Thị trường phim truyền hình Việt đang trên đà khởi sắc nay có cơ hội không nhỏ từ đại dịch để mở rộng độ ảnh hưởng trong cuộc chạy đua chinh phục khán giả. Phim chiếu mạng Việt cũng đón nhận một lượng lớn những nghệ sĩ tham gia. Trong một cuộc cạnh tranh lớn, vấn đề chất lượng từ kịch bản đến diễn viên, bối cảnh được đầu tư ngày càng chỉn chu hơn.

Phim “Nhà trọ Balanha” sẽ phát sóng trên VTV3 từ 19/3. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Cơ hội chinh phục khán giả

TP.HCM tạm đóng cửa các rạp phim, sân khấu, quán bar… từ ngày 15 đến 31/3 nhằm hạn chế lây lan Covid-19. Như thế, để giải trí, lượng khán giả lớn ở thành phố chỉ có thể xem truyền hình hoặc lên mạng xem phim hoặc các chương trình khác. Họ trở thành một nguồn cầu lớn mà phía các đài truyền hình, các chủ kênh YouTube, các nền tảng chiếu mạng lớn có trả phí bản quyền như Netflix, Danet, Film+, Pops… tăng tốc chăm sóc, kết nạp thành viên.

Nếu ghi được ấn tượng tốt qua sản phẩm phục vụ chất lượng, khán giả có khả năng tiếp tục gắn bó với nền tảng ngay cả khi đại dịch qua đi. Nhìn dưới một góc độ khác, đại dịch cũng là cơ hội cho phim truyền hình, chiếu mạng chinh phục lượng khán giả mà trước đây bị phân tán bởi nhiều phương tiện giải trí khác nhau.

Đầu tháng 2/2020, VTV thông báo tăng suất chiếu cho phim truyền hình Việt của đài để đáp ứng nhu cầu khán giả. Theo đó, khán giả có thêm buổi tối thứ sáu hằng tuần để theo dõi phim thay vì chỉ từ thứ hai đến thứ năm như mọi khi. Cũng trong tháng 3, nhiều phim được kỳ vọng của VFC lần lượt ra mắt như Đừng bắt em phải quên (đạo diễn: Vũ Minh Trí), Tình yêu và tham vọng (đạo diễn: Bùi Tiến Huy), Nhà trọ Balanha (đạo diễn: Khải Anh).

TFS sản xuất 3 phim trong năm nay. Phim truyền hình Hoa trong bão (đạo diễn: Trần Cảnh Đôn) cũng lên sóng SCTV14 từ ngày 15/3. Một số phim truyền hình đang trong quá trình quay và cũng hứa hẹn tạo dấu ấn thị trường truyền hình Việt trong năm 2020 gồm: Vua bánh mì (đạo diễn: Nguyễn Phương Điền); Cây táo nở hoa (đạo diễn: Võ Thạch Thảo); Sui gia đại chiến (đạo diễn: Hồ Ngọc Xum)…

Do tình hình dịch bệnh, khán giả ở nhà nhiều hơn, phim truyền hình cũng như các chương trình truyền hình tăng cơ hội được phục vụ họ” – ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc hãng TFS, nhận định. Biên kịch Đông Hoa đồng quan điểm và cho biết thêm dù là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với những đoàn phim đang trong giai đoạn quay. Họ sẽ phải chọn lựa bối cảnh xa dân cư, chuẩn bị khẩu trang, sát khuẩn để bảo đảm cho nhân viên.

Phim chiếu mạng, phim trên các nền tảng mạng cũng trong tình trạng tương tự phim truyền hình. Mặc dù gây tranh luận trái chiều, khen chê khác nhau, chưa thể chinh phục toàn bộ khán giả nhưng phim chiếu mạng “Phượng khấu” (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh) cho thấy nỗ lực của ê-kíp trẻ với tác phẩm cổ trang, cung đấu, lấy cảm hứng từ nhân vật và một số sự kiện có thật trong lịch sử. Ngay tập mở màn, theo thông tin từ phía nhà sản xuất, lượng người truy cập xem phim quá nhiều khiến cho ứng dụng Pops bị “đứng”.

