Quảng Nam 200 năm trước…
Năm 1819 dưới triều Gia Long, chiếc thuyền buôn mang tên Henry từ Pháp lần đầu tiên đã đến kinh đô Huế rồi cập cảng Đà Nẵng và đến Hội An, mang theo hàng hóa, vũ khí bán cho nhà vua và cả dân chúng. Rất may, thuyền trưởng Rey của thương thuyền này đã có những ghi chép khá cụ thể về hai bến cảng và thành phố trực thuộc Quảng Nam lúc bấy giờ.
Trước khi đi vào chi tiết, thuyền trưởng Rey đã có những đánh giá tổng quát về con người: “Người dân Việt Nam bản chất nhẹ nhàng, hiền hòa, lễ độ và thông minh. Người bình dân ở xứ này hơn hẳn thành phần tương tự ở Trung Hoa và còn hơn cả người Âu châu nữa về mặt đạo đức và tốt bụng”. Là một nhà buôn, tiếp xúc với nhiều hạng người và từ “văn hóa chợ”, ông đã kết luận như vậy, chúng tôi nghĩ là có cơ sở.
Một Hội An đầy mê hoặc
Rey ghi nhận cách ăn mặc, có lẽ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên: Đàn ông mặc quần dài và rộng, giấu thắt lưng bằng đai bên dưới áo cánh lụa hay vải nhiều màu khác nhau. Đàn bà mặc quần dài bằng lụa giống đàn ông che phủ bởi áo dài phủ xuống tận đất, tay áo rất dài và rộng. Họ mang theo túi đựng trầu cau bằng sa tanh…
Ngày 4.9.1819, Rey từ Huế đưa thuyền về vịnh Đà Nẵng sau một ngày trên biển và đến gặp Tổng đốc Quảng Nam ở tư dinh tại Chợ Củi (Chou Couy) cách Hội An 2 hải lý. Rey di chuyển bằng cáng, trong khi vị y sĩ tháp tùng đi bằng thuyền theo con rạch nhỏ, có vẻ như theo sông Cổ Cò. Hành trình kéo dài từ Ton Han đến Hội An cũng mất 9 tiếng đồng hồ.
Rey mô tả nhà quan tổng đốc có tường gạch bao quanh, phía sau có trại lính, chùa và nhà ở của gia nhân. Vào tặng quà cho quan Tổng đốc để trình bày việc bán hàng ở Hội An cũng vẫn bị khám xét. Nhưng ấn tượng với vị thuyền trưởng là cảnh vật của phố Hội An: “Hội An giống một đại thương xá bên Ấn Độ. Thành phố gồm một con đường rất dài, nhà bằng gạch xây một tầng. Tất cả đều buôn bán nên có mặt tiền và kho hàng quay ra đường… Dân số ở đây độ 60 ngàn và 1/3 trong đó là người Trung Hoa. Một vài con rạch chạy vào thành phố và thuyền bè cũng có thể xuôi ngược được như ở Huế. Những thuyền lớn của người Hoa trọng tải 600 tấn đến Hội An hàng năm. Con sông chia thành 3 nhánh, một chạy thẳng ra biển phía Cù Lao Chàm một chảy vào vịnh Tourane (Cổ Cò) và một nhánh thứ ba chảy về phía nam (Trường Giang), nhưng 2 nhánh sau chỉ có thuyền nhỏ đi lại được thôi”. Như vậy về mặt địa hình ít có thay đổi, nhưng dân số lúc đó như vậy là khá sầm uất, giúp ta hình dung được sự phồn thịnh của cảng thị này từ đầu triều Nguyễn.
Một Đà Nẵng đắm say
Mấy ngày sau Rey cùng đoàn tùy tùng quay lại Đà Nẵng trong đêm và bị lính canh kiểm tra rất nghiêm ngặt nhiều nơi, chứng tỏ việc phòng bị của nhà Nguyễn là khá nghiêm. Trái lại, ở Đà Nẵng lúc đó thì: “Con đường có nhà cửa hai bên và ở đâu khách lạ cũng có thể xin giúp đỡ hay ngủ trọ và được tiếp đón niềm nở, coi như vinh dự của chủ nhà”. Rey nói rằng 50 năm trước, người Đà Nẵng cũng đối xử với khách như vậy, kể cả đến bữa cứ tự nhiên ngồi vào bàn ăn.
Sau khi ra Huế một lần nữa, Captain Rey đã quay lại Quảng Nam bằng đường bộ. Ông mô tả cảnh vật từ đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống vịnh Vũng Thùng như một “khung cảnh hùng vĩ” và ông trông thấy chiếc tàu viễn dương Henry neo trong vịnh chỉ nhỏ như “một hạt dẻ”. Điều này, gần một thế kỷ sau, Toàn quyền Paul Doumer từng mô tả khi nhìn xuống Đà Nẵng: “Đà Nẵng xuất hiện. Thật đắm say! Không có một cảnh thần tiên nào của Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt vừa lớn lao như vậy. Ta lấy vịnh đẹp nhất của Pháp là Villefranche để làm ví dụ; phải lấy diện tích của vịnh đó mà nhân lên gấp 10, 20 lần và lấy các vùng đất cùng độ cao của các dãy núi ở đó mà nhân lên cả trăm lần ta mới có được Đà Nẵng với vùng vịnh và đồng bằng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân…”(Xứ Đông Dương, tr.333).
Trở lại với thuyền trưởng Rey, từ đèo Hải Vân ông đã đi qua các làng Chân Sảng, Thủy Tú và cho biết, các loài thú rừng như chim công, cọp, voi, trâu rừng nhiều vô kể. Người dân dùng chó và bẫy để săn cọp một cách tài tình và hấp dẫn. “Ngà voi, chân voi được coi là những chỗ đặc biệt thường được dâng lên các ông hoàng và quan lớn…”. Về khoáng sản, Rey cho biết mỏ vàng lớn ở gần Phú Ninh nhưng triều đình sợ người châu Âu thèm muốn nên tuyệt đối giữ bí mật!
Ngay ở núi Ngũ Hành Sơn, lúc ấy vẫn còn nhiều loại thú và thú vui săn bắt, bên cạnh những “hang động kỳ diệu, đẹp tuyệt trần, một kỳ công của thiên nhiên và thời gian”. Đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn 200 năm trước cũng đã được người dân “ở xung quanh tạc thành những hình thù khác nhau”. Như vậy vào thời đó làng điêu khắc đá đã hoạt động rồi mà có lẽ Rey chưa tìm hiểu hết!
Vai trò cực kỳ quan trọng
Sau cảnh đẹp của vịnh Đà Nẵng, có lẽ Hội An đã được vị thuyền trưởng Rey quan tâm đặc biệt bởi các hoạt động văn hóa ở đây. Ông cho biết, vua Gia Long lúc đó đã thiết lập các trường công và chia làm hai lớp, học để biết đọc biết viết khi trẻ đến 7 tuổi và lớp thứ hai dành cho ai có mộng văn chương, học tiếp các môn sử, Khổng giáo, khoa học tự nhiên và y khoa (chắc là Đông y). Sau 5 năm, lớp thứ hai này cử học sinh về kinh đô ứng thí, trường thi do thái tử làm chánh chủ khảo. Khi Rey ở Hội An năm 1819, Quảng Nam có 5 người thi đậu ở kinh đô và “dân chúng đang sửa soạn để ăn mừng trong dịp cực kỳ vinh dự này!” (dịch giả Nguyễn Duy Chính cho biết năm Kỷ Mão 1819 có 116 người thi đỗ trong toàn quốc, trong đó có 7 cử nhân). Trong lễ mừng cũng có đãi tiệc và diễn một tuồng hát để góp vui, có thể là hát bội!
TS. Nguyễn Duy Chính là người chuyển ngữ nhật ký hành trình của Captain Rey sang Quốc ngữ để in trong cuốn “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” của ông. Tác giả cho biết thêm, từ sau thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Việt Nam, vua Gia Long đã làm nhiều việc quan trọng trong thời gian cầm quyền của mình: xây dựng thành trì phòng thủ dọc bờ biển để ngăn chặn các cuộc tấn công của nước ngoài, nâng cao kiến thức về khoa học và kỹ thuật của châu Âu, trang bị nhiều vũ khí mới mẻ mua từ Pháp trước cả nhà Thanh ở Trung Hoa. Từ nhật ký của Rey, ta lại biết thêm: vua Minh Mạng từ khi còn là Thái tử Đảm đã học được khoa trắc địa, viết và đọc được chữ Quốc ngữ của các thừa sai Thiên Chúa dùng để giảng đạo lúc đó…
Điều này lại cho ta một suy đoán, phải chăng thái tử đã học chữ Quốc ngữ tại Hội An hoặc Thanh Chiêm. Nếu suy đoán này là đúng, thì quả thật từ 200 năm trước, sau khi Gia Long thống nhất sơn hà, Quảng Nam vẫn giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế lẫn những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa!
Nguyễn Sông Hàn
Theo báo Quảng Nam