Quảng Nam tỉnh phú
Quảng Nam tỉnh phú là một bài Đường phú làm theo thể phú lưu thủy và phóng vận. Tác giả dùng những chữ đầu (hoặc chữ cuối) của tên các phủ huyện của tỉnh Quảng Nam thời ấy làm vần: “Dĩ Điện, Diên, Duy, Hòa, Thăng, Lễ, Quế, Đông vi vận”, nguyên tác bằng Hán văn của TS.Trần Đình Phong (1847-1920), bản dịch quốc ngữ của cử nhân Hồ Ngận.
Bài phú có thể xem là cuốn giản sử về mọi mặt của Quảng Nam: từ vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống, kinh tế, tài nguyên đến làng nghề, thời tiết, khí hậu…
Vị trí địa lý
Tác giả chỉ rõ những địa danh tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam giúp người đọc có thể định vị Quảng Nam một cách dễ dàng:
“….Nam giáp Quảng Ngãi, Bắc giáp Thừa Thiên, Đông lân đại hải ngoại, Tây dữ Lào La Liên.
Tây Bắc Cu Đê, Tây Nam Hữu Bang, Ký mậu dĩ triển, Đông Bắc Đà Nẵng, Đông Nam Đại Yểm…
…Khỉ hải khẩu nhi chí nguyên đầu, cửu thập dư lý số,
Tùng Vân Quan nhi tận Tân bản, thất trạm tương đệ huyền
(…Nam giáp Quảng Nghĩa, bắc giáp Thừa Thiên, tây giáp Lào, Xiêm đông giáp biển cả.
Cu Đê tây bắc, Hữu Bang tây nam, Đại Yểm đông nam, Đà Nẵng đông bắc.
Từ cửa biển đến đầu nguồn, chín mươi dư dặm.
Từ Hải Vân vô Bến Ván, bảy trạm liền nhau).
Lịch sử
Bài phú kể rõ quá trình hình thành của Quảng Nam. Từ thời Trần trở về trước, Quảng Nam thuộc đất Chiêm Thành, đến nhà Hồ năm 1402, Hán Thương đặt là Thăng Hoa lộ, đến Hồng Đức thứ hai (1471), sau khi công cuộc bình Chiêm thắng lợi, vua Lê Thánh Tông lấy 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Năm Giáp Thìn (1604) chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, Thừa tuyên Thuận Hóa đặt làm phủ Điện Bàn sáp nhập vào Dinh Quảng Nam:
“Thuộc Chiêm chi cựu, Tự Trần dĩ tiền, Hồ vi lộ trị, Lê trí Thừa Tuyên.
Hồng Đức thống phủ tam, tắc kim Tư Nghĩa dữ Hoài Nhân thuộc dã
Tiên triều tăng phủ nhứt, tắc trích Thuận Hóa Điện Bàn nhi lệ yên”.
(Từ Trần về trước thuộc đất Chiêm Thành, Lộ đặt từ Hồ, Thừa tuyên Lê đổi.
Kể cả phủ Hoài Nhơn, Tư Nghĩa, Hồng Đức có ba.
Tháp vào đây Thuận Hóa, Điện Bàn, tiên triều thêm một).
Về tên gọi, thời chúa Nguyễn gọi là Dinh Quảng Nam, Gia Long năm thứ 8 (1809) đặt Quảng Nam thành một trong bốn dinh trực lệ, trực thuộc vào chánh Dinh Thuận Hóa, Minh Mạng năm thứ 8 (1827) đổi dinh thành trấn bỏ hai chữ trực lệ, Minh Mạng thứ 13 (1832) đổi trấn thành tỉnh:
“Văn kỳ giáo, hạ kỳ nhân, ngã Thái tổ chuyên chánh dĩ hậu,
Dinh nhi trấn, trấn nhi tỉnh, ngã liệt Thánh kế vị chi niên”.
Văn hóa
Theo bài phú, tỉnh lỵ Quảng Nam đóng tại La Qua được xây bằng gạch kiên cố, Quảng Nam có trường tỉnh ở Thanh Chiêm, nơi Trần Đình Phong làm Đốc học, có miếu thờ Khổng Tử, Tứ Phối, Thập Triết và Thất Thập Nhị Hiền cùng thân phụ Khổng Tử ở làng La Qua, phía trước có sơn đồn, hải bảo (đại đồn) để phòng vệ. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) do nước xói lở phải dời qua Đông Bàn. Cuối cùng dời về Thanh Chiêm. Sau 1945, di tích này bị tàn phá vì chiến tranh.
Sứ quán đặt tại Hội An, Thương chánh có hai sở Đà Nẵng và Tam Kỳ:
“La Qua chi nguyên hề, tỉnh thành ngật bách trĩ cao dung, Thanh Chiêm chi dương hề, tỉnh học bàn đại thành cung điện.
Đàn long trật hề phụng thần hưu, Miếu sùng tự hề yếu linh quyến, Sơn đồn hải bảo hề thủ dĩ thời, Sứ quán thương cuộc hề cận thỉ kiến”.
