Phát triển nông nghiệp ở Tây Giang: Ưu tiên cây, con giống bản địa

Tây Giang đang tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế nền sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ và ưu tiên nuôi trồng, phát triển cây, con bản địa, tạo sản phẩm hàng hóa.

Cây cam Vinh từ mảnh vườn của gia đình anh Radal Nhi và chị Bling thị Bờnh (xã Atiêng, Tây Giang) đang phát triển tốt. Ảnh: H.LIÊN
Cây cam Vinh từ mảnh vườn của gia đình anh Radal Nhi và chị Bling thị Bờnh (xã Atiêng, Tây Giang) đang phát triển tốt. Ảnh: H.LIÊN

Nhân rộng mô hình

Từ các cơ chế khuyến khích của tỉnh, nguồn 30a, 135 của Chính phủ, huyện Tây Giang ưu tiên trồng và phát triển các cây dược liệu bản địa như đẳng sâm, ba kích, sả chanh và một số cây dược liệu tiềm năng khác. Theo UBND huyện Tây Giang, năm 2018, tổng diện tích trồng mới cây dược liệu (dưới tán rừng) của huyện là 139,3/190ha. Trong đó, diện tích cây ba kích là 48/60ha, đẳng sâm là 91,3/130ha; diện tích cây sả chanh trồng mới năm 2018 là 15ha. Triển khai Quyết định 2950 của UBND tỉnh về phát triển cây dược liệu, Tây Giang phát triển mới 60ha cây dược liệu; trong đó 35ha ba kích được trồng ở xã Tr’ Hy, Lăng, A Nông, A Tiêng, Bha Lêê, Dang; 25ha đẳng sâm được trồng ở các xã Ch’ Ơm, A Xan, Ga Ri.

Tây Giang còn nhân rộng các chương trình hỗ trợ cây, con giống bản địa và các giống cây ăn quả, cây dược liệu di thực có giá trị, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương như cây cam Vinh, cây mắc ca, lòn bon, bưởi da xanh… Nhiều mô hình trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện nhân rộng tại các xã. Cụ thể, mô hình trồng cam Vinh ghép tại các xã A Vương, xã Dang, A Tiêng, Bha Lêê trong dân với hơn 5.000 cây giống/13ha; mô hình cấp giống cây lòn bon trồng tại các xã Dang, A Vương với 15.350 cây/38ha; mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Tr’ Hy với 6ha.

Năm 2018, Trung tâm KTNN huyện xây dựng vườn ươm với diện tích 4.500m2 để ươm giống bản địa (ba kích, đảng sâm) và cây keo tai tượng Úc nhằm tạo giống cấp tại chỗ. Đồng thời, hỗ trợ phân bón chăm sóc cây đinh lăng năm thứ 2 tại các xã A Vương và Lăng (56 hộ dân) và cây mắc ca năm thứ 2 tại các xã Dang, Tr’ Hy, A Xan, Ch’ Ơm và Ga Ri với 40 hộ trồng/19ha.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI là điểm nhấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hiện đã lan rộng tại 7 xã với hơn 170 hộ tham gia trên tổng diện tích 7ha. Nhiều diện tích được nhân dân ứng dụng một phần kỹ thuật SRI như cấy thưa, cấy 1 dảnh, quản lý nước, năng suất bình quân sau thu hoạch cao nhất đạt 38,55 tạ/ha, vượt xa so với canh tác truyền thống là 29,5 tạ/ha. Hằng năm, ngành nông nghiệp tổ chức nhiều khóa tập huấn canh tác lúa theo kỹ thuật SRI và số lượng học viên tham gia trong các buổi tập huấn đạt tỷ lệ 70 – 80%. Tại nhiều địa phương, nông dân ứng dụng kỹ thuật SRI một cách đồng bộ và rộng rãi.

Năm 2018, Trung tâm KTNN Tây Giang đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông, từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có thể kể đến các mô hình hỗ trợ giống cam đường ghép, cam Vinh ghép kết hợp nuôi heo đen bản địa, nuôi cá trong ao nước ngọt tại xã A Tiêng. Ba hộ gia đình ông/ bà Bling thị Bờnh; Bling Dưới – Zơ râm thị Abhóa; Bling Prí – Bling thị Nhooi đã được hỗ trợ triển khai mô hình vườn – ao – chuồng trên diện tích 25.000m2. Các hộ trên được hỗ trợ 652 cây giống cam Vinh, 6.000 cây giống ba kích, 8 con heo đen bản địa (3 con đực, 5 con cái ); hỗ trợ 12.000 con cá giống các loại.

Chị Bling thị Bờnh chia sẻ: “Qua một năm trồng cam, cây đã cao quá đầu người, vừa rồi có quả nhưng cán bộ yêu cầu ngắt bỏ hết để dưỡng cây, tôi đã làm theo. Heo đen giống hỗ trợ hiện đã sinh sản một lứa, chúng tôi tiếp tục để nuôi. Cá trong ao tuy phát triển có phần chậm song cũng giúp gia đình tôi cải thiện đáng kể đời sống”. Do tập quán canh tác của người dân còn hạn chế nên hiệu quả các mô hình chỉ ở mức độ nhất định. Song, có thể nhận thấy, người dân ở các mô hình đã bắt đầu có ý thức tốt hơn, chú tâm chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện đời sống.

Mô hình trồng thâm canh, thu hoạch, bảo quản cây đẳng sâm thu hút 2 hộ dân ở thôn Achoong, xã Ch’ Ơm với tổng diện tích 2.000m2 cũng từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hay mô hình nuôi trồng thử nghiệm cây sâm 7 lá 1 hoa tại xã Lăng và Tr’Hy với 4.875 cây giống trên diện tích 7.500m2, 10 hộ tham gia nhằm bảo tồn loài cây quý tại Tây Giang. Mô hình nghiên cứu và phát triển nguồn gen bản địa cam Tây Giang do Trung tâm KTNN huyện phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp triển khai cũng góp phần bảo tồn nguồn gen bản địa, đồng thời phát triển mới 5ha tại 4 xã vùng cao cũng là nỗ lực của ngành nông nghiệp huyện…

Ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua, huyện tích cực đẩy mạnh các giải pháp tăng năng suất cây trồng; tích cực vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất lúa cải tiến SRI tại địa phương theo đúng quy trình, kỹ thuật… Tây Giang hướng tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các loại cây đặc hữu như lúa Xươn, nếp Proong tại thôn Agriíh (xã A Xan) và thôn Glao (xã Ga Ri); nếp than tại xã Dang; quy hoạch vùng phát triển cây dược liệu tập trung như ba kích, đảng sâm, táo mèo, sả chanh, từng bước đa dạng sản phẩm, kết nối thị trường…

Hoàng Liên

Theo Báo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục