Quyền hy vọng

Có thật là xã hội chúng ta đang bị thống trị bởi cái xấu, bởi sự suy đồi? Có thật là chúng ta không còn gì để hy vọng rằng cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn? Có thật là thế hệ trẻ ngày nay quay lưng lại với những vấn đề chung, chỉ biết sống cho mình?

Ngày lại ngày chúng ta nghe thấy hoặc tận mắt chứng kiến rất nhiều những đi xuống của xã hội. Không chỉ là sự mất mát thiếu hụt các nền tảng kinh tế, khoa học cơ bản. Không chỉ là những tan vỡ của các bong bóng tài chính, bất động sản. Không chỉ là những thảm họa của môi trường, biến đổi khí hậu, của những tai nạn, bệnh dịch. Không chỉ là chất lượng và môi trường giáo dục đi xuống. Không chỉ là củi, là lửa của những vấn đề chính trị đang nóng hổi…

Còn một điều người ta hay nói đến đó là sự tụt dốc của những giá trị đạo đức, rằng thế hệ trẻ ngày nay sống quá ảo, quá vật chất, không có tư tưởng, không có đam mê, chỉ biết đến lợi ích và hưởng thụ cá nhân, không quan tâm gì đến các vấn đề chung của cộng đồng. Một số trí thức lớn tuổi thậm chí còn bi quan cho rằng đất nước sẽ chẳng còn trông đợi vào ai khi mà giới trẻ đang ngày một vật chất và cá nhân hóa như thế!

Có lẽ tôi cũng sẽ như hầu hết mọi người đều lo ngại và thậm chí rất bi quan vào xã hội hiện tại – nơi chúng ta đang sống, nếu không có những cuộc gặp gỡ mà tôi sẽ kể sau đây, từ khi tôi bắt đầu thành lập Dự án Nhà Chống Lũ…

Những người trẻ mộng mơ

Tôi bắt đầu dự án Nhà Chống Lũ với các bạn và những anh chị hơn tuổi, duy nhất chỉ có một cậu kém tôi hai tuổi nhưng “già trước tuổi”. Lúc đó tôi thầm nghĩ các bạn trẻ ngày nay chỉ thích các công việc thời thượng, lương cao, hào nhoáng, chứ không nghĩ đến những công việc vì cộng đồng, vừa vất vả, vừa thu nhập không cao. Suy nghĩ ấy bắt đầu thay đổi khi chúng tôi lần đầu hợp tác với một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam để triển khai địa bàn Quảng Bình.

Bạn điều phối viên tên Cải (tên thật là Nguyễn Thu Lành) được cử làm việc khiến tôi khá ấn tượng, một cô bé 9X nhỏ như hạt tiêu nhưng nói năng gãy gọn, hóm hỉnh. Càng về sau, tôi càng nể cô bé hơn khi có những chuyến đi thực địa cùng. Cải có khá nhiều kinh nghiệm làm cộng đồng và đặc biệt rất bản lĩnh khi dẫn dắt những cuộc họp, đào tạo và tập huấn cho người dân địa phương. Cách sắp xếp tổ chức công việc cũng rất khoa học và bài bản.

Hóa ra, Cải từng điều phối một chương trình phát triển bền vững và phát triển bản thân tên Be Change Agents (BCA). Cải cũng tham gia đào tạo một số nội dung cho các bạn trẻ trong chương trình.

 

Nguyễn Thu Lành với người dân xây nhà chống bão ở Khánh Hòa.

Ngoài ra, cô bé còn điều phối và đào tạo một số chương trình diễn đàn thanh niên phát triển bền vững trong mạng lưới Thế Hệ Xanh. Điều thú vị là cô bé viết rất hay, rất tình cảm. Thế là sau một năm làm địa bàn của Nhà Chống Lũ, Cải chính thức trở thành thành viên dự án phụ trách truyền thông kiêm quản lý địa bàn.

