Những người đàn bà vĩ đại
Tròn 40 năm sau khi giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Pôn Pốt, những câu chuyện về người lính Việt ở chiến trường K sẽ còn lưu truyền mãi. Nhưng sẽ là bất công, nếu như chúng ta phớt lờ đi những đôi mắt chứa đầy những đau đớn, cam chịu, từ những người vợ, vọng phu…

Bóng người đàn bà bên nấm mồ nhỏ
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2017, tôi theo nhóm cựu binh thuộc Trung đoàn 96 Quảng Nam (Sư đoàn 309) đi vào các tỉnh biên giới phía Nam để di chuyển hài cốt liệt sĩ – cũng là đồng đội của họ, về lại quê nhà. Lần ấy, có 4 chuyến xe và chiếc xe số 4 là chuyến có hành trình xa nhất, đến tận vùng biên giới Tân Biên (tỉnh Tây Ninh).
Ngoài những cựu binh, còn có một người phụ nữ, đó là bà Lâm Thị Thự, vợ của liệt sĩ Võ Ngọc Lắm. Tháng 8/1980, liệt sĩ Lắm nhập ngũ, được phân công vào tiểu đội trưởng ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 812, Sư đoàn 309. “Khi ấy tôi đang mang thai đứa con trai đầu lòng. Tiễn ảnh đi, nghĩ rằng sẽ đoàn viên sau vài năm…” – bà Thự gợi nhớ, mắt nhìn xa xăm qua ô cửa kính, những hạt nước mưa miền biên viễn lăn dài.
Giọng bà chùng xuống, đứt quãng: “Sinh thằng cu ra, mừng, viết thư cho ảnh. Ảnh gửi thư về, nói hẹn ngày về gặp hai mẹ con. Được vài tháng thì con trai sốt cao và mất. Tôi lại viết thư cho ảnh. Ảnh biên thư về an ủi, nói sẽ cố về làm mâm cúng cho con, nhưng dang dở mãi….”.
Chiến trường Campuchia ác liệt đã lấy đi người chồng của bà Thự. “Đó là tháng 12/1983, ảnh “trở về” trên giấy báo tử” – bà Thự chỉ nói thế, rồi òa khóc. Những người cựu binh trên xe an ủi. Mãi lúc sau, bà mở giấy báo tử, tròn trịa dòng chữ: “Taco, Battambang, Campuchia”. Đó là nơi chồng bà đã hy sinh. Bà không biết nó ở đâu trên mảnh đất Campuchia, nhưng những cựu binh trên chuyến xe hôm ấy biết rất rõ, bởi đó là nơi một phần tuổi trẻ của họ đã chiến đấu.

