Nơi đón Tết sớm nhất Nam bộ

Hoa miền Nam quanh năm đều có, nhưng rộ nhất là mùa  giáp Tết. Nguồn cung dĩ nhiên là từ các làng hoa truyền thống – những nơi có không khí đón Tết sớm nhất Nam bộ.

Nếu không có những làng hoa này, hẳn cái Tết truyền thống sẽ thiếu đi nhiều hương sắc. Miền Nam nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng có khá nhiều làng hoa. Hầu như tỉnh thành nào cũng có, đáng để kể ra thì cũng trên dưới chục làng lớn nhỏ, có tuổi đời cũng vài chục năm đến trên dưới trăm năm. Có thể kể đến như làng hoa Thới Nhựt – Cần Thơ, làng mai Phước Định – Vĩnh Long, làng hoa kiểng Cái Mơn – Chợ Lách, Bến Tre, làng hoa Mỹ Phong – Mỹ Tho, Tiền Giang, làng hoa  Sa Đéc – Đồng Tháp…

Gieo giống hoa ở làng hoa Mỹ Tho.

Người ngắm hoa chỉ một mùa, dân trồng hoa thì làm quanh năm

Có đến làng hoa Mỹ Phong, Tiền Giang vào dịp tháng Chạp mới cảm cái không khí Tết bận rộn và tấp nập khi những người nhổ hoa, chở hoa mải miết với công việc. Những con lộ lớn nhỏ mùa này luôn kín xe tải xuống “ăn hoa” trước khi tỏa đi khắp nơi, thậm chí ra cả các tỉnh miền Trung. Đến đúng dịp bán hoa Tết, ở làng này đội lái hoa có khi còn nhiều hơn cả hoa nữa. Chưa kể lượng lớn xe con, xe du lịch chở khách xuống tham quan. Là làng hoa lớn nhất tỉnh Tiền Gang, Mỹ Phong không rộng lớn bằng làng hoa Sa Đéc, làng hoa kiểng Cái Mơn nhưng rất thu hút du khách. Bởi đây là nơi chiếm lợi thế số một về vị trí khi gần với Sài Gòn nhất trong số các làng hoa, chỉ cách khoảng 70km.

Mỗi lần ghé lại, tôi thấy mừng lây vì bên cạnh những nỗi lo thường trực hoa dội chợ, thời tiết thay đổi, dân trồng hoa của làng hoa giờ nhiều người đã có thể chủ động được kỹ thuật cho hoa ra sớm hay trễ để đúng ngày Tết thì hoa nở. Mà đừng nghĩ bán hoa xong là được nghỉ Tết. Nếu như nhà nhà trữ đồ ăn chơi ngày Tết thì nhà nông trồng hoa cũng để dành… hoa ăn Tết. Như đa số giống cúc đang trồng đều là do các hộ tự để dành, trước khi bán hoa Tết thì chọn giữ lại một phần để dành giống cho năm sau. Chờ ra Giêng mới bắt đầu dưỡng gốc đến mưa đầu mùa khoảng tháng 4 Âm lịch thì cắt ngang thân cây chỉ chừa lại phần gốc, giống sẽ nảy ra nhiều tược. Rồi tiếp tục dưỡng cây đến rằm tháng 5 sẽ có nhánh con, cắt nhánh, ngọn non cắm xuống đất, rải phân, sau khoảng 15 ngày chờ ngọn non tự mọc rễ rồi nhổ lên đặt vào chậu. Kể tỉ mỉ chi tiết vậy để thấy cái sự trồng hoa không đơn giản. Người trong làng hay đùa trồng hoa ăn Tết từ trước Tết Nguyên Đán cả nửa năm lận!