Cá tính và quyết liệt, cô bé bỏ ngang chương trình đại học để đi làm các dự án cộng đồng này cũng vấp phải rất nhiều khó khăn khi làm việc với các anh chị lớn tuổi và bà con ở các địa bàn. Tuy nhiên, bằng sự đam mê, trách nhiệm và linh hoạt của mình, cô bé đã lần lượt kinh qua các công việc, các địa bàn của dự án, và rồi hiện nay trở thành người điều phối Nhà Chống Lũ, một dự án khó khăn và quan trọng của Sống Foundation.

Một bạn trẻ nữa khiến tôi hết sức ấn tượng chính là trợ lý đầu tiên của Dự án Nhà Chống Lũ. Đó là chàng trai Trần Quang Tuấn, sinh năm 1991. Cậu ấy rất điềm đạm, đẹp trai, rất yêu cái đẹp và có nhiều kỹ năng truyền thông mới. Tuấn đảm nhận vị trí trợ lý dự án tức là việc gì cũng phải biết, phải tham gia. Có thời gian dự án quá nhiều việc thì cậu ấy kiêm cả quản lý truyền thông và event. Tuấn có thành tích rất đáng nể là đã sáng lập một diễn đàn hơn 15.000 bạn trẻ yêu chụp ảnh có tên Humans of Hanoi.

Các thành viên trong diễn đàn của Tuấn kết nối với nhau bằng việc chia sẻ những câu chuyện ảnh mang vẻ đẹp con người Hà Nội ở những góc nhìn khác nhau trong cuộc sống. Tuấn nhìn cuộc sống qua lăng kính duy mỹ nên cậu ấy luôn làm tốt các công việc có liên quan đến cái đẹp như truyền thông, sự kiện. Cậu cũng được Nhà Chống Lũ đưa vào “chiến trường” ở những địa bàn khác nhau. Nhưng dù ở đâu, dù công việc có khó khăn đến mấy cậu vẫn nhìn thấy và ghi lại những vẻ đẹp của con người, của vùng đất mà cậu đặt chân tới.

Trần Quang Tuấn trong buổi ra mắt “Bước vào thế giới của nhau” – Humans Of Hanoi

Tôi cũng gặp và tham gia hỗ trợ một quỹ học bổng nhỏ có tên BFF của các bạn trẻ 9X Sài Gòn. Thoạt nhìn ban đầu sẽ có nhiều người nói, ôi toàn tụi con nhà đại gia làm quỹ để đánh bóng bản thân. Tuy nhiên, khi thực sự làm việc với các em thì mới thấy khâm phục sự bài bản, chuyên nghiệp, sự tận tụy của các em trong việc kết nối, gây quỹ, lựa chọn, trao học bổng và hướng dẫn các bạn sinh viên nghèo trong suốt bốn năm đại học. Ban điều hành của Quỹ liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ, đào tạo các bạn một cách rất sáng tạo, đưa các em sinh viên đã được tặng học bổng vào các hoạt động, các sự kiện của mình và dõi theo từng bước đi của các em về học hành, về phát triển bản thân.

Bên cạnh công việc của Quỹ, mỗi thành viên của BFF đều là các bạn trẻ tự lực, xây dựng start up của mình bằng nguồn vốn đầu tư cá nhân nhỏ, rồi nỗ lực phát triển và mở rộng kinh doanh một cách chuyên nghiệp và chỉn chu. Tiếp xúc và làm việc với các em, tôi luôn cảm thấy tích cực và hy vọng. Hóa ra ngay trong lớp con cháu của những đại gia mà xã hội thường hay đánh đồng, có những bạn trẻ vô cùng tích cực khiến ta có thể tin tưởng và hy vọng một cách vững vàng.

Làm phát triển cộng đồng cho tôi cơ hội gặp rất nhiều tình nguyện viên. Trong số ấy Khổng Thị Thúy Mỹ là một cô bé mà tôi rất chú ý. Bởi cô bé hồn nhiên, chân thành, đam mê công việc xã hội này có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cô bé làm tình nguyện viên, rồi cộng tác viên cho Nhà Chống Lũ và rất nhiều dự án cộng đồng khác khi đang theo học Đại học Hoa Sen. Nhà nghèo, cứ đi làm có đủ tiền thì cô bé lại đăng ký học tiếp một hai môn ở trường. Mà đi làm cộng đồng thì thu nhập cũng hết sức hạn chế. Mỹ cứ vừa làm vừa học kẽo kẹt như vậy cho đến khi trúng học bổng toàn phần của Đại học RMIT.