Về phần mình, suốt 35 năm ròng rã, bà Thự vẫn nghĩ chồng còn đang nằm bên Campuchia mà không biết rằng đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Nhưng cũng chính những rời rạc, chắp nối ấy của bà Thự, đã gợi trong đầu cựu binh Nguyễn Văn Dũng (Trung đoàn 96, Sư đoàn 309, hiện sống ở Duy Xuyên, Quảng Nam) những nghĩ suy cần hành động ngay: ông rút điện thoại, gọi cho một người tên Bảy.
Té ra, ông Bảy vừa là đồng đội, vừa là đồng hương với liệt sĩ Lắm. Bà Thự nghe điện thoại, giọng nấc nghẹn, lthảng thốt: “Anh ơi, anh nhớ gì về anh Lắm không anh. Em vợ Lắm đây. Anh Lý Phương (liệt sĩ Lý Phương – PV) cũng “về” đợt này đó anh. Phương vừa qua, là chết. Anh Lắm thì đến cuối năm 83 em mới nhận được tin ảnh hy sinh. Anh ơi, sao nhà chúng mình chỉ cách nhau có mấy chục cây, mà gần 40 năm nay em không biết anh để đi tìm anh Lắm. Ngày xưa, ảnh có kể gì về vợ con không anh. Sao mà ảnh chết…”.
Nước mắt, cứ thế chảy dài trên gương mặt người phụ nữ, bên ngoài, những màn đêm dần phủ dày. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, khi đi sâu vào các dãy mộ, tiếng khóc của bà Thự vỡ ra, tan trong mênh mông những hàng mộ, như chất chứa những mong chờ mòn mỏi suốt 40 năm. “Anh ơi, con nó bỏ em, rồi sao anh cũng bỏ em đi…” – bà Thự chỉ thốt lên những điều đó, rồi tiếp tục khóc nấc.
Bóng người đàn bà đổ xuống bên nấm mồ nhỏ, lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của nghĩa trang, trong làn khói hương nghi ngút bay lên từ đất. Đồng đội liệt sĩ Lắm lặng lẽ trải lá cờ bên trong tấm quách, đưa xấp giấy tiền cho bà Thự hóa vàng trước giờ bốc mộ. Những tiếng nấc nghẹn không dừng lại, vỡ theo làn khói nhang, loang trong buổi sớm vùng biên đẫm sương lạnh. Trên những ngọn bằng lăng, đóa hoa tím vì nhuộm quá màu thương nhớ. Dáng người đàn bà khổ hạnh, vẫn đang vật vã giữa hàng bia mộ, với những tiếng khóc xé lòng. Đến giờ phút ấy, bà Thự mới biết chồng mình là lính trinh sát!
Người đàn bà sõng soài bên quách chồng
Sau vài ngày ở các nghĩa trang các tỉnh biên giới phía Nam và đêm cầu siêu ở một ngôi chùa tại TP.Hồ Chí Minh, những chuyến xe bắt đầu ngược hướng, về phía quê nhà. Khi đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), đập vào mắt tôi là dáng một người đàn bà đầy khắc khổ, khóc đợi chuyến xe đưa hài cốt chồng về.
Sau, tôi mới biết đó là bà Trần Thị Hòa, 63 tuổi, vợ liệt sĩ Ngô Tám. Từ trên xe, tôi thấy bà đưa đôi mắt già nua, cố kiếm tìm dáng hình người em chồng – người theo đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ. Rồi khóc nghẹn như suýt chìm vào cơn ngất, khi thấy chiếc quách chứa hài cốt chồng đưa từ trên xe xuống. Bà Hòa chạy đến, thả bịch chiếc mũ bảo hiểm nãy giờ mãi bứt rứt trên tay, cuống quýt ôm hài cốt chồng gào khóc thảm thiết.
Bà khóc như thể rằng bà chỉ vừa mới nghe tin mất chồng mới hôm qua. Bà khóc như thể rằng ở đây chỉ có mỗi bà và chồng. Bà khóc như thể muốn trôi chảy những nỗi niềm chịu đựng suốt gần 40 năm qua. Và, trong phút giây ấy, tôi ước gì bà đang tựa vào vai chồng mà khóc, chứ không phải nằm sõng soài bên quách chồng.

Nỗi đau mất chồng gần như còn vẹn nguyên trong bà, còn vết thương lòng dù đã ít nhiều lên da non sau gần 40 năm, cũng không thể nào ngăn những nức nở: “Anh nói anh đi rồi ít năm anh về với em, mà sao anh ở xứ họ luôn hả anh ơi! Anh đi hồi em còn hai mươi, mà bây chừ em đã hơn sáu mươi rồi anh mới về. Người ta đi về có chồng có con sum họp, em đi về sống chèo queo một mình anh Tám ơi, anh Tám! Nghe tin sáng nay anh về mà đêm qua em không ngủ được. Gần bốn mươi năm nay em mới được nhìn thấy anh đây anh ơi. Về với em đi anh, về đi, anh Tám của em!”.
Thoáng chốc, vòng xoáy chơ vơ đã tiệm cận 40 năm. Tóc xanh xưa trên đầu người góa phụ trẻ, nay đã hai màu đen trắng. Nhưng ít ra trong phút giây tràn nước mắt ấy, bà Hòa biết rằng bà và chồng sẽ không còn bất kỳ cuộc chia li nào cả. Trùng phùng trong hoàn cảnh ấy, chẳng ai đủ cứng lòng mà không rơi nước.
Dáng bà Hòa khóc chồng, là mẫu số chung của dáng phụ nữ Việt. Họ đều toát lên vẻ nhẫn nhịn. Nuốt ngược nước mắt vào trong, nhìn chồng đi về hướng mà cái chết như đã được mặc định. Là bao dung đấy. Là hy sinh đấy. Họ hy sinh tuổi xanh của mình từ lúc chồng khoác ba lô màu xanh lên đường. Mênh mông trong cái hình hài sõng soài bên quách chồng ấy, là cả một sự hy sinh vĩ đại.
Người đàn bà hiếu hạnh
Lẽ ra, bà Đặng Thị Rân đã được “gặp” chồng, là liệt sĩ Đinh Văn Hương sớm hơn… vài ngày tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh. Nhưng trước hôm đi một ngày, bà bệnh nặng phải nhập viện và không thể tham gia chuyến đi, rồi nước mắt ngắn dài nhờ Ban liên lạc Trung đoàn 96 đưa hài cốt chồng về.
Đứng bên chiếc quách của chồng, nước mắt bà khi ngắn, khi dài, đỏ hoe trong những tiếng nấc. Bà Rân với Đinh Văn Hương cưới nhau vào năm 1979, được nửa tháng thì Hương lên đường sang Campuchia giúp nước bạn chống lại họa diệt chủng Pôn Pốt, và ngăn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mở rộng. Đến tháng 12/1979 thì chồng bà hy sinh. Dang dở lời hứa trở về.

