Niềm hy vọng và tuyệt vọng trong tranh Lương Lưu Biên
Trong triển lãm mới nhất của mình, họa sĩ Lương Lưu Biên cho thấy sự thay đổi của anh về cách thức thể hiện, bố cục tranh lớn hơn với những nhân vật giàu biểu cảm nhưng thể hiện sự mong manh, cô đơn của con người, kể cả niềm hy vọng.
Sự thay đổi lần này về hình thức thể hiện được Lương Lưu Biên ví là sự dịch chuyển ra khỏi “thuyền ba lá” – vì kích cỡ của loại thuyền này thường chỉ “đủ chở dừa”. “Tôi muốn chiếc thuyền chở nhiều người,” anh nói.
Sự thay đổi về hình thức thể hiện, cấu trúc với những nhóm người dàn trải về tổng thể, đã giúp họa sĩ diễn tả nhiều cảm xúc. Bố cục lớn của bức tranh là sự tiến lên về ý, nội dung của một số tác phẩm nổi bật lần này. Các nhân vật trong tranh của anh là một tập thể rất đông người, đông nhất đến 22 người trong Bầy cô đơn.
Cùng với bức Trên những nẻo đường hành hương, hai bức tranh này khiến người xem nhớ đến những bức tranh thời kỳ Phục Hưng đông đúc người và những sân khấu múa hoành tráng, nơi con người thể hiện ở nhiều tư thế, sắc độ biểu cảm cuốn hút.
Tranh Lương Lưu Biên là sự chuyển động của các nhân vật, có khi rời rạc, tồn tại với nhau như sự giao thoa chứ không thành một khối; có khi họ lại không tách hình khối mà “bị trộn lẫn, chảy nhão vào nhau”. “Bầy người” như đau đớn muốn tách ra, vượt thoát, nhưng đó lại là một hành trình nhiều suy tư và đau khổ.
Những bức tranh có những chỗ rất tĩnh, có nơi rất động, với những dáng múa tạo nhiều cảm xúc và đường nét chuyển động của hình dáng cơ thể. Các nhân vật như dựa vào nhau để đi qua cuộc đời. Lương Lưu Biên gọi các tác phẩm lần này của mình là “sự tiến triển, không phải là sự phát hiện mới trong quá trình thực hành nghệ thuật”.
Hơn 20 năm thực hành nghệ thuật, với nền tảng bài bản của mỹ thuật và vận dụng kỹ thuật làm tranh sơn mài, kiến thức về giải phẫu học hình thể và múa, Biên tạo ra những tác phẩm có hiệu ứng của điêu khắc trên bề mặt tranh với các nhân vật lõa thể, đặt trong một thế giới không có bối cảnh cụ thể, chỉ có màu sắc và tâm trạng. Anh nói: “Đó mới chính là những cảm xúc thật của cuộc đời.”
Lương Lưu Biên là họa sĩ đầu tiên có triển lãm cá nhân khai mạc phòng tranh Craig Thomas Gallery cách nay 11 năm. Triển lãm Hóa thạch của anh năm 2009 miêu tả những dáng vẻ gầy gò trong bối cảnh ngột ngạt, gần như bất động gợi lên sự cô độc, xa lánh, những cảm xúc mà anh nói đã trải qua thời niên thiếu. Sự phơi bày những xáo động và nỗi đau tinh thần làm tác phẩm của anh trở nên thu hút và cho phép người xem chìm đắm trong tâm trạng đó.
Thời gian cho thấy anh vẫn tiếp tục con đường thể hiện sự chân thực cảm xúc của mình. Có một sự giằng co giữa hy vọng và tuyệt vọng trong bộ sưu tập lần này. Từ tác phẩm mô tả con người là những cơ thể độc lập, cô đơn, anh tiến tới những bố cục đông người, có tính bầy đàn, cộng đồng.
“Tuy vậy, đây chỉ là cách nhìn thoát khỏi cái tôi độc lập và mô tả chúng trong một bối cảnh cùng tồn tại. Mỗi người vẫn là một thế giới và nó càng đơn độc hơn khi xếp cạnh nhau,” anh viết. Bởi vậy, xem tranh của Biên, dù thường mô tả những cá thể trần truồng, lại không thấy sự gợi dục, các nhân vật của anh là một “bầy” với những cơ thể đẹp theo kiểu cấu trúc, chứ không phải đẹp kiểu giới tính.
Triển lãm Bầy cô đơn của Lương Lưu Biên tại Craig Thomas Gallery – 27I Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM, đến ngày 16/8/2020.
Khổng Loan
Theo Forbes Vietnam
Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/giai-tri/niem-hy-vong-va-tuyet-vong-trong-tranh-luong-luu-bien-12286.html