Khổng Thị Thúy Mỹ.

Trước khi nhập học, Mỹ có đến gặp tôi xin vay 5 triệu đồng mua máy tính xách tay và sẽ trả dần hàng tháng trong vòng một năm bằng cách đi làm thêm ngoài giờ học. Rồi đến khi sắp tốt nghiệp, cô bé lại viết thư cho tôi muốn quay lại làm cho Sống Foundation vì đã có thêm kiến thức tài chính kế toán theo chuyên môn của mình. Mới đây, cô bé đã trúng một học bổng 6 tháng về quản lý dự án ở Mỹ. Cô bé xin tạm nghỉ để đi học với lời hứa nhất định sẽ quay lại làm việc cho Quỹ để đóng góp những gì đã được học ở khóa học này.

Người trẻ mộng mơ nhất trong những bạn trẻ mộng mơ mà tôi gặp là cô bé trợ lý của tôi hiện tại. Một cô bé 9X có tên Hà Lemmy. Tôi gặp Lemmy lần đầu trong cuộc thi marketing có tên Bản lĩnh Marketer mà tôi làm giám khảo năm 2012. Phải nói team của cô bé rất sáng tạo. Các ý tưởng dự thi và phản biện hết sức thông minh và sắc sảo. Tuy nhiên, năm đó, chúng tôi đã chấm giải nhất cho một đội khác “điềm tĩnh” hơn. Và cô bé đã khóc thút thít trên sân khấu.

Bẵng đi vài năm sau, tôi mới biết cô bé đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên mang tên Tôi Xê Dịch năm 2012, sáng tạo và thực hiện Đêm trắng cầu Long Biên 2013, Tiếng trống Chèo 2015, và tổ chức rất nhiều hoạt động truyền thông về các giá trị của văn hóa dân gian.

Lemmy hiểu biết và yêu thích đặc biệt các loại hình hát múa dân gian như chèo, ca trù, xẩm, hát văn, múa rối, dân ca quan họ… và nghệ thuật tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình (Huế)… Và một hoạt động của các em mà tôi rất thích là “Hà Nội bộ hành”. Đó là một trong những hoạt động văn hóa du lịch của dự án Tôi Xê Dịch, đối tượng hướng tới là các bạn trẻ, nhằm truyền cảm hứng và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ văn hóa di sản và ngành nghề truyền thống.

Hà Lemmy (trái) trong buổi tìm hiểu tranh Hàng Trống cùng nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê.

“Hà Nội bộ hành” quy tụ một nhóm các bạn trẻ yêu Hà Nội, muốn gìn giữ Hà Nội thông qua lan tỏa thông tin về những vẻ đẹp của Hà Nội bằng việc cung cấp những tour đặc biệt về kiến trúc, khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, sân khấu. Nhưng cô bé mộng mơ ấy lại muốn học thật sâu các kiến thức về thương hiệu, về quản trị. Thế là Lemmy quyết định “đầu quân” làm trợ lý cho tôi. Với vị trí đầy ắp trách nhiệm của công ty này, nhưng cô bé lúc nào cũng đầy ắp lạc quan và sẵn sàng gánh vác thêm những công việc trong các dự án của Sống Foundation nữa.

Những kiến trúc sư của tương lai

Những ngày cuối năm, mọi người ai cũng hối hả cho các cuộc tụ họp, những chuyến đi chơi hay về quê thăm gia đình… Nhưng có một nhóm bảy em sinh viên Kiến trúc và Kiến trúc Nội thất cùng cô giáo hướng dẫn của mình – tiến sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên – vẫn đang say sưa cùng nhau thảo luận, xem lại bản in test để hoàn thành cuốn Cẩm nang Nhà Chống Lũ.