Chất lượng vẫn quyết định

Thị trường phim chiếu mạng trên YouTube tăng nhanh bên cạnh những tác phẩm thành công trước đó như Nhà trọ quá trời phòng của Nam Thư, Bố già của Trấn Thành. Đây không chỉ là “sân chơi” của những người trẻ muốn giao lưu với khán giả, duy trì độ nhận diện. Nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Hồng Vân, NSƯT Trịnh Kim Chi… gia nhập với sản phẩm đa dạng. NSND Hồng Vân có loạt phim Đại kê chạy đi, NSƯT Trịnh Kim Chi có Quỷ linh nhi, Kiều Linh có loạt phim Ma, Tuấn Trần có Thần chết tập sự, Hồ Quang Hiếu có Hiếu bến tàu

Hẳn nhiên, đây chỉ mới là những nền tảng miễn phí, chất lượng khó có thể sánh được với những tác phẩm đầu tư lớn từ các nền tảng thu phí như Netflix, Danet, Film+…

Dù là ở thị phần miễn phí hay thu phí, với sự tham gia của nhiều người, nhiều đơn vị, khán giả dư nguồn cung sẽ có đòi hỏi khắt khe hơn. Phim chiếu mạng Bố già của Trấn Thành đầu tư 4 tỉ đồng với kịch bản ổn, dàn diễn viên tên tuổi và diễn tốt tạo được độ thu hút lớn, hàng chục triệu lượt xem mỗi tập. Trong khi đó, phim Tô An ký của Adam Lâm cũng đầu tư 2 tỉ đồng nhưng lượt xem chỉ tính con số hàng trăm ngàn lượt mỗi tập.

Nhiều ý kiến trong giới nhận định không có dịch bệnh thì nền tảng mạng cũng dần trở thành xu hướng tương lai. Tuy nhiên, trong thời điểm mọi thứ đều được đưa lên mạng như hiện tại, lượng người nổi tiếng phải ở nhà nhiều, độ cạnh tranh cũng tăng cao và đòi hỏi chất lượng đi đầu.

Phim chiếu mạng trên nền tảng thu phí là xu hướng tương lai, một kênh phát hành lớn, nhất là trong những giai đoạn đặc biệt như Covid-19. Tuy nhiên, khán giả đòi hỏi sự đầu tư, chất lượng cho mỗi sản phẩm. Đó là lý do những phim nhiều tập chất lượng, hấp dẫn như “Vương triều xác sống”, “Tầng lớp Itaewon”, “Hạ cánh nơi anh”… được khán giả Việt xem nhiều trên nền tảng Netflix” – đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định. Anh nói thêm rằng thị trường này vẫn còn mới nhưng cũng không ít nhà làm phim Việt bắt đầu chuyển sang làm phim mạng một cách chỉn chu, có đầu tư.

Rõ ràng, một cơ hội luôn đi kèm với thách thức và để có thể chinh phục được khán giả không phải chuyện dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực chứ không phải ăn may, lợi dụng tình hình để tung sản phẩm kém chất lượng khiến công chúng mất niềm tin.

1 người nhiễm, đoàn ngừng quay

Đại dịch Covid-19 gây khó không chỉ cho phim điện ảnh chiếu rạp mà cũng là một thách thức khi công việc sản xuất trở nên mạo hiểm, khó hoàn thành đúng tiến độ. Nó đưa thị trường phim thu phí trên nền tảng mạng thế giới vào nỗi lo thiếu nguồn cung. Nếu có diễn viên hoặc bất kỳ thành viên đoàn phim nào bị nhiễm, cả đoàn phải dừng quay và nguy cơ có ở tất cả từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc…

Minh Khuê

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/phim-truyen-hinhonline-khoi-sac-trong-mua-dich-20200317204425409.htm