Anh Tám, một người trồng hoa cúc mâm xôi hơn ba chục năm nay ở làng hoa Tân Quy Đông cho biết: “Mùa trồng hoa Tết cũng là mùa con nước lũ tràn đồng ở miền Tây nên nhà vườn phải đưa hoa lên giàn, giúp hoa không bị hư, giữ cho hoa sạch, không lấm bùn đất, hạn chế sâu bệnh và bộ rễ thoáng, cây không bị úng nước.” Lâu rồi thành lệ, để tận dụng nguồn nước lên từ những con rạch nhỏ. Hiện nay chung quanh làng đã xây dựng đê bao điều tiết lũ, nước không còn ngập tràn các ruộng hoa nhưng nông dân vẫn giữ thói quen trồng hoa trên giàn và đây mới chính là điểm độc đáo thu hút khách tham quan và nhấn thêm cá tính cho hoa thương hiệu làng hoa Sa Đéc.

Trăm năm trước là chuyện trồng chơi…

Đến làng hoa vào những dịp giữa Hè, hay đầu Thu, thấy không khí đã như mùa Tết rộn ràng khi nhà nhà ra vườn với những hạt, cây giống hoa được ủ trồng, xuống giống khắp nơi chuẩn bị cho mùa thu hoạch cuối năm.

Gọi những nơi này là nơi mùa Xuân bất tận có thể hơi quá một chút, nhưng cũng không sai. Bởi hoa, kiểng có quanh năm.

Nếu trước đây làng hoa Sa Đéc hay còn gọi làng hoa Tân Quy Đông chỉ sản xuất theo kinh nghiệm tích lũy dần dà theo năm tháng thì bây giờ việc tiếp cận và vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi trồng, tạo giống mới cho hoa ngày càng nhiều. Chỉ nhìn sơ qua các con số thì có thể tin là nơi đây đang ăn nên làm ra thật sự. Làng hoa 13 năm trước có diện tích khoảng 300ha đất, nay đã phình to hơn với diện tích 527ha, năm 2020 diện tích làng hoa sẽ lên đến 1.000ha, lan rộng ra các khóm Sa Nhiên, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông, phường 3 (thị xã Sa Đéc), xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò). Doanh thu hoa của làng năm 2018 đạt 1.550 tỉ đồng, chiếm 65% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố  Sa Đéc.

Khó ai ngờ cả trăm năm trước, chuyện trồng hoa ở xứ này chỉ là chuyện trồng chơi. Xuất phát đơn giản từ việc một vài nhà tự trồng hoa để biếu tặng nhau mỗi khi Tết đến từ những năm đầu thế kỷ 20, rồi thú chơi tao nhã lan dần thành một nhu cầu. Số hộ trồng hoa dần tăng, mục đích kinh doanh cung cầu cũng được xác định rõ ràng hơn theo thời gian, cùng nhu cầu chơi, chưng hoa Tết đã thành thông lệ. Nơi đây có những cái tên đã từng nức tiếng trong giới chơi hoa kiểng như vườn hồng Tư Tôn, vườn hoa Giáo Tiếp…

Làng hoa Sa Đéc.

Làng hoa Sa Đéc bây giờ không chỉ bán hoa cho thương lái, mà còn đầu tư làm du lịch. Khoảng hơn một năm nay, khách đến làng hoa ngày một đông hơn, khi con đường chạy xuyên khu vực chính của làng đã được cải tạo nâng cấp. Giáp Tết năm ngoái, tôi trở lại làng hoa, con đường đã được rải nhựa mở rộng, có lề, có thêm các nhà chờ xe buýt. Các hộ trồng hoa hai bên đường chăm chút chỉnh trang vườn hoa của mình thật đẹp để thu hút du khách.

Bên cạnh những âu lo hệ lụy từ khai thác du lịch với một nơi chưa từng làm du lịch, cũng có những lạc quan về đời sống của người trồng hoa ngày một ổn định hơn. Trở lại thăm làng, điều thay đổi nhỏ nhưng đáng nói nhất với kẻ nhiều lần đến đây như tôi là chuyện chụp ảnh. Nếu ai từng đi săn ảnh nơi đây hẳn sẽ gặp chuyện này. Mỗi khi ghé nhà vườn nào đó chụp ảnh hoa, hoặc chủ vườn thoải mái mặc kệ bạn chụp bao nhiêu cũng được miễn đừng đụng chạm, bẻ lá ngắt cành làm ảnh hưởng đến hoa. Hoặc là chủ vườn sẽ nhăn nhó xua như xua tà dù bạn đã nhã nhặn xin phép và chỉ đứng ngoài đường chĩa ống kính vào. Lý do theo tôi tìm hiểu, thì không ít người trồng hoa có quan niệm rằng hoa chưa kịp nở hoặc chưa có người mua thì chụp ảnh dễ xui, ế, nói chung là không hay, nên kiêng cữ (?). Nhưng bây giờ trở lại, chủ vườn nào cũng cười nói xởi lởi, thậm chí còn hồ hởi khuyến khích khách chụp hình đăng lên mạng xã hội cho nhiều người biết đến làng này.

Chỉ vài chi tiết nhỏ cũng cho thấy sự thích ứng và hòa nhập của những người trồng hoa. Mà, có như vậy mới đúng là tính cách người miền Tây, dễ gần và nhanh hòa nhập. Sự hiếu khách, xởi lởi sẵn có của người miền Tây có đất dụng võ nhiều hơn và giúp họ kiếm được lợi nhuận nhiều hơn, cùng với hoa.

Mừng cho làng hoa, mà cũng ngậm ngùi cho làng hoa!

Dì Hai Khỏe, cười hài hước trước sân nhà ở làng hoa Mỹ Phong với những bụi cúc: “Làng này ăn Tết với hoa quanh năm cưng ơi. Ăn Tết xong ra Giêng là mọi người lại bắt tay vào việc ngay. Trước tiên phải mua phân bò về trộn với tro ủ kèm vôi khoảng vài tháng, sau đó rắc thêm vào mụn dừa, trấu để chuẩn bị trồng hoa vụ mới. Nghĩa là, không có chuyện nghỉ Tết, tháng Giêng là tháng ăn chơi đâu à nha”. Thu nhập từ việc trồng hoa Tết trong 6 tháng cuối năm, sau khi trừ mọi chi phí, trung bình một hộ vẫn lời ít nhất từ 50 – 60 triệu đồng, có năm được giá lời trên 100 triệu đồng. Một con số đủ sống ở đời sống vùng ven đô.

Làng hoa Mỹ Tho.

Nghề trồng hoa, bán hoa từ lâu được xem như một công việc tuy vất vả nhưng lại là một nghề thơm tho, tao nhã và không kém phần lãng mạn. Thu nhập cũng không đến nỗi nào, khi so ướm với thu nhập trung bình ở Sài Gòn thì thấy việc trồng hoa nơi phố thị cũng không hẳn đã là nhiều chênh lệch. Nhưng, nếu so với việc bán đất (vốn để trồng hoa) thì không!

Trong cơn lốc đô thị hóa và sốt đất, có những làng hoa nay chỉ còn là ký ức, dễ nhắc đến nhất là làng hoa Gò Vấp của Sài Gòn. Làng hoa Gò Vấp được cho là hình thành cũng trên dưới trăm năm, nay chỉ còn lay lắt trong dăm khoảnh vườn nhỏ rải rác giữa những khối bê tông phố thị, teo tóp dần trong sự dần quên lãng của người thành phố. Trong tình hình tấc đất tấc vàng, hầu như các hộ trồng hoa ở Gò Vấp đều đã tách thửa để bán dần. Làng hoa nếu còn, có lẽ chỉ hiện diện ở mỗi cái công viên nhỏ mang tên làng hoa Gò Vấp nhưng lại rất ít trồng hoa, gọi tên chỉ làm nhớ thêm về một thời vàng son của làng hoa này…

L.M.Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục