The Old Guard – Phim hành động liên văn hóa và lịch sử nhân loại
The Old Guard được người xem khắp thế giới chào đón ngay từ trước khi phim chính thức phát hành trực tuyến, là bởi có sự góp mặt của Charlize Theron trong cả hai vai trò chủ đạo của dự án: diễn xuất và sản xuất. Nhưng trên hết, đó còn là sự kỳ vọng của khán giả mộ điệu về một tác phẩm điện ảnh đột phá khi được chuyển thể từ graphic novel.
Từ tiểu thuyết hình ảnh đến phim điện ảnh
Cha đẻ của tiểu thuyết hình ảnh The Old Guard này là Gregory Rucka – một thạc sĩ Mỹ thuật của Đại học Nam California, Mỹ. Có vẻ như gọi Gregory Rucka là một tay viết du mục của các thể loại truyện tranh đời mới ở xứ Hollywood cũng xác đáng, bởi lẽ gã trai già sinh năm 1969 người gốc San Francisco này cũng đã từng dành những năm tháng tuổi trẻ của đời mình phiêu bạt khắp chốn, ở nơi phồn hoa của kinh đô điện ảnh, với khoảng trên dưới 10 năm cống hiến cho DC Comics (tuyên bố chia tay DC Comics tại Wondercon 2010) và cũng ngần ấy năm tiếp đó dành cho Marvel Comics. Qua tay phóng tác (viết chung với nhiều nghệ sĩ truyện tranh Hollywood) của Gregory Rucka là cuộc đời hành động của những siêu anh hùng cỡ như Superman, Batman và Wonder Woman… trong vũ trụ điện ảnh của DC Comics; hoặc Spider-Man, Wolverine, X-Men, Star Wars, Captain America… của Marvel Comics.
The Old Guard là bộ truyện dưới dạng tiểu thuyết hình ảnh mới nhất của Gregory Rucka (viết chung với Leandro Fernández), với 5 tập của phần đầu tiên đã được Image Comics phát hành chính thức vào tháng 8 năm 2017. Trước đó, hãng phim Skydance đã nhanh chóng mua bản quyền làm phim vào tháng 3.2017, bởi Hollywood cũng không muốn mất nhiều thời gian lãng phí “mỏ vàng” truyện tranh hành động thể loại kỳ ảo này. Đến tháng 2.2019 thì Netflix tuyên bố hợp tác phát hành với Skydance. Bởi, ngay vào mùa Hè năm 2018, dự án đã chốt hạ người kể chuyện phim chuyển thể từ tiểu thuyết hình ảnh có cốt truyện độc đáo này là nữ đạo diễn Gina Prince-Bythewood, cùng thế hệ và bằng tuổi với Gregory Rucka. Nữ đạo diễn xuất thân từ trường điện ảnh UCLA này trước đó cũng đã từng thực hiện 3 phim điện ảnh gây ấn tượng mạnh với giới phê bình, ngay từ phim đầu tay Love & Basketball (năm 2000) được công chiếu giới thiệu tại Sundance – LHP độc lập danh tiếng lâu đời, và cũng đã nhận được đề cử Phim đầu tay xuất sắc tại Giải thưởng Tinh thần Độc lập (Film Independent Spirit Awards) năm 2001. Bộ phim thứ nhì của cô: The Secret Life of Bees (năm 2008), giành giải Hình ảnh Phụ nữ trên phim xuất sắc tại Giải thưởng Hiệp hội Phê bình phim Phụ nữ (Women Film Critics Circle Awards) trong cùng năm. Đến phim thứ ba của cô: Beyond the Lights (năm 2014) đã nhận được đề cử Oscar 2015 ở hạng mục Ca khúc nhạc phim xuất sắc.
Như vậy, tính ra thì The Old Guard đã là phim điện ảnh thứ tư của Gina Prince-Bythewood trong vai trò đạo diễn, lại cũng hoàn toàn không phải là “tay mơ” trong nghề ở xứ Hollywood – vốn dĩ là nơi có “vòng xoáy Bermuda” luôn chực chờ nuốt chửng mọi giấc mơ lúc chưa kịp thành hình. Dẫu vậy, cũng không khó để giới làm nghề nhận ra nữ đạo diễn này sẽ phải chịu áp lực cỡ nào cho một dự án thuộc loại đầy hấp lực. Bởi, dù muốn dù không thì hiện tại Gina Prince-Bythewood vẫn phải ít nhiều chấp nhận đứng dưới “cái bóng” của tay bợm già tiểu thuyết hình ảnh Gregory Rucka. Và nhất là với sự tham gia diễn xuất của kiều nữ Charlize Theron gốc Nam Phi danh trấn giang hồ quốc tế, cũng đồng thời là một trong những nhà sản xuất của dự án phim này.
Ở phương diện chuyển thể từ một graphic novel, có vẻ như The Old Guard bản điện ảnh vừa ra mắt vẫn chưa thực sự đáp ứng được yếu tố hiệu ứng thị giác đỉnh cao, vốn dĩ luôn là thuộc tính hàng đầu của dòng phim này ở Hollywood để người xem phải cảm thấy mãn nhãn cực độ cho chiếc vé của mình ở rạp chiếu. Với lại, về góc độ tạo hình của việc xây dựng hình tượng mới cho Charlize Theron trong một thế – giới – mới, dường như người xem hiện tại vẫn còn bị “bóng đè” từ nhân vật nữ thống soái phiến loạn Furiosa cụt một tay trong bộ phim “khùng điên” về bối cảnh hậu – tận – thế của đạo diễn “sói già” George Miller xứ Úc: Mad Max: Fury Road (năm 2015) – phim đã chiến thắng 6 giải Oscar 2016 (trong tổng số 10 giải Oscar được đề cử).
Vậy điều gì sẽ khiến cho chính bản thân Charlize Theron phải mong đợi kiếm tìm về vai diễn mới của mình, với The Old Guard năm 2020?
Charlize Theron – chiến binh người Scythia vĩ đại hay là vẻ đẹp tánh nữ truyền đời?
The Old Guard trong định dạng gốc graphic novel là bộ truyện có nhóm nhân vật khá kỳ bí, nếu không muốn nói là vô cùng thần bí. Đó là một nhóm những chiến binh bất tử, chinh chiến khắp xứ trái đất qua hàng thiên niên kỷ. Họ có thể là những chiến binh tử thù của nhau trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất gần 1.000 năm trước, phát hiện ra sự bất tử của mình khi giết nhau hết lần này đến lần khác, rồi yêu nhau và luôn mong muốn bên nhau mãi mãi. Họ có thể là người lính không thể chết dưới giá treo cổ vì tội đào ngũ, trong chiến tranh thời Napoléon. Họ có thể là nữ chiến binh người Việt xưa. Họ cũng có thể là lính thủy quân lục chiến Mỹ ở chiến trường Afghanistan thời đương đại. Và thủ lĩnh ngàn năm của họ là một nữ chiến binh cổ đại, Andromache của Scythia.
Trên nền tảng của một câu chuyện ly kỳ như thế, nữ đạo diễn Gina Prince-Bythewood đã chọn phương vị kể chuyện có phần nữ tính khi tập trung khai thác và khơi gợi những góc khuất của nỗi niềm bất tử, làm thành nét chủ đạo cho không khí phim.
Nhưng trên hết, tinh thần cốt lõi từ graphic novel này của tác giả Gregory Rucka (cũng đồng thời là người viết kịch bản phim) chính là hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải, về nguyên lý bất tử cùng hệ lụy của nó. Thậm chí có đôi khi họ – những thành viên của biệt đội bất tử, muốn kết thúc sự bất tử đã trở thành gánh nặng trong thân phận làm người của họ. Nhưng họ không thể biết sẽ bằng cách nào để dừng lại, kết thúc. Bởi, với họ, sống mãi đâu có nghĩa là hết đau đớn. Họ luôn tự vấn mình bằng những câu hỏi tưởng chừng cơ bản về lời đáp, rằng “Sao lại là chúng ta?” hoặc “Sao lại là cô?”. Tương tự như những bệnh nhân ung thư xưa nay vẫn thường tự hỏi trời hỏi đất hỏi mình: “Sao lại là tôi?”.
Đó ắt hẳn cũng là điểm nhìn chủ đạo trong phương cách kể chuyện phim của nữ đạo diễn Gina Prince-Bythewood, khi chọn bình thường hóa hình tượng Andromache của Scythia do Charlize Theron thủ diễn, đa phần trong nhân dạng đầy u uẩn của một đôi mắt biết nói, bởi mãi chất chứa nỗi niềm ngàn năm hơn là đơn thuần hành động đánh đấm và bắn giết để giải cứu thế giới. Đây cũng chính là điểm khác biệt thấy rõ, so với các siêu anh hùng – siêu chiến binh trên màn ảnh Hollywood trước giờ.
Chất hành động song hành cùng nét liên văn hóa và lịch sử nhân loại
Điều thú vị là dưới lớp vỏ ngoài của một phim thể loại hành động thì nền tảng văn hóa nội tại của câu chuyện phim mới thực sự là nét son ngàn năm, lưu lại trong tâm trí người tiếp nhận.
Ngay từ việc chọn nguồn gốc xuất thân cho nữ nhân vật chiến binh của The Old Guard là Andromache của Scythia, khí chất mặc định của nhân vật huyền thuyết này cũng chính là một trong những biểu tượng truyền đời trong lịch sử nhân loại. Cần biết rằng Scythia không phải là xứ Scythia, như có một số người xem phim đã nhầm lẫn, bởi cho đến hiện nay thì giới khảo cổ học quốc tế vẫn chưa thực sự xác lập được biên giới – lãnh thổ thời đó của người Scythia, vốn dĩ là dân du mục sống lang bạt từ Iran đến Nga (chủ yếu tại Ukraina), Trung Quốc và Đông Âu ngày nay. Người Scythia có nguồn gốc từ Iran, đã từng thống trị vùng thảo nguyên Hắc Hải trong suốt thời kỳ cổ đại (từ khoảng thế kỷ 8 – 7 trước Công nguyên). Và được xem là bị diệt vong vào khoảng thế kỷ 2 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên. Tầng lớp cao cấp nhất trong xã hội Scythia không phải thầy tu mà là các chiến binh. Người Scythia xuất hiện lần đầu tiên trong các ghi chép lịch sử là khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên. Họ cũng từng được nhắc đến trong các văn kiện Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại như những kỵ binh thiện chiến. Những tưởng họ sẽ mãi là những nữ chiến binh Tiểu Á chỉ có trong truyền thuyết, nếu không có những di chỉ khảo cổ học làm minh chứng về sự tồn tại có thật ấy. Điều đặc biệt là hầu hết ngôi mộ các nữ chiến binh người Scythia đều được chôn cùng binh khí, nhất là rìu chiến. Nghi thức chôn cất thường được dùng cho đàn ông đã được thực hiện cho họ, bởi khoảng một phần ba phụ nữ Scythia đều chết bởi các vết thương chí mạng trên chiến trường chứ không phải trên giường bệnh, theo như nghiên cứu từ các nhà sử học quốc tế. Cần lưu ý thêm rằng, cả với La Mã và Trung Hoa cổ đại, lưỡi rìu chiến là biểu tượng cho uy quyền. Chỉ có thân vệ của tước vương mới được mang lưỡi rìu, cờ tiết.
Cũng đừng quên rằng người Scythia không chỉ có chiến binh, bởi từ khi triết gia Anacharsis của Scythia tới thăm Athena – thủ đô và là thành phố lớn nhất Hy Lạp, đồng thời là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, trong thế kỷ 6 trước Công nguyên, người Scythia này đã trở thành một hiền nhân truyền thuyết.
Nghệ thuật cùng ẩm thực trong văn hóa – lịch sử toàn nhân loại cũng không quên được đề cập ở mức “hương gây mùi nhớ” trong cách kể chuyện phim, chẳng hạn như với loại bánh Baklava được xem là bánh ngọt Hoàng gia Thổ Nhĩ Kỳ, dù cho đến nay bánh này vẫn còn gây tranh cãi về “thương hiệu ẩm thực quốc gia” ở khu vực Trung Đông, Địa Trung Hải, Ả Rập, Iran, Israel, Hy Lạp, Bulgaria, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ… về nguồn gốc xuất xứ của một lịch sử huy hoàng.
Hoặc khoảnh khắc liên kết của các nhân vật người bất tử khi tiệm cận xúc cảm nghệ thuật từ Auguste Rodin (1840 – 1917), điêu khắc gia hàng đầu của Pháp thời bấy giờ.
Với những lược sử văn hóa của nhân loại được lưu tâm lưu dấu này, nữ đạo diễn Gina Prince-Bythewood cũng đã thành công ít nhiều khi nỗ lực góp phần bất tử hóa lịch sử, thông qua một tác phẩm điện ảnh tưởng chừng chỉ để giải trí.
Khán giả Việt Nam hiện tại đang tiếp nhận trái chiều với sự tham gia diễn xuất của sao nữ Ngô Thanh Vân (Van Veronica Ngo) trong The Old Guard, khi nhân vật Quỳnh của cô (trong graphic novel là Noriko – một phụ nữ Nhật Bản) và “Andromache người Scythia” của Charlize Theron đã cùng đi khắp thế gian, sát cánh trong hàng ngàn trận chiến. Quỳnh cũng là nhân vật bi kịch nhất của câu chuyện phim, đồng thời là nguồn cơn xúc cảm mãnh liệt nhất với “Andromache người Scythia”, trong cấu trúc mở của kịch bản phim. |
Phước Châu
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh