Sôi động thị trường hàng hóa phục vụ Tết

Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh đã sôi động. Nhiều giải pháp bình ổn thị trường đang được ngành chức năng triển khai, kỳ vọng người tiêu dùng sẽ đón tết đầy đủ, ấm áp.

Đa dạng hàng hóa phục vụ tết được bày bán ở siêu thị Co.opmart TP. Tam Kỳ. Ảnh: LÊ QUÂN
Đa dạng hàng hóa phục vụ tết được bày bán ở siêu thị Co.opmart TP. Tam Kỳ. Ảnh: LÊ QUÂN

Sức mua đã tăng

Khác hẳn với những ngày giữa tháng 12, thị trường hàng hóa phục vụ tết đã sôi động trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ở chợ Tam Kỳ, nhộn nhịp người mua kẻ bán. Chị Phan Thị Ái (phường Phước Hòa) – tiểu thương buôn bán giày dép ở chợ Tam Kỳ cho biết, hàng hóa có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng nên không kén chọn người mua. Kiểu dáng phong phú, đa dạng chủng loại giày dép nên người tiêu dùng bình dân lẫn trung lưu đều khá ưa thích.

Cách quầy hàng của chị Ái không xa, các sản phẩm kẹo, bánh mứt, hạt dưa của nhiều quầy hàng khác cũng mua bán tất bật. “Cuối năm, bánh kẹo, mứt, hạt dưa thường tăng giá bán nên chúng tôi mua sớm để tiết kiệm. Gia đình cũng sắp sửa tổ chức tất niên nên cần bánh kẹo, mứt, hạt dưa để đãi khách. Năm nay, các sản phẩm bánh kẹo, mứt trông rất bắt mắt, nhãn hiệu đẹp, bao bì dễ nhìn, chất lượng cũng đảm bảo nên chúng tôi được rộng mở mua hàng” – chị Phan Thị Kim Trang (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) nói.

Người dân mua bánh, mứt, hạt dưa ở chợ Tam Kỳ để phục vụ tết. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân mua bánh, mứt, hạt dưa ở chợ Tam Kỳ để phục vụ Tết. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ở chợ Hà Lam (Thăng Bình), các loại hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng được bố trí ngăn nắp. Nhiều tiểu thương cho biết, sức mua của người tiêu dùng đã tăng lên từ cuối tuần trước. Gạo, mắm, muối, dầu ăn, hàng hải sản, thịt gà, thịt bò được bán rất chạy. Thời tiết nắng ấm cộng với giá cả hàng hóa ổn định nên người dân chuộng mua sắm.

Theo quan sát của chúng tôi, tại chợ Hà Lam gạo tẻ có giá xấp xỉ 120 nghìn đồng/kg, gạo nếp thơm có giá chừng 160 nghìn đồng/kg. Về rau, củ, quả, cà rốt có giá khoảng 17 – 18 nghìn đồng/kg, cà chua 15 nghìn đồng/kg. “Người dân rất ưa chuộng xà lách nhờ sạch, tươi, không có sâu rầy vì được nông dân canh tác theo quy trình VietGAP ở vùng rau Bình Triều (Thăng Bình) nổi tiếng. Giá xà lách rẻ, chỉ 28 nghìn đồng/kg nên đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng” – chị Trần Hoài Như Thảo – tiểu thương ở chợ Hà Lam nói.

Đối với thực phẩm, gà ta còn sống có giá 120 – 130 nghìn đồng/kg, trứng gà 25 nghìn đồng/chục, thịt bò tùy loại dao động ở mức 250 – 280 nghìn đồng/kg, cá ngừ 50 nghìn đồng/kg. “Đùi thịt heo có giá lên đến 200 nghìn đồng/kg nên gia đình mua thịt gà, thịt bò và hải sản về dùng, chất lượng lại vừa túi tiền. Hàng hóa ở đây đảm bảo nên người dân thuận tiện mua về dùng” – chị Lê Phương Thảo ở thị trấn Hà Lam cho biết.

Hàng giày dép dồi dào được bày bán trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hàng giày dép dồi dào được bày bán trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ổn định thị trường

Ông Thiều Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để phục vụ Tết Nguyên đán 2020, hiện nay các cửa hàng, doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ. Hàng hóa được lưu thông thông suốt trên địa bàn tỉnh, từ vùng xuôi cho đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, khu vực hải đảo, biên giới, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài các chợ trung tâm, chợ đầu mối thì cửa hàng mua sắm tự chọn, hệ thống siêu thị là những địa điểm mua sắm thu hút người tiêu dùng. Lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp đã tăng lên 20% so với các tháng trong năm. Các nhà phân phối ở các chợ truyền thống đã tăng lượng cung ứng hàng hóa lên 3 lần so với tháng trước.

Để phòng ngừa, hạn chế những biến động đột ngột của thị trường, nhất là tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá, chúng tôi chủ động theo dõi mọi diễn biến, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương kiểm soát tốt thị trường, xử lý nghiêm những hành vi gian lận thương mại cũng như điều hành, điều tiết, bình ổn thị trường bằng các giải pháp phù hợp. Rất kỳ vọng thị trường tết năm nay không khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến” – ông Thiều Việt Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở Công Thương, với những yếu tố tích cực từ khởi sắc kinh tế của tỉnh, dự kiến sức mua hàng hóa dịp Tết Canh Tý 2020 của người dân sẽ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 20% so với tháng trước. Một số mặt hàng thiết yếu có tăng – giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, do biến động của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tốc độ tái đàn heo trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm nên nguồn cung thiếu hụt sẽ khiến giá thịt heo còn tăng cao từ nay đến tết. Do áp lực tích trữ hàng hóa của người dân vào thời điểm cuối năm nên dự kiến hàng hóa những ngày giáp tết sẽ tăng 20 – 30% so với ngày thường, đặc biệt là bánh mứt, hạt dưa, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, trái cây và các loại thức uống. Các bộ phận chuyên môn của ngành công thương sẽ liên tục thị sát, cập nhật mua bán ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để có giải pháp ổn định cung cầu, bình ổn thị trường. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hàng hóa lưu thông đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng.

Từ ngày 11 đến 17/1/2020, dự kiến hội chợ Xuân Quảng Nam sẽ diễn ra tại sân vận động phường Cẩm Châu, TP. Hội An với quy mô lớn hơn những năm trước đây. Sở Công Thương cho biết, đây là hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm trong năm của tỉnh, hứa hẹn tạo điểm nhấn đặc biệt về mua sắm, vui chơi của người dân và du khách. Đây cũng là hoạt động kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, giúp các doanh nghiệp Quảng Nam liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp các tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc thực hiện các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa chất lượng.

Việt Nguyễn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/201912/soi-dong-thi-truong-hang-hoa-phuc-vu-tet-887228/

Cùng chuyên mục