Sách – Chuyên đề Hồi ký – 4 kỳ

Trong quá khứ, về thuật ngữ, tự truyện (autobiography) khác hồi ký (memoir), nhưng từ cuối thế kỷ 20, khoảng cách này thường được thu hẹp, đôi khi xóa nhòa ranh giới. Nếu tách bạch, thì tự truyện gần với tiểu thuyết hơn – nghĩa là nhiều hư cấu, trong khi hồi ký thì được xếp vào thể loại ký – một loại hình nằm giữa báo chí và văn học, ít hư cấu. Tuy nhiên, các tác phẩm mà chúng tôi đề cập trong chuyên đề này thì gần với định nghĩa và tiêu chí của tự truyện hơn. 

Kỳ 1: Tự truyện và hồi ký: Chìa khóa mở ra quá khứ

 Thời gian gần đây, giới showbiz Việt ấn hành khá nhiều tự truyện – hồi ký, từ nhân vật có thâm niên đóng góp như NSND Thành Lộc, NSND Kim Cương… cho đến những nhân vật mới vào nghề khoảng 10 năm như Sơn Tùng MT-P, Hoàng Thùy Linh… Viết tự truyện – hồi ký được xã hội đón nhận như thế nào, người đọc học được gì từ thể loại này, hay chỉ đơn thuần là giải trí của giới showbiz?

Lâu nay, nói đến tự truyện hay hồi ký người ta thường liên tưởng đến những nhân vật “đức cao vọng trọng”, hoặc những chứng nhân của lịch sử. Do vậy, khi giới showbiz Việt ấn hành khá nhiều tự truyện, hồi ký trong thời gian gần đây trở thành một hiện tượng văn hóa cần được mổ xẻ để thấu hiểu.

 Nhu cầu giải bày của cá nhân

Thể loại hồi ký từng trở thành đối tượng nghiên cứu luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Quang Hưng ở Đại học Huế vào năm 2016: “Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 – 2010”. Luận án này của Nguyễn Quang Hưng dày gần 150 trang, nghiên cứu các hồi ký văn học, nhưng tác giả này cũng cho biết có nhiều hồi ký của các nhà biên khảo, phê bình văn học, chính trị gia, nhà báo, những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí (ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ bóng đá…), hoặc những cá nhân vô danh trong xã hội (có số phận không bình thường, số phận đặc biệt)…

Theo Nguyễn Quang Hưng: “Hồi ký là một trong những thể loại đặc biệt trong diễn trình văn học Việt Nam. Đây là một tiểu loại của ký, xuất hiện muộn (so với thơ, tiểu thuyết), một thể loại “trẻ” nhưng chủ thể sáng tạo “già”, là những tác giả đã trải qua một hành trình sáng tác lâu dài”. Như vậy, hồi ký hay tự truyện là thể loại được những tác giả có tuổi đời và trải nghiệm trong đời sống cũng như lĩnh vực mà mình hoạt động.

Tuy nhiên, cũng theo tác giả Nguyễn Quang Hưng: “Hồi ký là nhu cầu nhận thức lại quá khứ trở nên bức thiết; nhu cầu giải bày của chủ thể sáng tạo; “cái tôi” cá nhân của tác giả trở thành đối tượng phản ánh… Nhiều tác phẩm hồi ký ra đời gây xôn xao dư luận và trở thành hiện tượng văn học, thể hiện rõ sự phát triển thể loại trong quá trình đổi mới tư duy nghệ thuật. Mỗi thiên hồi ký là những bức tranh hiện thực của đất nước. Nhiều số phận, nhiều cảnh ngộ, nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ…”.

 Có thể tổn thương người khác

Trước đây, chỉ có những tác giả lớn mới can đảm viết về mình, như Nhớ nghĩ chiều hôm (Đào Duy Anh), Nửa đêm sực tỉnh (Lưu Trọng Lư), Hồi ký Trần Văn Khê (Trần Văn Khê), Hồi ký Phạm Duy (Phạm Duy), Núi Mộng gương Hồ (Mộng Tuyết), Hồi ký Anh Thơ (Anh Thơ), Cát bụi chân ai (Tô Hoài); Chiều chiều (Tô Hoài), Hồi ký Quách Tấn (Quách Tấn), Hồi ký Song Đôi (Huy Cận), Nhớ lại (Đào Xuân Quý), Mất để mà còn (Hoàng Minh Châu), Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng), Một thời để mất (Bùi Ngọc Tấn), Trong mưa núi (Phan Tứ)… để trình bày cuộc sống và sự nghiệp nhiều say mê và thao thức.

“Hồi ký Trần Văn Khê” gồm 2 tập do Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành
“Hồi ký Trần Văn Khê” gồm 2 tập do Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành

Thế nhưng, khi tự truyện Lê Vân: Yêu và sống xuất hiện thì dòng sách này có hướng dịch chuyển đáng kể trong nhận thức độc giả. Thay cho cảm hứng tiếp cận một chân dung văn hóa thì người ta lại đi tìm những câu chuyện nhằm thỏa mãn trí tò mò. Những cuốn sách nối theo lối này tiếp tục chiều chuộng sự tò mò là chính, nên gây nhiều dư luận trái chiều.

Theo nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn: “Hồi ký và tự truyện đều thuộc dòng văn học tự sự. Về mặt phạm vi phản ánh, hồi ký có biên độ đối tượng rộng hơn, còn tự truyện lấy một đối tượng làm trung tâm. Tuy nhiên, dù là hồi ký hay tự truyện, thì những nghệ sĩ trẻ cũng khó lòng đáp ứng đòi hỏi cần thiết của một cuốn sách. Bởi lẽ, sự trải nghiệm của nhân vật chưa đủ đầy đặn để có được những câu chuyện thuyết phục người đọc, đồng thời khi kể lại những va vấp bản thân thì cũng không đủ dũng cảm bày tỏ chân thành và thấu đáo. Cho nên, phần lớn các cuốn sách của nghệ sĩ trẻ chủ yếu mang tính giải trí cho người hâm mộ!”.

Hồi ký hoặc tự truyện có thế mạnh giúp con người có được cảm giác an toàn để nhìn thẳng vào sự thật, bằng phương tiện hữu hiệu là độ lùi thích hợp của thời gian. Hồi ký hoặc tự truyện không có biên độ tiết lộ sự thật, mà yêu cầu năng lực phô diễn sự thật. Hồi ký hoặc tự truyện vận hành theo cơ chế trần thuật chủ quan, do đó tác giả phải biết tận dụng sự chi phối yêu ghét và sự xô đẩy quên nhớ của ký ức, để loại trừ những hệ lụy có thể phát sinh nguy cơ mang tính chất trừng phạt hoặc tổn thương những người liên quan.

HOÀNG NHÂN – VĂN BẢY

“Trong xã hội văn minh, hồi ký hoặc tự truyện luôn là một thể loại trọng yếu, để cuộc đời với trang sách song hành và thấu hiểu lẫn nhau. Chúng ta đang tập làm quen với hồi ký hoặc tự truyện, vì vậy cả độc giả lẫn tác giả đều phải có chung niềm tin: đó là vũ khí giải mật cho bầu trời quá khứ, và cũng là vũ khí giải thiêng cho bóng tối im lặng!” – Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn.

 

Cùng chuyên mục