(Làng La Qua là nơi tỉnh lỵ, dinh thự nguy nga,
Xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường, cửa nhà đồ sộ.
Miếu thờ thánh, đền thờ thần, đồn bảo giữ gìn mọi nẻo.
Sứ có quán, thương có cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu).
Trong “Quảng Nam tỉnh phú” tác giả ngợi khen Quảng Nam có núi cao hùng vĩ:
“Tả vụ phê vân, Thiên trụ tùy bút ba chi tú,
Phi châu lặc thạch, Chúa phong tiên ấn tích chi kỳ”
(Quế Sơn có núi Thiên Trù cao ngất tầng mây,
Phú Nham có núi Chúa sơn còn lưu dấu tích).
Quảng Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Tàu ở phía tây huyện Duy Xuyên, thế núi cao hùng vĩ làm trấn sơn cho một phương, niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1852) đổi tên là núi Tào có liệt vào từ điển, Nhà nước thường năm cúng tế. Ngũ Hành Sơn là một trong 36 động ở nước Nam, vua có vịnh thơ:
“Biểu trấn tắc Trà Sơn nhi số thập lý chi cao, tỉnh đàn liệt tự,
Lãm thắng tắc Hành Sơn tam thập lục cảnh chi nhứt, thánh chế hữu thi”
(Tào Sơn cao mấy chục dặm dư, tỉnh đàn có tế,
Hành Sơn có ba mươi sáu cảnh, Ngự chế có thi).
Con người
Với tài quan sát tinh tế, tác giả miêu tả thiên nhiên, sông núi Quảng Nam bằng những hình ảnh chân thực, sinh động khiến cảnh vật hiện ra trước mắt người đọc đẹp như tranh vẽ, thể hiện được nét độc đáo của từng cảnh, từng nơi. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là con người. Trần Đình Phong đã ca ngợi Quảng Nam là đất “Địa linh nhân kiệt” có truyền thống hiếu học, nhiều nhân tài, nhiều bậc anh hào nghĩa sĩ:
“Hoàn giác địa linh nhân kiệt, uất vi anh tuấn chi đa…
…Hữu nhị giáp, tam giáp chi thọ xí, Hữu trung quân, hữu quân chi siêu thừa
Hữu khẳng khái nhi khí hùng cách mã, Hữu hoàn hùng nhi phấn dõng ưng dương”.
(Mới biết địa linh nhân kiệt nảy sinh anh tuấn khác thường …
…Thi đỗ nhị giáp, tam giáp, quan đến trung quân, hữu quân
Khẳng khái anh hùng, biểu dương trí dũng).
Kinh tế
Quảng Nam còn là vùng đất giàu có:
“Quán viên thùy nhị, lang thọ giao da, Duyên mẫu kỳ nhân, dã điền sum huất.
Lâm sản sở xuất, nghiệp đắc lợi dã đa tại nguyên đầu, Hải vật duy thát, nghiệp đắc lợi dã cân chư hải tế”.
(Vườn có nhiều cau, ruộng có nhiều mía, đầu nguồn nhiều lợi cây gỗ, dưới bể nhiều lợi cá tôm).
Thương nghiệp phát triển, công nghiệp có nhiều thợ thủ công khéo tay, nhiều làng nghề nổi tiếng).
“Thương thông nam bắc chi hóa, châu thuyền tắc Trà Nhiêu, Bàn Thạch, phố hàng tắc Minh Hương Hội An,
Công tuần tổ phụ chi quy, lô dã tắc Phước Kiều, Phú Xuân, phủ cận tắc Kim Bồng, Phố Thị”.
(Thương thì buôn bán bắc nam, phố Minh Hương, Hội An, thuyền Trà Nhiêu, Bàn Thạch.
Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, chợ Phố).
Nhiều thổ sản, tài nguyên quý hiếm:
“Phong lạp lộc nhung, tê giác tượng xỉ.
Tiên giang, Trà Nô, Lỗ thủy địa hữu xuất kim,
Ba Vi, Chiên Đàn, Trà My lâm thường sản quế.
Đồng, duyên nhược thiết, khai thể hữu chinh,
Sa quyến phương lăng, nghiệp trưng hữu thuế”.
(Lộc, nhung, sáp ong, ngà voi, tê giác
Tiên Giang, Trà Nô, Lỗ Thủy đất có lộn vàng.
Ba Vi, Chiên Đàn, Trà My rừng thường sinh quế.
Cũng có mỏ đồng, mỏ chì, mỏ sắt,
Cũng hay dệt sa, dệt lụa, dệt là).
Bài phú đã thể hiện tri thức uyên bác, tài quan sát tinh tế; bao trùm lên tất cả là tình cảm thắm thiết của Trần Đình Phong đối với vùng đất “Địa linh nhân kiệt” mà ông đã xem là quê hương thứ hai của mình. Quảng Nam tỉnh phú không những là một áng văn chương hay mà còn là một tài liệu vô cùng quý giá cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Quảng Nam thời nhà Nguyễn.
Châu Yến Loan
Theo Báo Quảng Nam