Nơi độc nhất miền Tây có ngôi nhà 100 cột hơn 100 năm tuổi
Về miền Tây, ghé ngôi nhà hơn 100 năm tuổi, ngôi nhà trăm cột tọa lạc ấp Tây (xã Tân Bình, H.Châu Thành, Đồng Tháp) do ông Lê Minh Tồn (78 tuổi) ngày ngày chăm sóc, giữ gìn. Ngôi nhà độc đáo trên có 6 thế hệ đã từng ở.
Ông Lê Minh Tồn là cháu đời thứ 4 của cụ Lê Văn Nhẫn (Cả Nhẫn, người xây cất ngôi nhà này). Nhà do một nhóm thợ từ làng nghề chạm khắc nổi tiếng ở Huế đến xây dựng và trang trí trong 3 năm mới hoàn thiện.
Ông Tồn cho biết đến nay đã có 6 thế hệ sống trong ngôi nhà này và cùng nhau gìn giữ, bảo quản. Đây là kiểu nhà trăm cột (dân gian gọi là nhà chữ đinh), vì có 100 cây cột đỡ mái ngói ở miền Tây.
“Để tính số lượng cột rất dễ, chỉ cần đếm chiều ngang 10 cột, chiều dài vô 10 cột rồi nhân lên là ra 100 cột. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, những hàng cột nhỏ ít nhiều chịu nắng mưa nên xuống cấp, phải dỡ bỏ. Vì vậy ngôi nhà hiện còn 80 cột”, ông Tồn chia sẻ.
Mặt chính nhà quay về hướng Đông Bắc, có sân rộng dùng để phơi lúa. Mái lợp ngói âm dương. Mặt bằng nhà được chia thành hai bộ phận nhà trên và nhà dưới theo kiến trúc nhà chữ đinh. Sự lộng lẫy và hiện vật phong phú bên trong nội thất của ngôi nhà này đã làm cho những ai có dịp đến đây đều phải trầm trồ thán phục. Phía ngoài ở khoảng giữa cột hàng ba gian bìa đặt hai bộ ngựa gõ dày.
Nhà có kết cấu bộ khung vững chãi, các cột được làm bằng gỗ căm xe nên rất chắc chắn, từng cột được xếp thành hàng dài song song theo chiều dọc và chiều ngang đứng chịu lực, ráp nối khít với thân kèo, đòn tay.
Từ cột nhà đến các đồ dùng như bàn ghế, giường, tủ… đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu mang các đề tài cổ điển như: tứ linh (long – lân – quy – phụng), tứ tiết (mai – lan – cúc – trúc), các mô típ thể hiện Phúc – Lộc – Thọ… lồng ghép những ý tưởng, ước muốn có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc của cư dân nông nghiệp miền Tây nói chung và của gia chủ nói riêng.
Không gian mặt tiền phía trong là nơi trang trọng nhất. Ở đây được trang hoàng lộng lẫy với việc sắp đặt bài trí các nơi thờ phụng, tủ thờ Bắc – Trung – Nam, bộ 4 ghế được khảm xà cừ đẹp mắt, tranh liễn, đèn trang trí… Dụng cụ thờ tự gồm lư, chân đèn, hạc, đèn bình hoa, mâm bồng, tất cả đều thuộc loại cổ vật.
Trên mỗi cột hàng nhất đều có tranh liễn về những hình ảnh tích truyện được cẩn ốc xà cừ nổi bật. Trần nhà còn có treo hai chiếc đèn trang trí, một là đèn chùm của châu Âu sản xuất, hai là đèn lồng rất đẹp.
Ở miền Tây, thật hiếm hoi có căn nhà như vậy. Dù thời gian sử dụng đã trên 100 năm nhưng đến nay bộ khung vẫn còn vững chãi. Một phần nhờ kỹ thuật ráp nối của người xưa, nhưng chủ yếu nhờ sự chăm chút, giữ gìn bảo quản của các thế hệ con cháu của chủ nhân ngôi nhà.
Bài & ảnh: Duy Tân
Theo thanhnien.vn
Link nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/noi-doc-nhat-mien-tay-co-ngoi-nha-co-100-cot-hon-100-nam-tuoi-1152757.html