Sạt lở và bồi lấp ở biển Cửa Đại: Góc nhìn của nhà khoa học
Một cồn cát bồi lấp và đang tiếp tục phát triển, cách không xa khu vực bãi cát bị xói mòn dữ dội là câu chuyện đang tiếp diễn ở Cửa Đại, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học.
Mất cân bằng vận chuyển bùn cát
Theo GS-TS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi, bãi biển Cửa Đại đã xói mòn nghiêm trọng trong vài năm qua với tốc độ rút lui rất cao của bờ biển. Nguyên nhân được xác định do mất cân bằng vận chuyển bùn cát, nước dâng do bão và nước biển dâng. Tuy nhiên, tốc độ rút lui của bờ biển trong thập kỷ qua là rất bất thường. “Yếu tố chi phối việc xói mòn bờ biển trong thời gian dài có liên quan đến sự thay đổi vận chuyển bùn cát ven bờ, do sự giảm cung cấp bùn cát từ sông Thu Bồn. Do đó, cần thu thập thêm dữ liệu về vận chuyển bùn cát trong hệ thống sông và nghiên cứu mối quan hệ giữa xói mòn bờ biển và thay đổi nguồn cung cấp bùn cát” – GS-TS. Nguyễn Trung Việt đề cập.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật ven biển, GS. Nicolas Dodd đến từ Trường Đại học Nottingham – Vương quốc Anh cho hay, rất khó để có một nhận xét chính xác cho tình trạng sạt lở ở biển Cửa Đại cũng như sự hình thành đảo cát nếu như không có những dữ liệu và nghiên cứu chi tiết cho khu vực. “Theo tôi, hiện tại có một liên kết nào đó giữa các vấn đề trên với sự thay đổi dòng chảy tại cửa sông. Có một giải pháp có thể khả quan để bảo vệ bờ biển Cửa Đại, gọi là “nuôi bãi”. Chúng ta có thể tập kết một lượng cát tại đuôi bãi biển Cửa Đại sau đó sử dụng dòng chảy tự nhiên để tạo bãi. Ngoài ra, do đây đơn thuần là cát, nên không thể trồng rừng ngập mặn hoặc sử dụng một giải pháp tương tự trồng rừng để bảo vệ vì không khả thi”.
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước Hà Lan – bà Cora van Nieuwenhuizen với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà và lãnh đạo UBND tỉnh về giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra mới đây, phía Hà Lan đã đề xuất phương án xây dựng đảo nhân tạo để bảo vệ biển Cửa Đại. Đặt câu hỏi về giải pháp mà phía Hà Lan đã đề cập, GS. Nicolas Dodd cho rằng, nếu là đảo nhân tạo bằng công trình cứng thì không thực sự phổ biến ở Anh và một số nước châu Âu khác mà ông đã có dịp nghiên cứu. “Tuy nhiên, nếu đảo cát hiện tại tiếp tục phát triển và nối liền vào bờ, thì một giải pháp đảo nhân tạo bằng cát có thể khả thi. Thế nhưng, các chuyên gia quan tâm đến vấn đề này vẫn chưa có sự thống nhất về những gì đang xảy ra tại biển Cửa Đại. Tổng thể là vẫn phải tìm ra cơ chế vận chuyển bùn cát trong khu vực, tức là cần có nhiều dữ liệu hơn” – GS Nicolas cho hay.
Nên bảo vệ cồn cát
Số liệu quan trắc lần 6 tại cồn cát ở khu vực biển Cửa Đại (TP.Hội An) của Tổng Cục phòng chống thiên tai công bố vào sáng 20/5 cho thấy, cồn cát tiếp tục có xu hướng bồi về phía Bắc và Đông Bắc, mũi các doi cát tại hai vị trí đang bồi và cong hướng về nhau, hình thành các vịnh kín. Khi cao trình mực nước triều xuống khoảng 0,6m có thể nhìn thấy phần diện tích ở độ sâu dưới 0,5m, có thể gấp 2 – 3 lần phần nổi và tập trung ở phía Đông và Bắc của cồn cát. Qua so sánh cao độ tại 12 mặt cắt (trên cạn và 30 – 50m phần dưới nước) tại vị trí các cọc mốc trong một tuần qua cho thấy, khu vực phía Bắc và Đông Bắc bồi cao từ 20 – 50cm. Cồn cát đang tiếp tục phát triển. GS-TS. Nguyễn Trung Việt cho rằng, hiện tượng này đã từng xảy ra từ năm 1988 đến năm 1998. Sự hình thành đảo cát này là kết quả của sự hội tụ, tương tác giữa lũ lớn từ sông, tác động của trường sóng vào khu vực ven bờ và trường thủy động lực học khu vực biển Cửa Đại.
Ước tính, mỗi năm bờ biển Cửa Đại mất đến 350.000m3 cát. Theo các chuyên gia, chế độ dòng chảy ven bờ và chế độ sóng tại khu vực này cũng không đồng nhất, các vị trí sạt lở xuất hiện ở ngay các bãi tắm du lịch gây thiệt hại cho nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn, nhà hàng với chiều dài khoảng 7,5km dọc bờ biển Cửa Đại. PGS. Vũ Thanh Ca – đến từ Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho rằng, việc hình thành cồn cát là điều bình thường; đồng thời trong bối cảnh hiện tại, lượng cát ở cồn rất quý giá để bảo vệ bãi biển Cửa Đại. “Năm 2018, gió mùa đông bắc không nhiều và mạnh như trước nên lượng cát bị đưa xuống phía nam ít đi, những đợt gió mùa đông nam, tây nam xuất hiện cả trong mùa đông lại tạo sóng cùng hướng và vận chuyển cát từ nam lên bắc. Lượng cát này kết hợp với cát do sông Thu Bồn mang ra cửa sông vào mùa lũ sẽ đọng lại tạo thành cồn cát. Sóng tiếp tục dồn cát lên cao, sau đó vào kỳ triều kém, khi mặt cát phơi lên cạn trong thời gian đủ dài và bị khô thì gió lại tiếp tục vun cát khô lên. Đó là lý do cồn cát ngày càng cao và lộ ra khỏi mặt nước. Theo tôi, chính quyền không nên cho phép khai thác cồn vào bất cứ việc gì” – PGS. Vũ Thanh Ca chia sẻ.
Có thể thu phí bảo vệ môi trường từ du lịch PGS. Pauline Eadie – đến từ Trường Đại học Nottingham – Vương quốc Anh cho hay, ở đảo Bali (Indonesia) hoặc một số khu vực rừng ngập mặn ở Thái Lan, Philippines, chính quyền có một cách huy động nguồn lực để bảo tồn tự nhiên, bảo vệ môi trường khá phổ biến là thu phí bảo vệ môi trường từ khách du lịch, với tỷ lệ khoảng 2% trong chi phí các dịch vụ mà họ phải trả. “Trung bình, ở Bali, khách du lịch chi dùng một ngày khoảng 50USD, lưu trú khoảng từ 10 đến 20 ngày. Con số 2% phí bảo vệ môi trường từ nguồn thu này giúp chính quyền thực hiện các giải pháp bảo tồn biển, cảnh quan. Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ giải pháp huy động nguồn lực từ các khách sạn, nhà hàng để bảo vệ bờ biển một cách lâu dài” – PGS. Pauline Eadie nói. |
Thành Công
Theo Quảng Nam Online