Rừng Quảng Nam tiếp tục bị tàn phá tan hoang
Rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Nam liên tục bị lâm tặc đốn hạ trong thời gian dài nhưng chủ rừng lại không hề hay biết.
Ngày 28/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết đã có văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý hành vi phá rừng tại khu vực Rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My).
Theo phản ánh của người dân, nhiều tháng qua, một số đối tượng mang cưa máy, trâu kéo đến khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ thuộc thôn 5, xã Trà Giác. Khu vực này do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My) quản lý.
Theo quan sát của phóng viên, dọc theo lối mòn vào rừng phòng hộ có nhiều cây gỗ mới bị chặt hạ, vết cưa còn mới, lõi cây được xẻ đưa đi, còn lại gốc, bìa cây nằm lại. Một số cây gỗ vừa đốn hạ, phân thành khúc chưa được cưa xẻ nằm ngổn ngang bên cạnh. Tại khu rừng trồng gỗ keo giáp với rừng phòng hộ (xã Trà Giác) có 16 phách gỗ dài khoảng 3 m, rộng 40 cm và 5 phách dài 5 m, rộng 15 cm được tập kết để chờ chuyển ra ngoài.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết qua kiểm tra ban đầu đã xác định được 16 cây gỗ bị đốn hạ, thuộc khoảnh 6, tiểu khu 815 (xã Trà Giác); vị trí tập kết 16 phách gỗ (2,4m3) thuộc khoảnh 7, tiểu khu 815. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục kiểm tra hiện trường đồng thời lập biên bản bàn giao Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My xử lý.
Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Bắc Trà My liên tục xảy ra các vụ phá rừng phòng hộ. Cuối tháng 3, tại xã Trà Bui, lâm tặc dùng cưa máy vào rừng phòng hộ Sông Tranh chặt hạ 20 cây gỗ. Trong đó có hai cây gỗ chò, còn lại là gỗ chuồn với khối lượng hơn 17 m3. Đầu tháng 8, 18 cây gỗ rừng tự nhiên thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 781 (thôn 1, xã Trà Kót) bị chặt hạ. Cuối tháng 8, 10 cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên xã Trà Nú cũng bị khai thác trái phép.
Một số hình ảnh phóng viên ghi lại:
Q.Vinh
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/rung-quang-nam-tiep-tuc-bi-tan-pha-tan-hoang-20191128102825258.htm