Nước ở Đà Nẵng: quản lý kiểu “từ đầu nguồn xuống biển”
Nguồn nước thô chính để sản xuất nước sạch cho thành phố Đà Nẵng được lấy chủ yếu trên sông Cẩm Lệ đoạn qua Cầu Đỏ – một nhánh của hệ thống Vu Gia – Thu Bồn có thượng nguồn nằm trọn ở tỉnh Quảng Nam.
Từ cuối năm 2016, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã “chung tay” thành lập Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để kiểm soát nguồn nước từ đầu nguồn cho hơn 1 triệu dân Đà Nẵng.
Ban điều phối hoạt động theo phương pháp tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển”, một phương thức quản lý không gian mới của thế giới áp dụng cho các vùng nước “xuyên ranh giới”. Trung bình 6 tháng, nhóm họp một lần để tổ chức đánh giá hiện trạng, xây dựng dữ liệu và dự báo các nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tác động đến phát triển đô thị ở lưu vực sông và vùng bờ.
Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng của ban điều phối là phối hợp liên ngành, liên vùng trong công tác giám sát để quản lý, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả như trong những đợt sông Cầu Đỏ nhiễm mặn gây thiếu nước.
Cũng vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước sông Cẩm Lệ, đây được xem là một “điểm trừ” lớn của ngành cấp nước Đà Nẵng. Mới đây, địa phương này đã quyết định đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng xây dựng một nhà máy nước mới lấy nước thô từ sông Cu Đê.
Tại cuộc họp để giải quyết nguy cơ thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa từng nhắc việc “đa dạng hóa” nguồn nước thô là cần thiết.
Nếu đầu tư nhà máy nước lấy từ sông Cu Đê, đây là nguồn nước từ đầu nguồn do Đà Nẵng hoàn toàn chủ động. Việc này thích hợp hơn nguồn nước từ sông Vu Gia vốn phụ thuộc nhiều từ các thủy điện đầu nguồn Quảng Nam, cũng như dòng chảy bị ô nhiễm khá nhiều do quá trình khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.
Cần Thơ: quan trắc tự động nguồn nước mặt Ông Nguyễn Tùng Nguyên, tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, cho biết từ năm 2015, Sở Tài nguyên và môi trường đã lắp đặt trạm quan trắc tự động nguồn nước mặt tại 3 nhà máy xử lý nước của công ty. Trạm quan trắc được đặt tại khu vực trạm bơm cấp 1 của nhà máy nước lấy nước trên sông Cần Thơ (quận Ninh Kiều), nhà máy nước Trà Nóc và nhà máy nước Hưng Phú lấy nước trên sông Hậu (quận Cái Răng và Bình Thủy). Khi nguồn nước mặt có vấn đề, lập tức Sở Tài nguyên và môi trường sẽ gửi cảnh báo đến công ty để có hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, từ thời điểm đó đến nay công ty chưa nhận được cảnh báo nào do nguồn nước mặt trên sông Hậu, sông Cần Thơ không có gì bất thường. “Chúng tôi quan trắc online chất lượng nước sau khi xử lý qua các thiết bị di động. Nguồn nước đảm bảo mới cung cấp đến người dùng” – ông Nguyên khẳng định và cho biết thêm công ty có 5 nhà máy và hệ thống đường ống cấp nước liên hoàn, nếu có nhà máy nào ngưng hoạt động thì sẽ lấy nước từ nhà máy khác cung ứng. Lê Dân |
Bài & ảnh: Trường Trung
Theo Tuổi Trẻ Online