“Đó là những tháng năm buồn…” – bà Rân bỏ dở câu nói trong nấc nghẹn, rồi đưa tay phủi tàn nhang rơi trên quách chồng. Ngày liệt sĩ Hương trở về, chỉ có bà, là người thân duy nhất ra đón, sau khi vừa trải qua cơn ốm đột ngột trước chuyến đi. Ba mươi tám năm qua, bà thủy chung với tình yêu duy nhất. Là ông. Với bà, một ngày hay nửa tháng, đã là vợ chồng thì mãi mãi như vậy. Bà vẫn ở gần bên, và mỗi ngày đều qua lại chăm sóc cha chồng đang ở cái tuổi hơn 90.
“À, cô có xin một đứa con nuôi” – bà kể. Cô con gái nuôi ấy bây giờ đã 39 tuổi, bằng đúng số năm mà liệt sĩ Hương lên đường đi làm nhiệm vụ và hy sinh. Khi nhận giấy báo tử của chồng, bà Rân bàn với cha chồng xin đứa con nuôi cho khuây khỏa nỗi niềm, nhưng những năm đầu con trai hy sinh, ông chưa đồng ý vội vì nghĩ con sẽ về.
Rồi thương con dâu còn trẻ mà phải cô độc, ông khuyên đi bước nữa, nhưng bà Rân không chịu, nói: “Chồng con mất rồi, mà ba thì già, con phải chăm sóc cho ba”. Còn người con nuôi ấy, đã lập gia đình và hiện đang sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi hỏi bà: “Ba mươi tám năm qua, đây là lần đâu tiên cô gặp lại chú?”. Bà Rân khẽ gật đầu: “Nhưng là ở quê. Chứ trước đó cô có mấy lần vào thăm chú rồi, ở Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh, khi họ đưa ảnh từ Campuchia về”.

Gần hai tháng sau lần gặp đó, tôi tìm về nhà bà Rân ở xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), mới hay cha chồng của bà vừa mất hơn một tháng. “Đón ảnh về được một tháng, thì cha chồng mất. Trước đó, ông yếu lắm, nhưng hình như ráng đợi con về rồi mới chịu “đi. Nhìn ba đi thanh thản, mà cũng an lòng” – bà Rân xúc động.
Bà Rân sống bằng một cửa hàng tạp hóa nhỏ, cách nhà cha chồng không xa. Khi ông còn sống, bà qua lại lo cơm nước; khi ông mất, bà vẫn tần tảo sớm hôm qua lại để nhang khói. Tôi theo theo bà qua bên đó, thấy những bàn thờ tươm tất, bà bảo: “Ngày ảnh “về” và ba chồng mất cách đúng nhau một tháng, nên sẽ tổ chức giỗ cùng một ngày, cho tiện”.
Tôi thấy trong đôi mắt bà những thứ xa xăm của quá khứ và dịu vợi của tương lai. Xuyên suốt dặm dài từ thanh xuân đến tuổi già ấy, phủ trên người đàn bà này là những thương đau. Song, trân quý hơn, là bà rất hiếu hạnh. Và tôi biết, với những gì diễn ra ở chiến trường Campuchia, nước Việt không chỉ có 3 người đàn bà trên, mà còn rất nhiều người đàn bà vĩ đại…
Bài & ảnh: Xuân Thọ