Okja – Nhân tính nào với sinh vật biến đổi gen?
Sinh vật biến đổi gen (Genetically Modified Organism/GMO) đang là vấn đề gây tranh cãi toàn cầu. Bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc Okja (đạo diễn Bong Joon Ho) cũng từng khiến giới làm nghề bảo thủ lên tiếng phản đối gay gắt ngay giữa buổi công chiếu phim này, khi tranh giải Cành Cọ Vàng trong Liên hoan phim Cannes tại Pháp, năm 2017.
Bởi lẽ, dù có chủ đề mang tính phản biện trực diện về vấn nạn GMO, câu chuyện phim vẫn cho thấy tâm thức con người luôn là cực kỳ phức cảm, đa chiều kích.
Tạo vật nào là của Chúa Trời?
Okja được cho là một phát hiện mới của tập đoàn Mirando về một sinh loài dị chủng ở Chile, và được tập đoàn này đưa về nông trại của mình ở bang Arizona (Mỹ) để từ đó có thể nhân giống và phát triển cho nhiều vùng miền trên khắp trái đất. Sinh loài này vốn dĩ là một giống “siêu heo” (super- pig), với kích cỡ khổng lồ, ăn ít thải ít, sẽ không gây nhiều tác động khí thải đến môi trường chung. Với chủng loài độc nhất vô nhị này, tập đoàn Mirando đã nhân giống thành công với 26 cá thể, bằng giao phối tự nhiên. Các cá thể độc đáo và hiếm hoi này sẽ được gửi đến 26 quốc gia (có văn phòng đại diện của Mirando), giao cho người nông dân giỏi nhất ở từng nơi, nuôi bằng kỹ thuật truyền thống thuận tự nhiên, theo đúng bản sắc văn hóa bản địa riêng biệt của từng vùng đất – quốc gia – dân tộc.
Dự án tầm toàn cầu này của tập đoàn Mirando được cho là một đại tham vọng giải quyết tình hình lương thực cứu đói cho thế giới, bởi mỗi ngày thế giới này hiện có 805 triệu người luôn phải chịu đói, bao gồm 30 triệu người dân Mỹ.
Okja trong câu chuyện phim là một trong các cá thể đặc dị của chủng loài “siêu heo” này, được gửi đến một người nông dân Hàn Quốc được chọn với Chứng nhận Nông dân Bản địa, sống trên một vùng núi cao, nhận nuôi Okja theo kiểu thuận tự nhiên nhất có thể. Người nông dân này sống với một cô cháu gái – Mija Joo, ở thị trấn Sanyang, Hàn Quốc. Cha mẹ cô đã mất sớm nên cô sống cùng người ông của mình. Và tất nhiên là với Okja, từ năm cô lên 4 tuổi.
Câu chuyện phim đã khắc họa chi tiết và đầy xúc cảm với đoạn đời bầu bạn giữa thú và người rất sinh động của Okja với Mija, trong suốt 10 năm lớn lên bên nhau, giữa núi rừng thiên nhiên.
Nhưng rồi một ngày, đến hẹn 10 năm, người ông của Mija phải trao trả Okja cho tập đoàn Mirando mang về New York, sau khi đã nhận được một khoản thù lao hậu hĩnh, theo thỏa thuận. Khi ấy, người ông của Mija cũng buộc phải cho cô bé đối diện với sự thật, rằng Okja có số mệnh chỉ là “thịt vai- thịt lưng- thịt sườn- thịt bắp giò…” của giống siêu heo khổng lồ, với tập đoàn Mirando. Mija không chấp nhận sự mặc định ấy của “người lớn”, cô quyết định một mình “hạ sơn” đi thủ đô Seoul, tìm đến tận đại bản doanh của tập đoàn Mirando ở Hàn Quốc, đòi lại Okja của mình. Bởi với cô, đó chính là một người bạn. Trên hành trình giải cứu Okja, cô tình cờ quen biết những người bạn lớn của tổ chức Mặt trận giải phóng động vật (Animal Liberation Front/ ALF). Tại thời điểm ấy, tầng hiện thực lại một lần nữa mở ra cho cô bé Mija nhận biết tường tận hơn về Okja, vốn dĩ chính là một sinh loài GMO được cấy ghép và sinh sản cưỡng bức từ phòng thí nghiệm ngầm của tập đoàn Mirando ở Paramus, bang New Jersey (Mỹ), hoàn toàn không phải là tạo vật của Chúa đã từng ban phát xuống Hành tinh xanh (trái đất), được tập đoàn Mirando phát hiện ra từ một trang trại ở Chile, như thông tin đã từng công bố chính thức vào 10 năm về trước.
Vạn vật đồng nhất thể
Điều thú vị là nhân vật Mija cho dẫu từ lúc ấy đã bắt đầu biết sự thật ít nhiều về nguồn gốc “nhân bản” của Okja thì vẫn một lòng với tình bạn từ thuở ấu thơ của mình, vẫn muốn tìm cách đưa Okja về núi, về lại với nơi chốn sinh trưởng thuận tự nhiên từ bấy lâu nay mà một sinh loài được quyền sống quyền hưởng, theo quan điểm “vạn vật đồng nhất thể” của người Á Đông xưa, sau khi đã thoát thai từ phòng thí nghiệm. Đây cũng chính là “điểm son” mà đạo diễn Bong Joon Ho đã cài đặt đường dây tình cảm về mối quan hệ giữa thú nuôi và người một cách thuyết phục. Thậm chí đã khéo léo “đóng dấu ấn” vào người xem phim một cách ngọt ngào, đồng thời cũng không kém phần đa diện đa tâm một khi người xem chính thức cùng bước vào cuộc giải cứu một sinh thể GMO, giờ đây đã trở thành hoặc đã là một người bạn đúng nghĩa. Người làm phim đã nhân cách hóa thành công một chủng loài tưởng chừng phải là thứ bị nguyền rủa, hoặc nhất thiết phải bị ruồng bỏ, nhất là khi phải đặt câu chuyện phim trong bối cảnh vấn nạn GMO toàn cầu hiện có. Đó cũng đồng thời là mảnh đất ươm mầm cây- nhân – tính mà mỗi người xem phải biết nhìn lại, biết tự mình chăm bón cho tâm thế chính mình bằng lòng từ tâm nhất thiết phải có với bất kỳ một sinh thể sống nào, bất kể là đồng tộc hoặc dị chủng.
GMO & Tâm thức phức cảm của loài người
Mặt khác, như tính đa diện và “hai mặt” của quy luật đời sống, đạo diễn Bong Joon Ho cũng sẵn sàng “ném” nhân vật cùng người xem vào tận cùng của bi kịch, để từ đó thử đo lường tính cách nào đã được tương tác cùng nhau. Chẳng hạn, từ cách miêu tả không khí của buổi diễn thuyết như “lên đồng” của vị nữ CEO tập đoàn Mirando ngay từ lúc mở đầu câu chuyện phim, cho đến không khí thuần chất tự nhiên và sống động nơi vùng núi rừng mà siêu heo Okja đã được nuôi dưỡng một cách tự do tự tại rồi lớn lên với nhân – tính – như – người, cùng bé gái Mija. Thoắt cái, từ một đời sống rất thanh cảnh ấy, phim lại đột ngột đẩy người xem bước vào một địa ngục nơi trần thế của nhân vật: lò mổ heo GMO của tập đoàn Mirando. Cung cách kể chuyện nhuốm màu bạo lực không khoan nhượng ấy của đạo diễn Bong Joon Ho ở nửa cuối câu chuyện phim này, có lẽ chính là cách nhắc nhở về thực tế bạo tàn ở hậu trường “nhà xưởng” của trường phái thực phẩm GMO, từ các tập đoàn công nghệ thực phẩm GMO đã và đang cầm nắm vận mệnh sinh sát trong tương lai gần của hầu hết các chủng tộc người trên thế giới này, thời nay.
Điều oái oăm là đạo diễn Bong Joon Ho cũng đã khiến người xem tin rằng cuộc giao phối đơn thuần kiểu thú vật truyền giống bất đắc dĩ của Okja ở phòng thí nghiệm – lò mổ, chính là một cuộc cưỡng bức, hãm hiếp hả hê của chủng loài super- pig với nhau! Như người – với – người, đã từng và vẫn luôn hiện hữu nhức nhối trong suốt chiều dài lịch sử của loài người xưa nay. Có thể chính nhân vật nữ duy nhất của nhóm ALF, đã dẫn dắt xúc cảm tính nữ đến tột cùng về nỗi đau xâm hại tình dục mặc nhiên như thế này, dù đó chỉ là điều đang diễn ra với loài heo GMO, trong câu chuyện phim. Và khi người xem cảm thấy có tình yêu thương loài heo GMO hoặc biết đau cùng nỗi đau của sinh loài này, người làm phim đã vô cùng thành công trong việc khơi gợi nhiều tâm thức phức cảm của con người…
Okja là phim hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc & Mỹ, tranh giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes, năm 2017. Phim có tổng kinh phí đầu tư sản xuất vào khoảng 50 triệu USD, do Netflix phát hành trực tuyến, song hành cùng thời điểm chiếu rạp. Một trong những nhà đầu tư chính của phim là hãng Plan B của nam tài tử Brad Pitt. Phim đã bị 3 chuỗi rạp lớn nhất Hàn Quốc là CJ CGV; Lotte Cinema; Megabox cùng tẩy chay, lý do là bộ phim này do Netflix đầu tư và phát hành trên mạng internet cùng thời gian phát hành rạp chiếu (theo thông lệ, các bộ phim chiếu rạp tại Hàn Quốc chỉ được phép phát hành dưới định dạng xem phim trực tuyến, sau tối thiểu 3 tuần đã công chiếu ngoài rạp). Theo thống kê của Cục Điện ảnh Hàn Quốc, chỉ có 94 rạp trình chiếu phim này, trong tổng số 2.575 rạp chiếu phim trên khắp Hàn quốc. Dù vậy, phim vẫn đứng hàng thứ 4 trên bảng xếp hạng Phim ăn khách tại Hàn quốc, chiếm 7,6% tổng doanh thu ngành công nghiệp điện ảnh Hàn quốc trong ngày, vào thời điểm ra mắt phim. Đạo diễn Bong Joon Ho, người vừa chiến thắng giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes, năm 2019, trong bộ phim Parasite (Tên phim phát hành chính thức tại Việt Nam: Ký sinh trùng). Trong quá trình ghi hình, đạo diễn Bong Joon Ho đã đến thăm một lò mổ ở Colorado (Mỹ) để chuẩn bị cho việc thiết kế và xây dựng chuỗi lò mổ riêng trong câu chuyện phim, trải nghiệm này đã biến Bong Joon Ho và nhà sản xuất Dooho Choi thành người ăn chay tạm thời! |
Thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Food/ GMF) thường được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng là chủ yếu. Riêng về động vật chuyển gen dưới dạng thực phẩm công nghệ sinh học, hiện tại chưa thực sự phổ biến trong nền công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Đa số động vật chuyển gen được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và chữa bệnh. Chẳng hạn: lợn mang gen cây trồng; bò không sừng; muỗi chống sốt rét; lạc đà chữa bệnh di truyền; gà trụi lông kháng bệnh cúm gia cầm; chuột biến đổi gen… |
Châu Quang Phước
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh