Sapa, buồn vui ngày trở lại…

Cứ mỗi lần tôi ghé lại Sapa, cảm xúc buồn vui cứ lẫn lộn. Vui vì được trở lại xứ sở mình yêu thích, buồn vì như bất cứ vùng đất du lịch nào đang đông khách ở xứ Việt, Sapa luôn tồn đọng và phát sinh những hệ lụy…

Trở lại Sapa, một hình ảnh quen thuộc lại diễn ra trước mắt tôi nhưng với tần suất dày đặc hơn: nhiều người dân tộc bán hàng rong vây lấy các khách du lịch. Họ “săn” khắp nơi, kể từ lúc khách xuống xe đi bộ về khách sạn hay sáng sớm, chực chờ trước cổng khách sạn để mời chào du khách mua những món đồ thổ cẩm một cách “nhiệt tình”,  khiến không ít khách khó chịu ra mặt vì mức độ đeo bám quá dai dẳng.

Bản Cát Cát  bây giờ…

Cát Cát  là bản lâu đời của người H’ Mông còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng đay, dệt vải, chế tác đồ trang sức, rèn đúc các công cụ sản xuất . Thế nhưng, nên cạnh những nét độc đáo ấy, lần thứ 3 trở lại nơi này, Cát Cát khiến tôi ngần ngại nhiều hơn vui.

Du lịch đang làm thay đổi bộ mặt của bản làng Cát Cát trên 100 tuổi này.  Vui vì như thế, dân làng sẽ khấm khá hơn nhờ du lịch.  Bây giờ dòng suối chảy qua bản, đoạn qua thác Cát Cát và nhà máy thủy điện cũ đã được dựng thêm vài cảnh trí mới. Có cây cầu tre bắc qua suối, có guồng tre xe nước mà công việc chính của chúng là phục dựng minh họa lại cảnh ngày xưa chứ không phải để sử dụng. Bản có nhiều trạm dừng chân hơn, không được xinh đẹp cho lắm, với những chiếc xích đu có đám trẻ con người dân tộc áo váy sặc sỡ ngồi chờ khách đến chơi chung và… cho quà, tiền.

Khách vào làng bây giờ rất dễ được nhiều đứa trẻ kiên nhẫn đi theo xin tiền hoặc một số người bán hàng rong mời chào quá nhiệt tình khiến cảm giác tham quan khám phá của du khách không trọn vẹn. Lối đi trong bản có quá nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm na ná nhau, quanh quẩn cũng chỉ là đồ thổ cẩm, bưu thiếp, đồ trang sức bằng bạc… y chang ở trung tâm thành phố Sapa, mà không ít là hàng Trung Quốc.

Nói đi cũng nói lại, chính những du khách người Kinh cũng góp phần làm hư trẻ con. Chắc không mấy ai chịu xem tấm bảng khuyến cáo dán ngay chỗ bán vé vào bản: “Qúy khách không cho trẻ em tiền, bánh kẹo. Trẻ em sẽ bỏ học chữ để đi xin tiền, bánh kẹo”. Thấy tôi cản các bạn đồng hành chuyện cho quà trẻ con, anh nhân viên bán vé cười bảo, chúng tôi chỉ dám nhắc nhở nhỏ cho du khách biết chứ không dám nói lớn vì ngại. Họ ngại cũng có lý do. Xung quanh lối xuống bản rất nhiều hàng quán bày bán đủ thứ. Và đều giống nhau ở một lời mời chào rằng ghé vào “mua ít bánh kẹo làm quà cho trẻ con ở bản đi ạ”.  Một nhóm du khách tuổi trung niên đi trước tôi đã quay lại gọi nhau xem có những ai mang kẹo bánh theo không để cho trẻ con. Những cảm xúc bất chợt này của du khách là thí dụ cho tình cảnh “thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Cứ thử hình dung cái bản này mỗi ngày đón bao nhiêu lượt khách, mà ai cũng thế thì tạo tâm lý, thói quen nguy hiểm như thế nào với trẻ con ở đây.

Trẻ con ra phố để bán hàng

Lần  trở lại Sapa này, tôi thật sự ngạc nhiên không hiểu sao trẻ con người dân tộc lại ra đường nhiều đến thế. Khu trung tâm đã đành, ngay cả những nơi xa hơn, cứ chỗ nào có nhiều du khách lui tới  là y như rằng có trẻ con đứng túm tụm lại ven vệ đường chờ đợi. Ai mà chúng cho là du khách từ xa tới là chạy đến níu kéo mời chào mua hàng. Đồ chúng bán là những thứ quà lưu niệm thông dụng vặt vãnh được bày bán khắp nơi: mấy chiếc móc khóa, dây đeo tay, ví … làm bằng thổ cẩm. Tôi đếm mình được mời không dưới chục lần chỉ cho một quãng đường 1 km từ khách sạn đến nhà thờ đá Sapa. Những đứa trẻ đi một mình, đi một tốp hai ba đứa, có khi còn địu em. Tôi hỏi chúng không đi học à. Không đứa nào trả lời. Chỉ mở miệng ra, kiên trì mời: Mua dùm cháu đi!

Cũng  may,  trong những điều không lấy gì làm vui  ấy, cũng còn vài điểm sáng dễ thương. Đó là khi đêm về, khu sân vận động, hè phố gần hồ Sapa, lại vang giòn tiếng trẻ con học bài tập thể. Chúng được các thanh niên tình nguyện dạy những bài học vỡ lòng về giao tiếp tiếng Anh. Chúng học hào hứng và say sưa. Sapa mỗi lúc một nhiều du khách đến, nhất là khách ngoại quốc, nhu cầu sử dụng tiếng Anh cần thiết hơn bao giờ hết ở trị trấn đầy du khách này. Cũng hy vọng rằng chúng học tiếng Anh không chỉ để bán mấy món đồ lặt vặt!

Đêm chợ tình lạc lõng

Hầu hết du khách trong và ngoài nước đến Sapa đều mong muốn được tận mắt chứng kiến chợ tình – nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái dân tộc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nét đẹp văn hóa của chợ tình đã bị mất dần. Chợ tình giờ chỉ xuất hiện trong những dịp lễ hội lớn, khi ngành văn hóa, du lịch tỉnh tổ chức, nhưng đó là chợ tình theo dạng hoạt cảnh. Khi có đoàn du khách nào có nhu cầu tham quan chợ tình thì hướng dẫn viên du lịch sẽ liên hệ với những cặp người dân tộc đến múa hát giao duyên.

Chợ tình Sapa. Ảnh Du lịch Khát vọng Việt

Nếu không “book trước”, vẫn có thể xem chợ tình tối thứ Bảy hằng tuần, tại khu vực sân rộng trước nhà thờ đá đông đúc tấp nập, nhưng chủ yếu là người dân tộc Kinh và khách du lịch. Du khách đứng ngồi trên những bậc đá, tò mò xem như xem hát. Các chàng trai cô gái đều rất trẻ, tiếng khèn, chiếc dù xoay tròn không còn  tạo sự hào hứng cho du khách ở xa như tôi mà chỉ khiến người xem thêm bùi ngùi.  Những chiếc ô xoay tròn đều như cái máy, những tiếng khèn và điệu nhảy trông không hào hứng mà như thể trả bài. Âm thanh phát ra từ tiếng khèn trở nên lọt thỏm giữa không gian phố thị nhộn nhạo đang rất đông khách. Tiếng khèn càng chìm khuất hơn khi tiếng nhạc EDM ở khu ăn uống gần đâý phát ra. Tôi hỏi chuyện một thanh niên người Mông, ra dáng là trưởng nhóm. Anh cho biết nhóm mình hơn chục người, cứ mỗi cuối tuần ra đây biểu diễn, có mang thùng tiền quyên góp. Ai xem thích cho bao nhiêu thì cho, không cho cũng không sao! À thì ra các màn múa hát giao duyên đặc trưng của chợ tình Sapa nay đã trở thành dịch vụ phục vụ du lịch thuần túy, mua vui, thỏa mãn nhu cầu xem cho biết của du khách.

Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai mở ra mấy năm nay càng làm giao thông đến thành phố trong sương này thuận tiện hơn, khách du lịch đổ về nhiều hơn. Và cũng góp phần kéo theo nhiều hệ lụy hơn. Hẳn nhiên không chỉ tôi, mà còn rất nhiều người yêu Sapa âu lo cho cái gọi là phát triển du lịch bền vững ở xứ này!

Bài & ảnh: L.M.Hạ

(Theo Thời Trang Trẻ)

Cùng chuyên mục