Suốt ba tháng nay, các em miệt mài thức khuya dậy sớm, dành hết thời gian ngoài giờ đến giảng đường để xây dựng cuốn cẩm nang này cho Dự án Nhà Chống Lũ của Quỹ Sống. Mà lượng thông tin và dữ liệu của Dự án vô cùng rải rác, chắp nối do năm năm đầu, Nhà Chống Lũ chỉ có năm thành viên triển khai tại 11 tỉnh, chủ yếu kết nối với nhau qua facebook. Mỗi người vừa phụ trách địa bàn vừa kiêm một chuyên môn phụ trách chung như kiến trúc, xây dựng, cộng đồng, truyền thông… nên việc lưu trữ dữ liệu còn rất nhiều vấn đề. Đặc biệt khó khăn là các em hầu như chỉ được trao đổi, làm việc với nhóm thành viên Dự án qua email, chat, nhắn tin, vì năm người sống tại bốn tỉnh nên ai cũng di chuyển liên tục.

Hôm nay, các bạn trẻ trong nhóm Cẩm nang đã ra được bản in test đầu tiên! Cứ âm thầm, lặng lẽ, vậy mà bảy sinh viên từ năm hai đến năm tư này đã làm một lượng công việc khổng lồ mà các anh chị trong Dự án Nhà Chống Lũ khởi động từ 2016 vẫn không xong. Dữ liệu bao gồm thông tin của gần 700 căn nhà từ thiết kế đến dự toán, rồi thông tin kinh tế, địa chất, khí hậu… từng vùng.

Cuốn cẩm nang được phát triển với mục đích chia sẻ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đặc biệt có phiên bản dành cho bà con, để bà con hiểu và chủ động làm nhà theo thiết kế và hướng dẫn kỹ thuật của Dự án. Vì vậy, nó rất có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng cho các mô hình và phương pháp của Dự án được lan tỏa và ứng dụng từ cộng đồng.

Một gia đình tham gia giải chạy “Run for Future” của BFF 2017.

Hơn cả cám ơn, tôi và các thành viên trong Quỹ trân trọng và nể phục các em – những kiến trúc sư tương lai đầy tài năng, trong sáng và tâm huyết. Các em không chỉ giúp Nhà Chống Lũ thực hiện một công việc khó khăn mà còn cho chúng tôi niềm tin về một thế hệ trí thức mới có hoài bão và đam mê. Chúng tôi đặc biệt cám ơn “nhạc trưởng” của “dàn nhạc” này, người thầy của các em – tiến sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên – đã truyền cảm hứng và hướng dẫn các em!

* * *

Tôi rất tâm đắc câu nói của Martin Luther: “Mọi điều được làm trên trái đất này đều được làm bằng sự hy vọng”. Và những cuộc gặp gỡ đã có khiến tôi thêm vững tin vào “quyền hy vọng” của mình vào các bạn trẻ, những người biết chọn lọc để học hỏi, biết sống hết mình, biết chung tay vì những giá trị chung của cộng đồng. Quan sát thật kỹ thì hình như những hy vọng ấy có một mẫu số chung là người hy vọng và người mang đến niềm hy vọng cần có sự kết nối, chúng ta sẽ chẳng thể hy vọng vào ai, vào điều gì nếu chúng ta không thực sự “kết nối” với họ, truyền cảm hứng cho họ, nếu chúng ta không bắt tay vào làm những điều mà chúng ta hy vọng họ sẽ làm.

Ai trong chúng ta cũng có “quyền hy vọng”, bởi cuộc sống này còn có rất nhiều người biết dấn thân cho những điều tốt đẹp, nhưng chúng ta có sử dụng “quyền” đó để “hy vọng” không thì tùy thuộc vào chính chúng ta.

Phạm Thị Hương Giang – Biệt danh Jang Kều – nhà sáng lập kiêm chủ tịch Sống Foundation
Theo Báo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục