Quản lý sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi
Giá trị xuất khẩu lâm sản năm qua vượt kế hoạch, cao nhất trong nhóm ngành nông nghiệp. Năm 2020, ngành lâm nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh cho trồng rừng gỗ lớn và tham gia quản lý theo chuỗi sản xuất.
Giá trị xuất khẩu gỗ tăng
Sở NN&PTNT thống kê, hiện cả tỉnh có 216.292ha rừng trồng, trong đó có 157.301ha rừng trồng sản xuất và diện tích đất được quy hoạch sản xuất là 44.774ha. Bình quân diện tích trồng trừng sản xuất hàng năm khoảng 13.000 ha, chủ yếu là trồng lại sau khai thác. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, phát triển đột phá kinh tế rừng cần có nhiều giải pháp, trong đó sớm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn gắn với thị trường tiêu thụ gỗ keo rừng trồng có chứng chỉ rừng đạt chuẩn quốc tế (FSC). Các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn từ việc trồng đến bao tiêu sản phẩm. Quảng Nam đang nghiên cứu hình thức hợp tác công – tư để phát triển chuỗi giá trị gỗ lớn FSC, định hướng phát triển chuỗi giá trị trồng rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Vướng mắc chủ yếu hiện nay ở hầu hết các nhà máy chế biến gỗ là thiếu nguyên liệu sản xuất. Phần lớn đều mua gỗ nguyên liệu từ người dân và các địa phương khác. Thậm chí muốn xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, các nhà máy bắt buộc phải nhập khẩu gỗ từ các nước do đối tác kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc xuất xứ khai thác để chế biến.
Theo ông Đoàn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, với tình hình như hiện nay, năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào; tuy nhiên trong vài năm tới công ty sẽ không bị động nguồn nguyên liệu do diện tích rừng trồng của công ty đã đến độ tuổi thu hoạch. Năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực hướng dẫn các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với người dân (doanh nghiệp bỏ vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân góp quyền sử dụng đất) chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – ông Hà Công Tuấn, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 tăng thêm hơn 1,8 tỷ USD, đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay, với hơn 11,2 tỷ USD so với mục tiêu ban đầu chỉ 10 – 10,5 tỷ USD. Năm 2020 là năm rất quan trọng do chuyển sang giai đoạn kế hoạch trung hạn. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp rà soát để thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu với mục tiêu tổng quát là phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng giống, thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ hiện nay sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu.
“Việc nữa là quan tâm các cơ chế chính sách để phát triển lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường rừng, phi lâm sản và hoàn thiện cơ chế chính sách không chỉ là cải cách hành chính mà cả cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp, người dân làm ăn kinh doanh, phát triển” – ông Tuấn nói.
Mở rộng thị trường
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, sau 7 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được ký kết cuối năm 2018 vừa có hiệu lực hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành gỗ. Hiệp định VPA/FLEGT tạo điểm nhấn, tăng vị thế quốc gia, đồng thời có tác dụng lan tỏa trong các hợp tác khác với EU và thế giới.
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá, EU được coi là thị trường rất quan trọng với ngành gỗ Việt Nam. Việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu trực tiếp vào 28 nước châu Âu, mà không cần phải qua một nước trung gian nào. Dự kiến trong vài năm nữa, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn một tỷ USD. Điều quan trọng, với những quy định rõ ràng về nguồn gốc gỗ hợp pháp, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Như vậy, việc thực thi hiệp định này, các doanh nghiệp trong nước sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU.
Năm 2020, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có; tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; phấn đấu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD. Khai thác rừng trồng tập trung 20,5 triệu mét khối.
Tổng cục Lâm nghiệp thông tin, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2019 là 11,2 tỷ USD (đạt 107% kế hoạch). Trong đó, xuất siêu lâm sản đạt 8,65 tỷ USD, cao nhất trong nhóm ngành hàng nông lâm sản xuất khẩu. Về xuất siêu lâm sản, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á. |
Trần Hữu
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/lam-nghiep/quan-ly-san-xuat-lam-nghiep-theo-chuoi-84211.html