Phim truyền hình Tết Canh Tý phát trên sóng các đài truyền hình vẫn tiếp tục là những câu chuyện mang thông điệp nhân văn, xoay quanh chủ đề về tình cảm gia đình, đoàn viên sum vầy nhưng không thiếu yếu tố thời sự, mang hơi thở cuộc sống đương đại.

Đào sâu tình cảm gia đình

Những năm trước, khán giả thường chờ đón phần tiếp theo của loạt phim Cô Thắm về làng được phát sóng trên HTV2 vào mỗi dịp Xuân về. Câu chuyện tình cảm giữa các nhân vật Thắm – Đượm – Cần – Kiệm cuốn hút trên nền tình làng nghĩa xóm, không khí Tết sum vầy lấy lòng khán giả. Tuy nhiên, sau 4 phần, Cô Thắm về làng không thực hiện tiếp phần 5 và điều đó đồng nghĩa Tết Canh Tý bớt đi một “món ăn” thường niên quen thuộc. Bù lại, khán giả được thưởng thức bộ phim “sit-com” (hài tình huống) Làm rể mười Xuân do Võ Đình Nhật Tân đạo diễn dài 34 tập, phát sóng trên HTV7. Phim có nội dung tập trung vào mối quan hệ cha vợ – chàng rể với nhiều cung bậc cảm xúc thông qua các tình huống gia đình gần gũi, mang đến tiếng cười và những khoảnh khắc xúc động. Phim cũng nói đến những yếu tố mang tính thời đại như xe ôm công nghệ, các kênh YouTube ẩm thực nở rộ… Ngoài NSND Thanh Nam, phim quy tụ dàn diễn viên trẻ như Tường Vi, Lê Minh Thành, Lê Nam, Tuyền Mập, Khánh Ngô, Huỳnh Nhu…

Cảnh trong phim “Đợi Mai”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Cảnh trong phim “Đợi Mai”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Hằng năm, Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) đều sản xuất một phim truyền hình chiếu Tết. Năm nay, TFS có phim Đợi Mai do đạo diễn trẻ Nguyễn Đỗ Khoa thực hiện, phát sóng trên HTV9. Phim kể về ông Minh mất 16 năm ròng rã tìm kiếm con gái tên Mai bị lạc vào dịp giáp Tết. Ông luôn tin rằng con gái đang ở rất gần mình và sẽ trở về vào mùa Xuân nào đó… Phim truyền thông điệp về tình cha con, lòng tốt, sự tử tế luôn tồn tại trong xã hội với đủ cung bậc cảm xúc hài hước, xúc động. Đợi Mai quy tụ dàn diễn viên: Quốc Cường, Phú An, Quang Thái, Hoàng Yến, Kim Đào, Đức Thịnh… Đạo diễn Nguyễn Đỗ Khoa chia sẻ phim quay trước Tết nên mất nhiều công sức, thời gian tái hiện không gian Tết phù hợp. Đặc biệt, khu chợ Tết xưa nơi con gái ông Minh thất lạc cũng được ê-kíp dụng công để mang đến hình ảnh chân thật trên phim. “Tôi hy vọng mọi người xem phim sẽ nhận thấy tình thân gia đình rất quý giá. Những chuyện năm cũ bỏ qua để đón Tết, chào một năm tươi sáng, sum vầy và hạnh phúc” – đạo diễn Nguyễn Đỗ Khoa cho biết.

Khung cảnh phim nhẹ nhàng, ấm áp

Ngoài ra, các phim Mùa Xuân ở lại (VFC sản xuất), Xóm rác bổ, Về nhà ăn Tết đi con cũng mang đến những câu chuyện khác nhau về tình yêu, tình cảm gia đình, lòng vị tha… Trong đó, Mùa Xuân ở lại do Danh Dũng đạo diễn, chiếu trên VTV1, là câu chuyện về cô gái trẻ tên Hòa quyết định lên miền núi dạy học vài năm nhằm kiếm một suất biên chế khi trở về. Kế hoạch là thế nhưng thực tế đã cho Hòa những trải nghiệm đáng quý.

Phim Xóm rác bổ, do Quách Khoa Nam đạo diễn, chiếu trên HTV7, kể về hành trình điều tra đường dây bán “rác bổ” là các nguyên liệu quý như nhân sâm, linh chi,… nhưng bị rút hết dưỡng chất. Tác phẩm lên án những người hám tiền mà kinh doanh thuốc đông dược kém chất lượng gây hại sức khỏe người khác. Về nhà ăn Tết đi con do Quyền Lộc đạo diễn, phát trên kênh truyền hình VTV Cap, xoay quanh sự gắn kết gia đình…

Hầu hết các phim truyền hình Tết Canh Tý đều đề cao giá trị nhân văn, tạo tiếng cười cho khán giả nhưng xen lẫn vào đó vẫn là những cảm xúc, những thông điệp lắng đọng về tình cảm gia đình, tình người. Không khí Tết được chú trọng ở những phim truyền hình phát sóng dịp Xuân và thông thường các phim này cũng chỉ kéo dài trong 4 – 5 tập, câu chuyện gãy gọn, không lê thê. Nhiều người trong giới nhận định phim chiếu dịp Tết hòa vào không khí vui tươi, nhẹ nhàng, khung cảnh ấm áp, vui nhộn. Tuy nhiên, khác với những năm trước, phim truyền hình Tết cũng đòi hỏi tiếng cười hợp lý, không hời hợt, qua loa vì nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày nay đã khác.

Phong phú phim chiếu mạng

Ngoài phim phát sóng truyền hình, sự bùng nổ của các phim web-drama (phim chiếu mạng) cho khán giả cơ hội được thưởng thức nhiều tác phẩm trong dịp Tết Canh Tý.

Không chọc cười khán giả bằng những câu chuyện hài hước vô bổ như trước, nhiều phim chiếu mạng có sự đầu tư kịch bản, xoay quanh tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình người trong xã hội. Theo thống kê, hiện có hơn 10 phim chiếu mạng ngắn tập lẫn dài tập kéo dài từ nay đến Tết Canh Tý. Một số phim chiếu mạng dịp Tết được quan tâm có Bố già, Nhà trọ có quá trời phòng, Về quê ăn Tết, Cái Tết của thằng Khờ phần 2,… Trong đó, phim Bố già do Trấn Thành sản xuất, đóng chính, viết kịch bản, kinh phí 4 tỉ đồng. Phim này nhận được vô số lời khen bởi kịch bản rất nhân văn, đời thường, lời thoại gần gũi, xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Tư Thành lái xe ôm trong một chung cư nghèo ở TP HCM. Dù có rất nhiều nhãn hàng quảng cáo tham gia nhưng được xử lý duyên dáng khiến khán giả hứng thú chờ từng tập. Phim quy tụ dàn diễn viên: Ngọc Giàu, Lê Quốc Nam, Anh Đức, Lâm Vỹ Dạ, Hari Won, Trúc Nhân…

Nhà trọ có quá trời phòng của Nam Thư cũng là câu chuyện tình nghĩa giữa một khu trọ có đủ dạng người sinh sống. Nam Thư vào vai chủ nhà trọ với sự phối diễn của những nghệ sĩ trẻ: Duy Khánh, Huỳnh Lập, Võ Đăng Khoa, Jun Phạm, Quang Trung, Cris Phan…

Về quê ăn Tết là sản phẩm do nghệ sĩ Việt Hương thực hiện, kể về chuyện Út Sang từ Mỹ trở về quê hương ăn Tết cùng gia đình sau bao năm xa cách dẫn đến bao chuyện dở khóc, dở cười. Phim có sự tham gia của Hoài Tâm, Tuấn Kiệt, Hữu Tín, Thùy Linh… Mỗi tác phẩm đều khai thác chủ đề khác nhau nhưng những giá trị nhân văn, tình cảm gia đình được đề cao. Ngoài ra, một số phim ngắn như: Xuân về con cũng về do Tạ Nguyên Hiệp đạo diễn, Chim ưng đen – Đêm giao thừa do Hàm Trần đạo diễn góp phần làm phong phú tác phẩm chiếu mạng.

Minh Khuê

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/phim-truyen-hinh-tet-de-cao-gia-tri-nhan-van-20200116203831955.htm