trên biển khơi trên bước đường bôn tẩu. Các mỹ tự đó cần được hiểu đúng nghĩa là: “Loài cá Ông – giúp ngư dân – trên mặt biển của người Nam ta” (Nam tức là Việt Nam, là Đại Nam – các quốc hiệu nước ta có từ thời Gia Long, Minh Mạng).
Phú Bình
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/song-vong-hoa-thanh-93479.html