Những trở lực của kinh tế Việt Nam 2021

Dù khống chế dịch tốt nhưng Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ khi kinh tế thế giới gặp khó khăn.

Kinh tế thế giới đã lao đao trong đại dịch, vốn vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Vì thế, cuộc đua tung ra vaccine Covid-19 đã thu hút nhiều sự chú ý. Hiện có khoảng 70 loại vaccine Covid-19 đang chạy đua qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (nhóm nhỏ, nhóm lớn hơn và quy mô lớn) và 6 loại vaccine đã có phê duyệt quy định sử dụng hạn chế.

Trong kịch bản lý tưởng, đặt xác suất hiệu quả vaccine là 60% và thế giới ngăn chặn được dịch từ quý IV/2021, Ngân hàng UOB dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ quay trở lại, với đà tăng GDP 5,2%. UOB cũng cho rằng, đà tăng trưởng ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ sẽ nhanh hơn và những ngành tùy thuộc con người như du lịch, bán lẻ, giải trí sẽ phục hồi chậm hơn.

nhung-tro-luc-cua-kinh-te-nam-2021
Trong kịch bản lý tưởng, đặt xác suất hiệu quả vaccine là 60% và thế giới ngăn chặn được dịch từ quý IV/2021. Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên, theo ông  Julien Brun, Đối tác Điều hành thuộc CEL Consulting, điều chắc chắn là sức cầu của thế giới năm 2021 không thể bằng được như năm 2019. “Chúng ta cần nhiều thời gian hơn để quay lại giai đoạn trước dịch”, ông nói. Đây cũng là lưu ý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), World Bank, UOB… trong các kịch bản kém lạc quan về kinh tế thế giới.

Thực tế, Mỹ và châu Âu vẫn đang vật lộn với tình trạng số ca tử vong, nhiễm dịch Covid-19 không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của CEL Consulting, khả năng tài khóa của các nước đã đến giới hạn, khó có thể vay thêm tiền để triển khai các gói cứu trợ lớn như đợt đầu năm 2020. “Con người sẽ phải tìm cách phát triển kinh tế để thích nghi với tình hình mới”, ông  Julien Brun nhận định.

Thế giới đang trông đợi những thay đổi từ tình hình vaccine và từ cả việc Mỹ có Tổng thống mới, dấy lên hy vọng về sự trở lại của Mỹ trên sân khấu toàn cầu. Theo đó, Mỹ sẽ lại áp dụng chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức chung, mở ra những cơ hội hợp tác mới và Mỹ sẽ đóng vai quan trọng trong phòng chống biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, trong quý III/2020, nhờ kinh tế phục hồi một phần mà tăng tưởng thực đã đạt 2,62%, cải thiện hơn so với mức tăng 0,39% của quý trước đó. Xét cả 3 quý đầu năm 2020, GDP tăng 2,12%. World Bank đánh giá tích cực về triển vọng thời gian tới của Việt Nam, với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi không có nghĩa là không bị tác động. Ví dụ, ngành du lịch lữ hành vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở nhiều nước.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), động lực phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ xuất khẩu. Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 ra sao và tốc độ cung cấp cho các nước như thế nào.

Ngân hàng UOB dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP 2,7% năm 2020 và 7,1% năm 2021, khả quan hơn dự đoán của ADB và các tổ chức khác. Đây là mức tăng trưởng không hứa hẹn sự bứt phá, dù Việt Nam đã khống chế dịch tốt, giải ngân đầu tư công cao và thu hút mạnh vốn FDI. Bởi vì, như nhận định của ông Võ Trí Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế, “với độ mở của nền kinh tế gấp 2 lần quy mô GDP, Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn khi kinh tế thế giới gặp khó khăn”. Ông Thành dự báo, ít nhất phải từ năm 2022, kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc trở lại như trước dịch.

Một chìa khóa quan trọng khác là tăng trưởng tiêu dùng sang năm 2021 sẽ có nhiều trở ngại. Theo quan sát của ông Julien Brun, một lượng lớn người lao động ở các ngành hàng không, khách sạn, ăn uống, du lịch… đứng trước nguy cơ thất nghiệp do hầu hết doanh nghiệp đã cắt giảm lương, giờ làm, thu gọn bộ máy. Sức mua của nhóm người này sẽ giảm. Ngoài ra, trước tác động của dịch bệnh, nguồn thu nhiều ngành như vận tải, dịch vụ, sản xuất công nghiệp… bị co lại và khách quốc tế đã không thể đến Việt Nam. Tất cả đã làm sụt giảm sức mua tiêu dùng. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau 10 năm, World Bank dự báo, lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2020 có thể giảm hơn 7%, còn 15,7 tỉ USD và chỉ chiếm 5,8% GDP.

Thách thức cho kinh tế Việt Nam năm 2021 còn đến từ mô hình kinh tế phụ thuộc yếu tố đầu vào, tăng trưởng chưa đủ sâu, thiếu nguồn lực ứng phó Covid-19. Năm 2021, nguồn vốn chi đầu tư công sẽ giảm hơn so với năm 2020, nhưng nếu Chính phủ giữ được lạm phát và lãi suất ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành không liên quan xuất khẩu có điều kiện tăng trưởng. “Nền kinh tế sẽ tăng tốc mạnh nếu chúng ta đẩy mạnh cải cách hơn nữa”, Giáo sư Nguyễn Mại nhận định.

Viết Nguyên

Theo nhipcaudautu.vn

Link nguồn: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/nhung-tro-luc-cua-kinh-te-viet-nam-2021-3338766/

Cùng chuyên mục