Sẻ chia cây sâm giống cho người dân

Sau hàng chục năm ăn ngủ cùng rừng để trồng sâm, ông Nguyễn Văn Lượng (nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) gặt hái nhiều thành quả với cây sâm Ngọc Linh. Vừa phát triển cây sâm của riêng mình, ông còn chia sẻ cây sâm giống, hỗ trợ kỹ thuật để người dân cùng trồng sâm, vươn lên thoát nghèo.

se-chia-cay-sam-giong
Một vườn sâm ở huyện Nam Trà My. Ảnh: Đ.T

Những ngày này, tại chốt trồng sâm rộng hơn 30ha của ông Nguyễn Văn Lượng, hàng chục người dân tranh thủ chăm sóc, bảo vệ cây sâm đang vào mùa ra hạt. Trong chốt sâm này, ông Lượng đang hỗ trợ cho hàng chục hộ dân trồng sâm vươn lên thoát nghèo. Ông kể, cuộc đời mình gắn với cây sâm Ngọc Linh từ tuổi 20. Ông không nhớ hết bao lần băng rừng để đi tìm hạt sâm Ngọc Linh tự nhiên mang về ươm giống và chọn những khoảnh đất mùn ở vùng núi Ngọc Linh để trồng sâm. Năm 2000, khi cây sâm có giá trị, ông bắt đầu chọn khu vực trồng sâm tập trung dưới tán rừng. Khi giá trị cây sâm được nâng lên, vùng trồng sâm xuất hiện tình trạng trộm cắp nên ông Lượng đã thành lập chốt sâm, kêu gọi người dân cùng trồng, túc trực bảo vệ. “Lúc đầu khi thành lập chốt sâm rất khó khăn. Giá vật liệu như lưới để rào quanh vườn sâm rất cao. Để rào được vườn sâm hàng chục héc ta phải cần tới 30 tấn lưới, rất may có những người dân địa phương cõng từ xã Trà Nam lên” – ông Lượng nói.

Sau hơn 20 năm ăn ngủ giữ rừng, trồng sâm, ông Lượng có hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh giá trị cao. Mấy năm nay ông bắt đầu chia sẻ cây sâm giống và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân cùng trồng. “Ngày xưa mình khó khăn như họ, còn bây giờ họ khó khăn như mình ngày xưa. Chừ cho tiền họ tiêu phá nên mình hỗ trợ cây sâm, khuyến khích họ tham gia phát triển kinh tế. Tôi rất vui vì bà con chăm sóc, bảo vệ, phát triển sâm, giữ rừng, giữ giống sâm tự nhiên” – ông Lượng chia sẻ.

Hiện nay, ông Lượng tạo việc làm ổn định cho hơn 30 người dân địa phương với mức tiền công 7 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ cây giống và kỹ thuật cho 28 hộ để cùng nhau trồng sâm trong chốt, bảo vệ rừng và vươn lên. Một năm ông Lượng thực hiện việc cấp giống một lần. Số lượng sâm giống được cấp theo số người trong gia đình tham gia trồng sâm. Những người làm ở chốt sâm được ông Lượng hướng dẫn cách chăm trồng, sau đó dựa vào năng lực, ý muốn của họ, ông sẽ thực hiện việc cấp hỗ trợ sâm giống. Nhiều người dân ở chốt sâm của ông Lượng đã vươn lên thoát nghèo, như ông Hồ Văn Đồi, Hồ Văn Reo, Hồ Văn Huy… Ông Hồ Văn Đồi cho biết, trước đây ở vùng cao Trà Linh người dân còn nghèo, có khi thiếu ăn, gia đình ông cũng vậy. Từ khi tham gia trồng sâm cùng với ông Lượng, ông Đồi được giúp đỡ cây sâm giống và được hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm, đến nay đã có một số gốc sâm để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Ngoài sự hướng dẫn hằng ngày, mỗi tháng những hộ dân trong chốt sâm họp một lần, qua đó bà con được nhắc nhở đoàn kết bảo vệ tài sản, tính mạng, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc.

Ông Hồ Văn Thể – Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, trên địa bàn có nhiều cá nhân chia sẻ cây sâm để người dân cùng trồng thoát nghèo, trong đó ông Lượng là một điển hình ở địa phương. Việc hỗ trợ cây sâm giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm giúp người dân phát triển kinh tế, qua đó giúp bà con dần thay đổi tập quán. Cây sâm thay đổi nhiều thứ, giờ đây có những hộ dân chúc mừng sinh nhật con cháu cũng tặng cây sâm để “làm vốn” gầy dựng sinh kế sau này. “Đáng mừng hơn, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm đáng kể từ việc trồng sâm. Năm 2015, hộ nghèo ở xã Trà Linh còn 50% nhưng đến nay đã giảm còn 27,51%. Năm 2020, địa phương tiếp tục có 46 hộ đăng ký, nếu thoát nghèo tiếp tục giảm 7%. Hiện bà con tham gia trồng sâm rất nhiều, tại các chốt sâm người dân giúp nhau trồng sâm… ” – ông Thể nói.

Hoài An

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/se-chia-cay-sam-giong-cho-nguoi-dan-89309.html

Cùng chuyên mục