NSND Kim Cương: Đường thiện nguyện càng đi càng dài
Vừa qua, khán giả của chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã vô cùng xúc động trước câu chuyện của NSND Kim Cương, khi bà tìm gặp lại được cô con gái nuôi Thương Thương sau hơn 40 năm thất lạc. Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, Thương Thương đã từng được nghệ sĩ nhận nuôi trong một chuyến đi thiện nguyện vào năm 1975.
Nhưng ít người biết, những nghĩa cử ấy chỉ là một phần, trong vô vàn những hành động thiện nguyện của Kim Cương, nghệ sĩ từng được gọi là vị “Bồ tát” của người nghèo. Ở tuổi 84, bên cạnh một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cống hiến cho nghệ thuật, NSND Kim Cương đến nay vẫn chưa ngừng nghỉ trên con đường thiện nguyện để đem hạnh phúc và niềm tin cho cộng đồng.
Từ truyền thống gia đình
Ngay từ nhỏ, NSND Kim Cương đã chịu ảnh hưởng từ người mẹ nhân ái. NSND Bảy Nam không chỉ truyền nghề cho con, mà truyền cả trái tim yêu thương người khác, chăm lo cho những số phận không may mắn.
Một kỷ niệm sâu sắc lúc Kim Cương 19 tuổi: sau những vai diễn ấn tượng trên sân khấu cải lương, thím Sáu của bà đã tặng cho cô cháu gái một chiếc kiềng vàng 4 chỉ. Đây là món nữ trang đầu tiên của Kim Cương, nên bà quý lắm.
Một buổi trưa, bà Bảy Nam nghe có tiếng khóc nức nở của một đứa trẻ bên ngoài cửa sổ, bà bước ra xem, thấy một người đàn ông đang ẵmm con, dỗ dành. Hỏi ra mới biết, mẹ đứa bé đi giúp việc, bị chủ nhà nghi là ăn cắp tiền, báo cảnh sát, bắt chị đem vô bót, phải đền tiền mới thả ra, nên đứa trẻ khát sữa khóc đến kiệt sức. Bà Bảy Nam vào nhà nói với Kim Cương: “Con cho má mượn cái kiềng, đem cầm lấy tiền cứu mẹ đứa nhỏ, mai mốt má chuộc lại cho con”. Thế là cả gia đình kia đoàn tụ, còn Kim Cương nhớ mãi bài học nhân ái má đã dạy mình.
Bà Bảy Nam lúc 92 tuổi nằm trên giường bệnh vẫn còn dạy một câu mà Kim Cương nhớ: “Con đừng nói PHẢI làm từ thiện. Phải nói là ĐƯỢC làm. Mình đem hạnh phúc cho người khác thì mình vui trước nhất”.
Lúc bà mất, Kim Cương thu dọn đồ đạc của mẹ, thấy rất nhiều biên nhận quyên góp giúp đỡ người nghèo, chỉ ghi tên người gửi tặng là bà Tư bán chè, dì Năm hột vịt, bà Sáu bán cháo… thay vì ghi tên Bảy Nam. Đó là tên những nhân vật mà má Bảy đã diễn. Má kín đáo làm việc thiện, và đem những nhân vật từ sân khấu bước ra cuộc đời.
Đến lượt Kim Cương vừa nối tiếp con đường của má Bảy, vừa dạy dỗ con cháu của mình. Bà có hai đứa cháu nội thường đi theo bà phát quà, hoặc thăm những người khuyết tật. Cũng có khi hai bé giúp họ lấy nước, lấy cơm. Bởi, Kim Cương cũng muốn con cháu nối dài truyền thống gia đình, đem lòng nhân ái đối xử với tha nhân.
Vai “khổ” của sân khấu và cuộc đời
Những năm 1970, Kim Cương lập nhóm Gia đình tình thương, xin gạo, đường, quần áo phát cho người nghèo, người tản cư vì chiến cuộc, các em trong cô nhi viện, trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Ngay cả khi mang bầu bụng khá to, bà vẫn leo lên xe chở hàng đến tận nơi cứu trợ, mặc cho ông xã kêu trời.
Sau 1975, Kim Cương tham gia Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo với vai trò Thường trực, bà đã góp sức rất lớn vận động kinh phí cho nhiều công tác như: đem ánh sáng cho hơn 500.000 người mù, cứu hơn 7.000 trái tim của các bé dị tật bẩm sinh, tầm soát ung thư cho phụ nữ vùng sâu vùng xa, vá môi, hở hàm ếch cho cả ngàn em bé…
Sau đó, NSND Kim Cương còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, lo đủ thứ từ mổ tim, xe lăn, phẫu thuật chỉnh hình, mở trường dạy nghề để họ có thể kiếm sống lâu dài… Trung bình mỗi tháng, bà phải “kiếm” ra khoảng 200 triệu cho trường hoạt động.
Bà còn có những hoạt động riêng của mình, chẳng hạn lo quà tết cho nghệ sĩ nghèo mỗi năm cả tỉ đồng, vận động mấy trăm bồn nước cho các tỉnh miền Tây bị nhiễm mặn, mổ hậu môn cho các bé dị tật, trồng răng cho người nghèo, tổ chức đám cưới cho các cặp vợ chồng khuyết tật… Bất cứ ai gọi đến, bà đều tiếp nhận, và nghiên cứu cách giúp họ.
Có khi từ những ngẫu nhiên trong đời mà NSND Kim Cương nghĩ ra hoạt động. Chẳng hạn, khi một người bạn của bà kể rằng có một người đàn ông khuyết tật bán vé số, ngày nào cũng đứng tần ngần trước tiệm áo cưới của chị. Hỏi ra, anh nói: “Vợ tôi ao ước được mặc cái áo này một lần thôi, mà nghèo quá làm sao đám cưới”. Thế là Kim Cương đã tổ chức một đám cưới long trọng tại nhà hàng Him Lam cho 40 cặp vợ chồng khuyết tật, lại còn tặng quà rất nhiều, như mùng, mền, nồi cơm điện, phiếu mua hàng, kèm theo 8 triệu đồng tiền mặt cho mỗi cặp vợ chồng. Đó là đám cưới “lịch sử” khiến bao nhiêu người rơi nước mắt.
Ngoài việc giúp đỡ về vật chất, Kim Cương còn là điểm tựa tinh thần của nhiều trường hợp. Có cậu học sinh gọi điện cho bà khóc lóc kể chuyện cha có vợ bé, gia đình sắp tan vỡ. Bà phải nghĩ cách hàn gắn, và đã thành công. Có cô gái lỡ mang bầu, không nơi nương tựa, gọi điện cho bà, bà liền gởi cô vào chùa, sanh nở xong, bà cho tiền về quê làm ăn.
Bà nghiệm ra một điều, có khi người ta bế tắc tinh thần, cần ai đó đưa tay ra kịp thời. Toàn những người xa lạ, nhưng người ta yêu Kim Cương vì thấy bà toàn đóng vai khổ trên sân khấu, chắc bà thông cảm được cho cảnh khổ, vì vậy họ tìm đến Kim Cương.
Vui buồn theo những bước chân
NSND Kim Cương nói: “Làm từ thiện không chỉ chuyện vui, mà chuyện buồn cũng có. Nhưng ai đã bước vào con đường này thì phải lấy chữ Nhẫn làm đầu, phải hạ “cái tôi” của mình xuống”.
Chuyện đi xin tiền có lúc cũng không dễ dàng, có khi phải chờ đợi, thuyết phục. Trong đó, nhiều người thương bà, quý trọng bà, nhưng thỉnh thoảng cũng có người gây sốc. Như một lần, bà đến công ty nọ, tiếp xúc với một anh lãnh đạo trẻ tuổi. Anh ta nói: “Nghệ sĩ hết thời, giờ đi bán vé từ thiện à?”. Bà trả lời nhẹ nhàng nhưng quyết liệt: “Chỉ vì từ thiện thôi chú em. Chứ nếu là nghệ thuật, thì xin lỗi, chú em không đáng để xem kịch của tôi đâu”.
Nhưng số người “kỳ cục” như thế không nhiều, bởi uy tín của Kim Cương đã chinh phục nhiều Mạnh Thường Quân, và có nhiều người “đến hẹn lại lên”, cứ tới mùa là ủng hộ bà, không cần bà lên tiếng.
Kim Cương nói: “Cách xin tiền của tôi là không ép người ta, luôn chừa cửa cho người ta từ chối. Nhất là mùa dịch bệnh này, tôi không vận động ai hết, vì biết người ta đang khó khăn, nhưng không ngờ mọi người vẫn chắt chiu đóng góp cho tôi. Vì vậy, tôi rất thương người nghèo, nhưng cũng rất thương các nhà hảo tâm”.
Bà lại trầm ngâm: “Trong đời tôi, từ nghệ thuật tới từ thiện tôi đều thành công, chỉ có hôn nhân là tôi thất bại. Ban đầu tôi đau khổ vật vã, nhưng rồi nhờ học Phật pháp, làm đệ tử của Hòa thượng Thanh Từ, tôi mới nhận ra lẽ vô thường, và biết đâu nhờ sống một mình mà tôi rảnh tay lo cho người nghèo”.
Thật sự Kim Cương đã thực hành tâm nguyện Bồ tát mà Phật giáo đã dạy. Bồ tát thực sự là người dấn thân vào cuộc đời, gánh vác cuộc đời, giúp đỡ những bi thương, hoạn nạn. Kim Cương có một gian thờ trong nhà tuyệt đẹp, trang trọng, với nhiều bức tượng Phật và Bồ tát vô cùng trang nhã. Ngày nào bà cũng ngồi niệm Phật, niệm chú cả tiếng đồng hồ. Cuộc sống của bà giờ nhẹ nhàng như thế.
84 tuổi mà Kim Cương quản lý danh sách người nghèo, quản lý tiền bạc đâu ra đó, không hề lẫn lộn, minh mẫn đến lạ kỳ. Nhưng, có khi làm xong thì… vô cấp cứu.
Anh con trai xót mẹ: “Mẹ ơi, mẹ 84 tuổi rồi, mẹ giảm bớt lại để giữ sức”. Nhưng Kim Cương nói: “Con đường thiện nguyện càng đi càng dài, càng thấy quá nhiều người khổ. Tôi quýnh quáng làm vì biết thời gian không chờ mình, mà người ta cũng không chờ mình được nữa”.
Bà nói sẽ làm đến hơi thở cuối cùng, bởi bà đã “nợ” khán giả cái tình suốt mấy chục năm, trả cả đời không hết.
Hoàng Kim
Theo thethaovanhoa.vn
Link nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/nsnd-kim-cuong-duong-thien-nguyen-cang-di-cang-dai-n20210311075214924.htm