Phát triển du lịch vườn sâm Ngọc Linh: Chặng đường gian nan

UBND tỉnh vừa công nhận vườn sâm Ngọc Linh – Tăk Ngo (xã Trà Linh, Nam Trà My) là điểm du lịch đầu tiên của huyện Nam Trà My, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến thực tế vẫn là một chặng đường dài khó khăn.

Theo quy hoạch, tổng diện tích vườn sâm Tăk Ngo khoảng 85ha, chia làm 3 khu. Cụ thể, khu 1 (diện tích 11 ha), dành cho khách tham quan. Khu 2, nghiên cứu khoa học (diện tích 5ha) và khu 3 (70ha) dành cho sản xuất giống. Ngoài ra, điểm du lịch cũng sẽ liên kết với phiên chợ sâm Ngọc Linh, các làng của đồng bào dân tộc Xê Đăng, Mơ Nông, kể cả liên kết du lịch vùng miền núi của tỉnh.

Du khách tham quan phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.L
Du khách tham quan phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.L

Độc đáo

Trong vài năm gần đây, nhất là từ khi thương hiệu sâm Ngọc Linh được quảng bá rộng rãi, Nam Trà My cũng bắt đầu được nhiều công ty lữ hành và du khách khắp nơi chú ý. Không chỉ có sâm, Nam Trà My còn sở hữu nhiều tiềm năng về thiên nhiên và nhân văn, từ sông suối, hang động hoang sơ đến các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Đặc biệt các giá trị văn hóa, lễ hội mang đậm sắc thái vùng miền, thể hiện rõ nét qua đời sống tâm linh, sinh hoạt truyền thống của dân tộc thiểu số như cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng lúa kho, lễ hội cồng chiêng, đám cưới cổ, mừng nhà mới, tết… Đó còn là các trò chơi, diễn xướng; những phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ; các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân ca, hát múa, nhạc cụ… của cộng đồng dân tộc sinh sống trên mảnh đất này.

Theo ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trong đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (cây sâm Việt Nam), du lịch vùng trồng sâm Ngọc Linh cũng là một trong 7 nội dung của đề án. Năm 2019, huyện phấn đấu đón khoảng 45.000 – 50.000 khách du lịch. Trong đó, tham quan vườn sâm được kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn ấn tượng với khách. Trước mắt, huyện sẽ tập trung kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, xây dựng tour tuyến lên Nam Trà My… Đặc biệt, ngoài việc phối hợp với Sở VH-TT&DL tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh vùng đất Nam Trà My và thương hiệu vùng sâm Ngọc Linh đến các thị trường khách trong và ngoài nước, huyện cũng sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ để thu hút du khách lưu lại lâu hơn trong quá trình tham quan, khám phá vùng đất này.

Chặng đường dài

Thực tế, phát triển du lịch Nam Trà My dựa vào thương hiệu sâm Ngọc Linh không phải là câu chuyện mới. Trong đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015 – 2020 định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt trước đây,  một số nội dung như đầu tư xây dựng làng văn hóa của 3 dân tộc Cadong, Xê Đăng, Bhnoong; nghiên cứu và phục dựng các lễ hội truyền thống; xây dựng, hoàn thiện mô hình làng nghề truyền thống ở một số xã nhằm hoàn thiện phát triển một số loại hình du lịch trọng điểm cũng đã được đề ra. Tuy vậy, đến nay tiến độ triển khai cũng như hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Ông Trần Quý Tấn – Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở VH-TT&DL cho rằng, việc công nhận vườn sâm Ngọc Linh – Tăk Ngo (xã Trà Linh) là điểm du lịch ngoài thúc đẩy du lịch vùng sâm và huyện Nam Trà My phát triển, cũng sẽ góp thêm một điểm đến mới cho du lịch miền tây Quảng Nam. “Đây là tín hiệu vui và cũng phù hợp với chiến lược phát triển du lịch miền núi của tỉnh” – ông Tấn nói.

Trong đợt khảo sát du lịch vùng sâm đầu tháng 3 vừa qua, dù đánh giá cao những lợi thế và tiềm năng của Nam Trà My nhưng một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, hạn chế nhất hiện nay của du lịch vùng sâm chính là hạ tầng và dịch vụ phụ kèm. Đây cũng là lần thứ hai kể từ năm 2016 huyện Nam Trà My phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức đoàn khảo sát du lịch đến Nam Trà My. Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh – Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (Hội An), việc tổ chức famtrip tới những điểm khi chưa có sản phẩm, dịch vụ không hoàn chỉnh sẽ không hiệu quả, nên phải hoàn thiện điểm đến trước khi đưa doanh nghiệp, đối tác về khảo sát, hiệu quả sẽ tốt hơn.

Chuyến đi vừa rồi chúng tôi không có thời gian để vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số nên khó thể đánh giá hiệu quả du lịch nơi đây tới đâu. Thật sự một điểm trồng sâm như hiện nay thì khó thể hình thành tour tuyến tham quan hoàn chỉnh; phải kết hợp nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ đến hạ tầng giao thông, lưu trú, kể cả đầu mối kết nối, kỹ năng phục vụ du lịch của người dân địa phương…, khi đó mới nói đến phát triển du lịch. Nói chung, để đưa khách đến Nam Trà My chặng đường vẫn còn dài lắm” – ông Vĩnh nhìn nhận.

Vĩnh Lộc

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục